Hoạt động xét hỏi của Kiểm sát viên tại phiên tòa

Chủ nhật - 27/05/2018 21:13

Điều 307 BLTTHS và Điều 24 quy chế thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 505 ngày 18/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao (quy chế 505), việc xét hỏi tại phiên tòa do Chủ tọa phiên tòa điều hành, theo nguyên tắc xét hỏi từng người, chủ tọa phiên tòa hỏi trước sau đó quyết định để Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện việc hỏi. Việc ai hỏi trước, ai hỏi sau là do chủ tọa phiên tòa quyết định cho hợp lý, phù hợp với từng vụ án và diễn biến cụ thể tại các phiên tòa xét xử.

Về nguyên tắc tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải việc xét hỏi. Khi được chủ tọa đồng ý, Kiểm sát viên hoàn toàn có quyền hỏi ai trước, ai sau theo chủ ý của mình mà không phụ thuộc vào ý chí của chủ tọa phiên toà;

Kiểm sát viên phải hỏi về toàn bộ vụ án (trừ nội dung Hội đồng xét xử, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự  đã hỏi rõ và không mâu thuẫn với bản cáo trạng), bảo đảm tất cả chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án phải được kiểm tra công khai tại phiên toà, không bỏ sót chứng cứ, tài liệu, đồ vật nào, trên cơ sở đó để luận tội, đề nghị về tội danh, hình phạt, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; mức bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp …

Tùy từng đối tượng và thái độ của người được hỏi là bị cáo, bị hại, người làm chứng mà có cách xét hỏi cho phù hợp.

Xét hỏi đối với bị cáo Nếu bị cáo im lặng không khai báo, Kiểm sát viên phải giải thích, động viên để bị cáo thật thà khai báo, hoặc nhắc lại những lời khai của bị cáo khác, của người làm chứng, người chứng kiến tại phiên toà để bị cáo trả lời. Kiểm sát viên không được dùng ngôn từ  hoặc có thái độ buộc bị cáo phải khai báo.

Trường hợp bị cáo không khai báo tại phiên toà và để bảo đảm việc điều tra công khai tại phiên toà, thì Kiểm sát viên  căn cứ khoản 2 Điều 308 BLTTHS để công bố lời khai của họ tại giai đoạn điều tra, truy tố. Chỉ được công bố những lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố khi thuộc một trong các trường hợp:  Lời khai của bị cáo tại phiên tòa mâu thuẫn với lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố;  Bị cáo không khai tại phiên tòa hoặc không nhớ những lời khai của mình trong giai đoạn điều tra, truy tố;  Bị cáo đề nghị công bố lời khai của mình trong giai đoạn điều tra, truy tố;

Nếu lời khai của bị cáo tại phiên toà mâu thuẫn với lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố, thì Kiểm sát viên nhắc lại những lời khai có mâu thuẫn tại phiên toà (không cần nhắc lại toàn bộ các lời khai của bị cáo trong giai đoạn điều tra, truy tố) hoặc công bố lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố để bị cáo tự khẳng định lời khai. Tại sao bị cáo lại có sự khác nhau về nội dung khai báo,  đánh giá tính khách quan;

Trường hợp vụ án có đồng phạm hoặc có nhiều bị cáo, nếu thấy lời khai của bị cáo này có thể ảnh hưởng đến lời khai của bị cáo khác thì Kiểm sát viên phải căn cứ Điều 309 BLTTHS, để đề nghị chủ tọa phiên tòa thực hiện cách ly các bị cáo. Bị cáo bị cách ly được thông báo lại nội dung lời khai của bị cáo trước đó và Hội đồng xét xử không cần thiết phải đọc lại nguyên văn lời khai của bị cáo trước đó tại phiên toà và cho phép bị cáo bị cách ly có quyền đặt câu hỏi đối với bị cáo khác;

 Đối với bị cáo là người dưới 18 tuổi thì cần làm sáng tỏ; tuổi, mức độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người dưới 18 tuổi; điều kiện sinh sống và giáo dục; có hay không có người đủ 18 tuổi trở lên xúi giục; nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội và tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án (Điều 417 BLTTHS);

Xét hỏi bị hại, đương sự Điều 310 BLTTHS quy định: Khi được chủ tọa phiên tòa đồng ý, bị cáo có thể hỏi bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ về các vấn đề có liên quan đến bị cáo; do vậy khi họ trình bày, Kiểm sát viên phải ghi chép nội dung, để hỏi những nội dung, những tình tiết liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ như yêu cầu về bồi thường thiệt hại, đề nghị của họ đối với việc xử lý bị cáo và các vấn đề khác có liên quan mà chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn; Câu hỏi phải liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ;

Xét hỏi người làm chứng, người chứng kiến Kiểm sát viên hỏi người làm chứng, người chứng kiến nội dung họ nghe thấy, nhìn thấy, biết mà họ chưa khai hoặc khai chưa đầy đủ tại phiên tòa;

Trong trường hợp không thể lấy lời khai người làm chứng tại phiên tòa,mà lời khai này có tính chất quan trọng giải quyết vụ án, thì Kiểm sát viên căn cứ Điều 311 khoản 5 BLTTHS, đề nghị Hội đồng xét xử quyết định hỏi người làm chứng qua mạng máy tính, mạng viễn thông;

Đối với người làm chứng là người dưới 18 tuổi, Kiểm sát viên phải đặt câu hỏi mang tính giảm áp lực, yêu cầu cha, mẹ hoặc người đại diện của họ giúp đỡ để bảo đảm việc trình bày, khai báo tại phiên tòa khách quan, chính xác.

Xét hỏi người giám định, người định giá tài sản Kiểm sát viên căn cứ Điều 316 BLTTHS đề nghị Hội đồng xét xử yêu cầu người giám định, người định giá tài sản trình bày kết luận của mình về vấn đề được giám định, định giá tài sản. Kiểm sát viên phải nhận xét về kết luận giám định, định giá tài sản, được hỏi những vấn đề còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn trong kết luận giám định, định giá tài sản hoặc có mâu thuẫn với những tình tiết khác của vụ án. Để sử dụng kết luận làm chứng cứ, hoặc đề nghị Hội đồng xét xử quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại, định giá lại tài sản, nếu phát hiện vấn đề mới cần phải giám định liên quan đến vụ án hoặc có nghi ngờ kết luận giám định, định giá tài sản, có thể ảnh hưởng đến việc xác định, đến việc giải quyết đúng đắn vụ án;

Nhìn chung định giá, kết luận giám định là hoạt động của những người có chuyên môn, trình độ trong lĩnh vực mà họ am hiểu thực hiện, do vậy Kiểm sát viên nên hỏi thẳng, yêu cầu họ trình bày phương pháp, cách làm, căn cứ pháp luật mà họ áp dụng để đưa ra kết quả; không nên hỏi chung chung, hỏi để họ hỏi lại, vừa không có khả năng trả lời, vừa gây mất thời gian, ảnh hưởng đến hình ảnh của Kiểm sát viên;

Khi Hội đồng xét xử dừng phiên tòa, xem xét tại chỗ vật chứng không thể đưa đến phiên tòa được, Kiểm sát viên phải kiểm sát việc lập biên bản về việc xem xét tại chỗ vật chứng, quy định tại Điều 312 BLTTHS, Kiểm sát viên phải có nhận xét lập luận, phân tích, đánh giá chứng cứ trong phần luận tội và tranh tụng;

Kết thúc việc xét hỏi Kiểm sát viên phải quyết định Luận tội hay rút quyết địnhh truy tố.

                                                                                          Nguyễn Quang Trung   
P7- VKSND tỉnh Hải Dương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây