Hoàn thiện quy định của pháp luật về căn cứ thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn

Thứ sáu - 09/08/2024 20:35
Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã khẳng định vai trò của gia đình đối với sự phát triển của xã hội "Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Mặc dù vậy, vì nhiều lý do khác nhau, hiện nay các vụ việc ly hôn giữa các cặp vợ chồng ngày càng có xu hướng gia tăng, gây ra nhiều vấn đề xã hội phức tạp, trong đó có việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cái sau khi ly hôn. Nhiều trẻ em sau khi cha mẹ ly hôn phải chịu sự ngược đãi, bạo hành của cha dượng, mẹ kế, hoặc chính cha mẹ ruột. trong khi đó cha mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng con cái sau ly hôn muốn giành lại quyền nuôi con gặp không ít khó khăn cả về mặt xã hội và pháp lý. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi nêu một số hạn chế, bất cập của pháp luật về căn cứ thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn.
  Tại khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định hai căn cứ thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn là:
“a) Cha, mẹ có thoả thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
  b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”.
  Khi có các căn cứ nêu trên thì cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con hoặc người thân thích, Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ (quy định tại khoản 5 Điều 84 Luật hôn nhân gia đình) có quyền yêu cầu Toà án thay đổi người trực tiếp nuôi con là người chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Mục đích của việc yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con là nhằm đảm bảo tốt quyền lợi tốt nhất cho con. Ngoài ra việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
  Tuy nhiên, từ thực tiễn xét xử nhiều vụ án hôn nhân và gia đình trong những năm qua nhận thấy, căn cứ thay đổi người trực tiếp nuôi con tại điểm b khoản 2 Điều 84 Luật hôn nhân gia đình nêu trên còn tồn tại bất cập, cụ thể là:
   Pháp luật không quy định hay hướng dẫn cụ thể trường hợp nào người cha hoặc mẹ được coi là “không đủ điều kiện” trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau gây khó khăn và không thống nhất cho việc áp dụng pháp luật trên thực tiễn. Nhiều trường hợp Toà án bác đơn khởi kiện yêu cầu thay đổi quyền nuôi con của đương sự vì còn có sự nhận thức khác nhau. Việc con cái bị cha mẹ kế ngược đãi; bị cha mẹ trực tiếp nuôi dưỡng xâm phạm về thân thể, danh dự (như đưa con đi bán dâm); người cha, người mẹ được Toà án quyết định giao quyền trực tiếp nuôi con nhưng không trực tiếp nuôi con mà nhờ người thân thích khác chăm sóc hoặc điều kiện kinh tế không đảm bảo để nuôi con; người trực tiếp nuôi con cố tình ngăn cản việc trôm nom, chăm sóc con của người còn lại, vi phạm quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con theo quy định tại khoản 3 Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình hoặc người trực tiếp nuôi con phạm tội phải đi chấp hành án thì có được coi là không đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hay không ?
Để khắc phục những khó khăn vướng mắc như đã nêu trên và hoàn thiện quy định của pháp luật về căn cứ thay đổi người trực tiếp nuôi con, tạo nên sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật giữa Toà án nhân dân các cấp, các địa phương, chúng tôi kiến nghị như sau:
 Cần quy định rõ trong Luật hôn nhân và gia đình hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn rõ các trường hợp cha, mẹ không còn đủ điều kiện chăm sóc con và cần thay đổi người trực tiếp nuôi con là những trường hợp cụ thể nào để đảm bảo cuộc sống tốt nhất cho trẻ em. Từ thực tiễn giải quyết các vụ án thay đổi người trực tiếp nuôi con, chúng tôi đề xuất các trường hợp cha mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con là các trường hợp:
- Cha mẹ đang trực tiếp nuôi con gặp khó khăn về kinh tế như thất nghiệp, phá sản hoặc mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không đủ khả năng nuôi dưỡng con cái, trong khi cha, mẹ còn lại có điều kiện về kinh tế để nuôi dưỡng, chăm sóc con.
- Có căn cứ xác định con bị cha, mẹ, cha mẹ kế ngược đãi, bạo hành về thể chất và tinh thần.
- Cha mẹ phạm tội bị Tòa án kết tội và phải đi chấp hành án phạt tù; cha mẹ là người nghiện ma túy.
- Cha mẹ đã kết hôn với người khác mà không trực tiếp nuôi con, trong trường hợp này rõ ràng người nuôi con đã không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con sau ly hôn nên cần giao con cho người còn lại chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục.
 - Cha, mẹ đang trực tiếp nuôi con cố tình cản trở người còn lại thực hiện quyền thăm nom con chung. Sau khi ly hôn, vì sự hận thù hoặc mâu thuẫn giữa hai vợ chồng nên có sự ngăn cản người còn lại thăm nom con như ngăn cản không cho gặp, che dấu thông tin, thay đổi nơi cư trú.
  Việc hoàn thiện, quy định cụ thể các căn cứ nêu trên để tạo hành lang pháp lý thống nhất cho cha, mẹ thực hiện quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con chung sau khi ly hôn, bảo vệ quyền lợi hợp pháp quyền lợi của trẻ em cũng như sự thống nhất trong hoạt động áp dụng pháp luật của Toà án nhân dân các cấp.
                                                                                    Ths. Nguyễn Thị Việt Hà & 
Ths. Nguyễn Quang Hưng
                                                                                                                              VKSND huyện Thanh Hà
 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây