Khái niệm mới về “Hợp đồng” theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015
Thứ ba - 12/07/2016 05:19
Bộ luật dân sự 2015 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2015, chính thức có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2017 đã sửa đổi, bổ sung và quy định mới về khái niệm hợp đồng. Theo đó, tại Điều 385 Bộ luật dân sự năm 2015 đã đưa ra khái niệm “Hợp đồng” như sau: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chất dứt quyền và nghĩa vụ dân sự”. Như vậy, so với pháp luật hiện hành thì Bộ luật dân sự năm 2015 đã bỏ cụm từ “dân sự” sau hai từ “Hợp đồng”.
Điều 388 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định khái niệm hợp đồng như sau: “Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Trong khái niệm này thể hiện ở chính hai từ “DÂN SỰ” được đặt đằng sau hai từ “hợp đồng” và sau hai từ nghĩa vụ. Điều này vô hình chung dẫn đến thực tiễn thi hành pháp luật có nhiều cách hiểu khác nhau, trong đó có cách hiểu cho rằng những quy định của Bộ luật dân sự 2005 chỉ liên quan đến hợp đồng dân sự và do đó toàn bộ những quy định tại Mục 7 chương XVII của Bộ luật dân sự năm 2005 cũng như những quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng ở Mục này chỉ áp dụng đối với hợp đồng dân sự, còn việc giao kết và thực hiện các loại hợp đồng khác như hợp đồng thương mại, hợp đồng đầu tư, hợp đồng kinh doanh bảo hiểm... không phải là hợp đồng dân sự nên chúng sẽ không chịu sự điều chỉnh của Bộ luật dân sự năm 2005. Vì vậy, nhiều trường hợp doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức không lưu tâm, nghiên cứu chế định về hợp đồng dân sự trong Bộ luật dân sự năm 2005 khi giao kết và thực hiện hợp đồng thương mại và thường chỉ chú ý tìm hiểu về các quy định liên quan đến những hợp đồng mà doanh nghiệp mình sắp ký trong các luật chuyên ngành. Và thực tế mà họ phải đối mặt là trong các văn bản pháp luật chuyên ngành hầu như không đưa ra những hướng dẫn về giao kết và thực hiện hợp đồng. Trong khi đó, như Điều 1 của Bộ luật dân sự năm 2005 đã khẳng định: phạm vi điều chỉnh của Bộ luật dân sự năm 2005 bao gồm các quan hệ dân sự, lao động, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại.
Từ thực tiễn áp dụng pháp luật và những bất cập như đã nêu ở trên, thấy rằng, không cần thiết phải để hai từ “dân sự” trong định nghĩa về hợp đồng nêu tại Điều 388 Bộ luật dân sự năm 2005, bởi như vậy tự nó làm hạn chế phạm vi điều chỉnh của Bộ luật dân sự đối với tất cả các loại hợp đồng, bao gồm cả hợp đồng dân sự, hợp đồng lao động, hợp đồng kinh doanh hay hợp đồng thương mại. Do vậy, quy định mới về khái niệm hợp đồng dân sự tại Điều 385 của Bộ luật dân sự năm 2015 là điểm mới quan trọng, đáng chú ý không những về mặt kỹ thuật lập pháp mà còn làm tăng tính khả thi, minh bạch trong thực tiễn áp dụng.