Khó khăn, vướng mắc trong xử lý tội phạm công nghệ cao

Thứ ba - 28/06/2022 03:29
Trong thời gian gần đây các đối tượng phạm tội lợi dụng vào sự phát triển của khoa học công nghệ và sự thiếu đồng bộ, xử lý chưa nghiêm khắc của các văn bản pháp luật trong việc quản lý sử dụng khoa học công nghệ của Nhà nước để thực hiện việc phạm tội.

Qua thực tế kiểm sát điều tra các tội phạm liên quan đến công nghệ cao về trật tự xã hội tôi xin nêu ra một số khó khăn vướng mắc và đề xuất kiến nghị như sau:  

1. Một số vụ án cụ thể:

- Vào khoảng tháng 11 và tháng 12/2017 Nguyễn Văn Tâm đã sử dụng chứng minh nhân dân giả mang tên Vũ Văn An và Đặng Văn Hải đến các ngân hàng BIDV chi nhánh Hải Dương; MBbank chi nhánh Hải Dương; Lienvietpostbank chi nhánh Hải Dương; HDbank chi nhánh Hải Dương; Sacombank chi nhánh Hải Dương; Phòng giao dịch Thống Nhất của Sacombank chi nhánh Hải Dương; Techcombank chi nhánh Hải Dương; Vietcombank chi nhánh Hải Dương; Viettinbank chi nhánh Hải Dương; Maritimebank chi nhánh Hải Dương; phòng giao dịch Nguyễn Lương Bằng và phòng giao dịch Thành Đông của Seabank chi nhánh Hải Dương; Ngân hàng SCB chi nhánh Hải Dương; Các ngân hàng Maritimebank, Sacombank, Viettinbank, Techcombank, Eximbank, Vietcombank, BIDV chi nhánh Móng Cái, Quảng Ninh, Phòng giao dịch Trần Phú thuộc ngân hàng Viettinbank chi nhánh Móng Cái, Phòng giao dịch Kalong thuộc ngân hàng BIDV chi nhánh Móng Cái; Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (Abbank) chi nhánh quận Hà Đông, Hà Nội để mở tổng cộng 24 tài khoản tài khoản ATM. Sau khi mở được các tài khoản ngân hàng, Nguyễn Văn Tâm đã bán thông tin tài khoản, thẻ ATM cho người khác được số tiền 20.000.000đồng (hai mươi triệu đồng).

- Trong khoảng thời gian từ tháng 7/2018 đến ngày 10/5/2019 Phạm Tuấn Long cùng đồng bọn mua tên miền quốc tế, sử dụng trang website:manvip.club trên mạng goole, hệ thống máy tính kết nối mạng Internet và các địa điểm tại số 59 ngõ 15, đường Hồng Hà, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội; số 41A đường số 9, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội; Phòng 1611, tòa nhà T4, khu đô thị Times City, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; Thôn Đông Phan, xã Tân An, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương; Phòng P605, chung cư Season Avenue, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội; nhà số 63, phố Gò Sỏi, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, Tp.Hà Nội; căn hộ 1502, Tòa G, khu chung cư The Spark, phường Dương Nội, quận Hà Đông, Tp.Hà Nội; căn hộ 12A12 Tòa 18T1ĐN2, chung cư The Golden, khu đô thị Nam An Khánh, huyện Hoài Đức, Tp.Hà Nội tổ chức cho nhiều người khác nhau, sử dụng 27.334 tài khoản tên nhân vật dùng tiền, thẻ điện thoại để mua điểm Man trong Manvip.club, sau đó sử dụng điểm này để chơi 28 trò chơi có trong manvip.club thắng thua tính điểm, sau khi chơi có thể đổi từ điểm Man trong game thành tiền, với tổng số tiền là 2.327.562.358.823VNĐ.

- Từ tháng 5/2020 đến ngày 21/01/2021, Nguyễn Văn Trung có hành vi mở tài khoản, tổ chức mua và bán điểm trong game W88, G88, W365, G365 cho nhiều người chơi game online trên mạng Internet, cá cược thắng, thua được quy đổi thành tiền, tổng số tiền sử dụng để đánh bạc là: 2.558.877.521VNĐ. 

2. Những khó khăn, vướng mắc trong xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao:

- Tội phạm công nghệ cao thường thực hiện từ xa thông qua điện thoại di động hoặc dịch vụ Internet để liên lạc đe dọa, dụ dỗ hoặc thực hiện các thủ đoạn khác nhằm vào tâm lý của người Việt Nam trong việc nhận các bưu phẩm bưu kiện để chiếm đoạt tài sản. Mặc dù theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 49/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ yêu cầu các cá nhân (xuất trình: bản chính hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân còn thời hạn sử dụng đối với người có quốc tịch Việt Nam hoặc hộ chiếu còn thời hạn lưu hành tại Việt Nam đối với người có quốc tịch nước ngoài), tổ chức (xuất trình: bản chính hay bản sao được chứng thực từ bản chính quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế hoặc giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp), nhưng thực tế một số đối tượng vẫn lấy lý do quên CMND/CCCD và các cửa hàng kinh doanh điện thoại di động vẫn cho nhân viên sử dụng CMND của mình đăng ký hộ các số điện thoại di động dẫn đến không tìm được người sử dụng số điện thoại để phạm tội. Mức xử phạt từ 200.000đ đến 500.000đ theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 49/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ đối với cá nhân không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng sử dụng số điện thoại di động là quá nhẹ không tương xứng với hành vi của họ khi cho người khác sử dụng số điện thoại đăng ký thông tin của mình, đặc biệt là sử dụng vào việc thực hiện hành vi phạm tội.

- Tội phạm công nghệ cao sử dụng các tài khoản ngân hàng để thực hiện tội phạm nhưng theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 117/2018/NĐ-CP ngày 11/9/2018 của Chính phủ quy định về giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của Tổ chức tín dụng, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì tối đa không quá: 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng theo quy định tại Nghị định này đối với trường hợp thông tin khách hàng đơn giản, có sẵn; 25 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng theo quy định tại Nghị định này đối với trường hợp thông tin khách hàng phức tạp, không có sẵn. Nhưng thực tế các Ngân hàng thường không cung cấp đúng thời hạn nêu trên do phải làm văn bản báo cáo Hội sở sau đó khi Hội sở đồng ý thì mới cung cấp dẫn đến kéo dài ảnh hưởng đến thời hạn điều tra vụ án.

- Tội phạm công nghệ cao sử dụng các tài khoản ngân hàng có kèm dịch vụ Internetbanking nhưng lại nhờ người khác đăng ký tài khoản ngân hàng hoặc thuê tài khoản ngân hàng có kèm dịch vụ Internetbanking dẫn đến không tìm được người sử dụng tài khoản ngân hàng và sử dụng số điện thoại có đăng ký  Internetbanking để phạm tội.

- Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể của liên ngành cấp Trung ương về cách xác định số tiền sử dụng vào việc đánh bạc thông qua các trò chơi trên mạng Internet.

3. Một số kiến nghị:

- Đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 49/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ theo hướng nghiêm cấm các cá nhân sử dụng hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân còn thời hạn sử dụng đối với người có quốc tịch Việt Nam hoặc hộ chiếu còn thời hạn lưu hành tại Việt Nam đối với người có quốc tịch nước ngoài để đăng ký số điện thoại cho người khác sử dụng.

- Đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ và Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 theo hướng nghiêm cấm các cá nhân sử dụng tài khoản ngân hàng được đăng ký mang tên của mình cho người khác thuê hoặc mượn để sử dụng.

- Đề nghị Ngân hàng nhà nước có văn bản chỉ đạo các Ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 117/2018/NĐ-CP ngày 11/9/2018 của Chính phủ quy định về giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của Tổ chức tín dụng, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

- Đề nghị TAND tối cao ra Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn đối với các cá nhân sử dụng hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân còn thời hạn sử dụng đối với người có quốc tịch Việt Nam hoặc hộ chiếu còn thời hạn lưu hành tại Việt Nam đối với người có quốc tịch nước ngoài để đăng ký số điện thoại cho người khác thuê hoặc sử dụng; sử dụng tài khoản ngân hàng được đăng ký mang tên của mình cho người khác thuê hoặc mượn để sử dụng thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với vai trò đồng phạm với tội danh tương ứng của người sử dụng số điện thoại hoặc tài khoản ngân hàng đó thực hiện hành vi cấu thành tội phạm.

- Đề nghị TAND tối cao ra Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn về cách xác định số tiền sử dụng vào việc đánh bạc thông qua các trò chơi trên mạng Internet để áp dụng thống nhất.

                                                       Phạm Xuân Thắng
Phòng 2 VKSND tỉnh Hải Dương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây