Kỹ năng cần chú ý khi trực tiếp kiểm sát nhà tạm giữ

Thứ tư - 03/08/2022 00:14
Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam nhằm bảo đảm chế độ tạm giữ, tạm giam được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Quyền con người và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của người bị tạm giữ, người bị tạm giam không bị luật hạn chế phải được tôn trọng và bảo vệ.

Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kiểm sát tạm giữ, tạm giam là một trong các hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân để nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam. Có thể nói, công tác tạm giữ, tạm giam là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động tư pháp, đảm bảo cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự được thực hiện theo trình tự thủ tục tố tụng hình sự. Trong đó, việc tạm giữ, tạm giam là các biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự, việc áp dụng các biện pháp đó mục đích để ngăn chặn khả năng gây khó khăn cho hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng từ phía bị can, bị cáo; ngăn chặn khả năng tiếp tục phạm tội của bị can, bị cáo.

Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam nhằm bảo đảm chế độ tạm giữ, tạm giam được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Quyền con người và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của người bị tạm giữ, người bị tạm giam không bị luật hạn chế phải được tôn trọng và bảo vệ. Việc kiểm sát được tiến hành hàng ngày tại nhà tạm giữ. Định kỳ trực tiếp kiểm sát tại nhà tạm giữ theo từng nội dung hoặc kiểm sát toàn diện về việc tạm giữ, tạm giam vào Quý I, và Quý III; kiểm sát toàn diện vào 06 tháng đầu năm và 06 tháng cuối năm.

Qua công tác kiểm sát tại Nhà tạm giữ nhận thấy để thực hiện yêu cầu của công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam theo đúng quy định của pháp luật, khi tiến hành công tác kiểm sát thường kỳ nhà tạm giữ cần chú ý thực hiện các kỹ năng sau:

Thứ nhất: kiểm sát đối tượng, thủ tục, thẩm quyền và thời hạn tạm giữ, tạm giam phải đảm bảo các yêu cầu:

- Khi tiếp nhận người bị tạm giữ, tạm giam vào nơi giam giữ hoặc ra khỏi nơi giam giữ phải kiểm tra các lệnh, quyết định; có biên bản giao nhận hồ sơ tài liệu, giao nhận người, xác nhận tình trạng sức khỏe của họ, biên bản phổ biến quyền và nghĩa vụ…

- Biên bản bắt tạm giữ phải ghi rõ lý do tạm giữ, thời hạn tạm giữ phải ghi rõ từ giờ…đến giờ, ngày…

- Các lệnh, quyết định của cơ quan và người có thẩm quyền phải ghi rõ: Cơ quan, họ tên, chức vụ, cấp bậc người ra lệnh; Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi đăng ký thường trú ngày bị bắt, tội danh, ngày bị tạm giữ, tạm giam. Các loại lệnh, quyết định, văn bản trong hồ sơ đều phải ghi rõ ngày, giờ, tháng năm ký tên và đóng dấu. Thời hạn tạm giữ, tạm giam phải căn cứ vào những quy định của pháp luật.

Thứ hai: Kiểm sát việc phân loại, quản lý người bị tạm giữ, tạm giam, công tác vũ trang bảo vệ nhà tạm giữ theo quy định của pháp luật.

- Khi tiến hành kiểm sát phải xem xét việc tuần tra canh gác 24/24 giờ nhà tạm giữ để giải quyết kịp thời các việc đột xuất có thể xảy ra.

- Buồng giữ phải có biển ghi buồng tạm giữ; Buồng tạm giam phải có biển ghi buồng tạm giam. Phải kiểm tra xem xét các buồng tạm giữ, buồng tạm giam.

Thứ ba: Kiểm sát việc thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam.

- Kiểm tra chế độ ăn uống, ở, sinh hoạt, quần áo, chăn màn theo quy định của pháp luật về tạm giữ, tạm giam. Người bị tạm giữ, tạm giam được nhận quà tiếp tế của gia đình theo quy định của pháp luật, được khám chữa bệnh khi đau ốm.

- Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người bị tạm giữ, tạm giam về việc tạm giữ, tạm giam trái pháp luật hoặc các hành vi trái quy chế tạm giữ, tạm giam

Thứ tư: Kiểm sát việc đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản, nhân phẩm, danh dự của người bị tạm giữ, tạm giam và các quyền khác của họ không bị pháp luật tước bỏ được tôn trọng.

Hoạt động kiểm sát tạm giữ, tạm giam là một quyền năng pháp lý quan trọng mà Đảng và Nhà nước ta đã trao cho ngành Kiểm sát đòi hỏi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên làm công tác này phải hết sức cầu thị, không ngừng học hỏi, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, kĩ năng kiểm sát, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, đảm bảo cho những người bị tạm giữ, tạm giam, không bị oan sai; các chế độ, quyền lợi được thực hiện đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật./.

                                                      Quách Thị Nên
VKSND thị xã Kinh Môn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây