Vừa qua Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương đã thụ lý và xét xử vụ án "Tranh chấp về Bảo hiểm xã hội và hủy các Quyết định cá biệt " giữa nguyên đơn là Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Hải Dương; bị đơn là ông Nguyễn Công T, trú quán Nam Sách- Hải Dương.
Nội dung vụ án như sau:
BHXH tỉnh Hải Dương yêu cầu ông T phải hoàn trả số tiền hưởng lương hưu không đúng quy định là 260.773.761 đồng. Căn cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của BHXH tỉnh Hải Dương như sau: ông T hưởng mất sức lao động từ tháng 5/1985 theo quyết định số 06/QĐ ngày 20/4/1985 của xí nghiệp đất và phụ gia xi măng Hải Phòng sau đó được Sở TBXH TP Hải Phòng giới thiệu về Sở TBXH Hải Hưng tiếp tục chi trả chế độ hưu công nhân viên từ quý 3/1985 theo giấy giới thiệu trả nợ cấp ngày 29/5/1985 và giấy giới thiệu di chuyển số 939/GT của Sở TBXH Hải Phòng. Căn cứ hồ sơ chi trả từ Sở TBXH bàn giao, BHXH tỉnh Hải Dương thực hiện chi trả chế độ BHXH cho ông T chế độ lương hưu hàng tháng từ quý 3/1985.
Đến năm 2014, có đơn tố cáo ông T hưởng chế độ hưu trí không đúng quy định. Căn cứ nội dung đơn, BHXH tỉnh Hải Dương đã rà soát và đối chiếu hồ sơ hưởng chế độ hưu trí của ông T với tiết 5 của Điều lệ tạm thời về các chế độ BHXH đối với công nhân viên chức nhà nước được Hội đồng Chính phủ ban hành kèm theo nghị định 218/CP ngày 27/12/1961. Theo hồ sơ ông T không đủ điều kiện về tuổi đời và số năm công tác để được hưởng chế độ hưu trí theo quy định tại thời điểm nghỉ hưởng chế độ ông T mới có 42 năm 03 tháng tuổi đời và 21 năm 01 đóng BHXH, không đủ điều kiện 60 tuổi và 30 năm công tác theo nghị định 28/CP. Ông T chỉ đủ điều kiện hưởng chế độ Mất sức lao động.
Ngày 04/7/2017, BHXH tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định số 01/QĐ-BHXH về việc chấm dứt hưởng chế độ Hưu trí đối với ông T, kể từ 01/06/2017, mức lương hưu hàng tháng đã hưởng 2.920.700đ, lý do chấm dứt: do khai sai thời gian công tác tháng 4/1964 đến tháng 2/1967.
Ngày 05/7/2017, BHXH tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định số 07/QĐ-BHXH về việc hưởng trợ cấp hang tháng theo Quyết định 613/QĐ-TTg; theo đó ông T được hưởng trợ cấp hàng tháng kể từ ngày 01/6/2017, mức trợ cấp 790.412đ.
Do Quyết định số 07/QĐ-BHXH ban hành không đúng thể thức quy định nên ngày 10/7/2017, BHXH tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định số 09/QĐ-BHXH về việc thay thế Quyết định số 07/QĐ-BHXH.
Ngày 28/6/2017, BHXH tỉnh Hải Dương có nhận được đơn đề nghị của ông T về việc gia đình khó khăn không có khả năng hoàn trả được số tiền đã hưởng sai theo kết luận số 752/KL-BHXH ngày 23/6/2017 nên đề nghị Cơ quan BHXH không thực hiện thu hồi số tiền đã hưởng sai. Do vậy Cơ quan BHXH chưa ban hành quyết định thu hồi số tiền đã hưởng sai của ông T.
Ngày 24/3/2022, BHXH tinh Hải Dương ban hành các quyết định: Quyết định số 312/QĐ-BHXH về việc thu hồi tiền lương hưu đã hưởng không đúng quy định của ông T, số tiền thu hồi là 317.516.100 đồng và Quyết định số 315/QĐ-BHXH về việc điều chỉnh lại thời gian hưởng trợ cấp theo Quyết định số 613/QĐ-TTg, xác định mức trợ cấp hang tháng là 446.267 đồng, ông T được truy lĩnh tiền từ tháng 5/2010 đến 3/2022 là 143 tháng, tổng số tiền 56.742.339 đồng, quyết định này thay thế cho Quyết định số 09/QĐ-BHXH ngày 10/7/2017.
Đến ngày 15/4/2022, BHXH tỉnh Hải Dương nhận được đơn xin phục hồi chế độ hưu trí của ông T, căn cứ nội dung đơn và hồ sơ gửi kèm,BHXH tỉnh Hải Dương đã tiến hành làm việc với ông T, người đại diện theo ủy quyền của ông T, xác minh tài liệu do ông T cung cấp nhưng không có căn cứ chấp nhận yêu cầu của ông T, do đó ngày 06/5/2022 BHXH tỉnh Hải Dương đã ban hành Thông báo số 718/BHXH-TTKT thông báo về việc giải quyết đơn của ông T, theo đó không chấp nhận đơn của ông T về việc xin phục hồi chế độ hưu trí.
Sau khi ban hành các Quyết định cũng như Thông báo, BHXH tỉnh Hải Dương không nhận được bất kỳ khiếu nại nào của ông T. Ngày 02/6/2022, BHXH tỉnh Hải Dương tiếp tục mời ông T lên làm việc để giải thích cho ông T về không có cơ sở phục hồi chế độ hưu trí cho ông T và đề nghị ông T nộp lại số tiền đã hưởng không đúng quy định. Tuy nhiên ông T không chấp hành. Do đó BHXH tỉnh Hải Dương đề nghị Toà án buộc ông T phải hoàn trả số tiền hưởng lương hưu không đúng quy định là 260.773.761 đồng. Cụ thể: BHXH tỉnh đã chi trả tiền lương hưu cho ông T từ tháng 5/1985 đến 5/2017 là 317.516.100 đồng. Tuy nhiên ông T chỉ được chi trả theo chế độ mất sức lao động là 56.742.339 đồng. Do vậy đối trừ ông T phải hoàn trả số tiền chênh lệch đã hưởng là 260.773.761 đồng.
Bị đơn là ông T không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của BHXH tỉnh Hải Dương vì ông được Nhà nước cho hưởng chế độ hưu trí và chính Cơ quan bảo hiểm là đơn vị chi trả cho ông chứ ông không tự làm ra các quyết định đó để hưởng. Ông không khai man thời gian công tác để được hưởng chế độ bảo hiểm mà do người viết vào quyết định ghi nhầm. Quá trình công tác của bị đơn như sau: Từ tháng 4/1964-2/1967 làm việc tại Xí nghiệp công nông huyện Nam Sách. Trong thời gian ông công tác tại đó khoảng tháng 5/1966 thì Xí nghiệp cử ông đi học nghề thợ hàn tại Nhà máy cơ khí tỉnh Hải Dương. Học xong, ông lại về công tác tại Xí nghiệp công nông huyện Nam Sách.Đến tháng 3/1967 ông đi bộ đội.Năm 1976 ông chuyển ngành về Sở xây dựng TP Hải Phòng và được điều về Xí nghiệp khai thác vận chuyển làm thợ máy. Đến năm 1980 ông được điều về công tác tại Xí nghiệp đất phụ gia xi măng và công tác tại đó đến năm 1985 thì được nghỉ hưu do sức khoẻ yếu, mất khả năng lao động.
Đối với Quyết định nghỉ hưu ông được nhận 5-6 bản gốc do Xí nghiệp đất phụ gia xi măng Hải Phòng giao để khi về quê nộp cho các Cơ quan Nhà nước làm chế độ. Hiện ông còn giữ được bản gốc là Quyết định số 07 ngày 20/4/1985, nội dung của quyết định ghi rõ ông được nghỉ hưởng trợ cấp hưu trí từ ngày 01/5/1985.
Ông được nghỉ chế độ là do không còn khả năng lao động, bị viêm tuyến mang tai và đã có kết luận của Hội đồng giám định y khoa TP Hải Phòng xác định là ông không đủ khả năng lao động nữa nên Xí nghiệp mới cho nghỉ việc và hưởng chế độ trợ cấp hưu trí, mức hưởng là 73% chứ không phải thuộc trường hợp hết tuổi lao động được nghỉ hưu như Bảo hiểm trình bày.
Ông không đồng ý với Quyết định của BHXH tỉnh Hải Dương về việc chấm dứt hưởng chế độ lương hưu của ông và chuyển sang hưởng chế độ mất sức; không đồng ý việc Bảo hiểm đòi lại ông số tiền 260.773.761 đồng.
Ông có yêu cầu đề nghị huỷ các Quyết định số 01/QĐ-BHXH ngày 04/7/2017 về việc chấm dứt hưởng chế độ bảo hiểm; Quyết định số 07/QĐ-BHXH ngày 05/7/2017 về việc hưởng trợ cấp hang tháng theo Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 06/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 09/QĐ-BHXH ngày 10/7/2017 về việc thay thế Quyết định số 07/QĐ-BHXH ngày 05/7/2017 của BHXH tỉnh Hải Dương; Quyết định số 312/QĐ-BHXH ngày 24/3/2022 về việc thu hồi tiền lương hưu đã hưởng không đúng quy định; Quyết định số 315/QĐ-BHXH ngày 24/3/2022 về việc điều chỉnh lại thời gian hưởng trợ cấp theo Quyết định số 613/QĐ-TTg. Thông báo số 718/BHXH-TTKT ngày 06/5/2022 về việc không chấp nhận đơn của ông T về việc xin phục hồi chế độ Hưu trí.
Ông đề nghị BHXH tỉnh Hải Dương phục hồi chế độ hưu trí cho ông.
Vụ án trên được Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương thụ lý số 01-LĐST ngày 19/10/2023. Vì thụ lý là án lao động nên việc giải quyết cũng áp dụng các quy định tố tụng đối với án lao động để giải quyết như về điều luật áp dụng, về thời hạn giải quyết vụ án. Đây là vụ án phức tạp, phải xác minh làm rõ nhiều nội dung theo lời khai của bị đơn, nếu áp dụng thời hạn chuẩn bị xét xử là 2 tháng như đối với án lao động sẽ rất khó khăn để hoàn thiện các nội dung cần làm rõ.
Theo quan điểm của tôi, cần xác định đây là vụ án về tranh chấp dân sự, không phải tranh chấp lao động dựa vào căn cứ sau:
- Theo Bộ luật lao động, tranh chấp lao động là những tranh chấp về quyền và lợi ích phát sinh trong quan hệ lao động giữa người lao động, tập thể lao động với người sử dụng lao động. Tranh chấp có thể phát sinh trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, thỏa ước lao động hoặc nội quy nội bộ của doanh nghiệp.
Theo Khoản 1, Điều 79, Bộ luật Lao động 2019, tranh chấp lao động được phân loại thành tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể.
1) Tranh chấp lao động cá nhân: là tranh chấp phát sinh giữa một người lao động hoặc một nhóm người lao động với người sử dụng lao động về quyền và lợi ích phát sinh từ quan hệ lao động giữa họ.
2) Tranh chấp lao động tập thể: là tranh chấp phát sinh giữa một hoặc nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau về quyền và lợi ích phát sinh từ quan hệ lao động hoặc quan hệ của các tổ chức đại diện người lao động.
Tranh chấp lao động có thể xảy ra giữa các nhóm sau:
- Giữa lao động với người sử dụng lao động.
- Giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài.
- Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
Theo K1 Điều 32 BLTTDS, tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động và người sử dụng lao động về Bảo hiểm xã hội.
Đối chiếu với các quy định trên, tôi thấy tranh chấp trong vụ án này là tranh chấp giữa BHXH và người lao động, không liên quan đến lao động nên vụ án sẽ thuộc "các tranh chấp khác về dân sự" theo K14 Điều 26 BLTTDS. Trên đây là quan điểm của cá nhân tôi về xác định quan hệ tranh chấp trong vụ án cụ thể. Rất mong các bạn đọc cùng nghiên cứu và đưa ra ý kiến trao đổi để làm sáng tỏ quan điểm nhận thức quy định pháp luật.
|
Nguyễn Thị Hồng Hạnh
VKSND tỉnh Hải Dương |