Một số điểm bất cập trọng những quy định mới của Bộ luật hình sự năm 2015

Thứ ba - 28/06/2016 21:29
Bộ luật hình sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016. Bộ luật đã cơ bản thể chế hóa được những quan điểm, chủ trương đổi mới của Đảng về xây dựng, hoàn thiện pháp luật hình sự, cải cách tư pháp và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013. Bộ luật hình sự năm 2015 được đánh giá cao với rất nhiều điểm mới tiến bộ, song không thể tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng vào thực tiễn, cần có sự sửa chữa, khắc phục và hướng dẫn cụ thể. Bài viết đề cập đến một số điểm bất cập trong những quy định mới của Bộ luật hình sự năm 2015 như sau:
Thứ nhất, mặc dù BLHS 2015 đã khắc phục hạn chế của bộ luật hình sự hiện hành theo hướng bỏ cơ bản các thuật ngữ mang tính định tính, đa nghĩa và phải có văn bản hướng dẫn mới có thể áp dụng thống nhất trong thực tế như các thuật ngữ: “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “tài sản có giá trị lớn”, “tài sản có giá trị rất lớn”, “tài sản có giá trị đặc biệt lớn”, “thu lợi bất chính lớn”,...Tuy nhiên, BLHS 2015 lại có những quy định mới mang tính định tính, đa nghĩa như: Quy định tình tiết “gây ảnh hướng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” đối với các tội phạm xâm phạm sở hữu (điểm g khoản 1 điều 168, điểm i khoản 2 điều 169, điểm đ khoản 2 điều 170, điểm h khoản 2 điều 171,..), đối với các tội phạm về chức vụ (điểm d khoản 3 điều 355) và một số tội phạm khác. Vậy phải hiểu như thế nào là “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” và xác định mức độ ra sao? Nếu không có quy định hướng dẫn cụ thể sẽ dẫn đến nhận thức sai lệch, tùy nghi, dễ gây oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Cũng trong chương các tội phạm xâm phạm sở hữu có quy định tài sản bị chiếm đoạt “là kỷ vật, di vật đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với bị hại”. Căn cứ vào đâu để xác định “giá trị đặc biệt về mặt tinh thần”? Và nếu xác định được thì giá trị của tài sản được xác định như thế nào để bồi thường cho người bị hại? Quy định này mang tính trừu tượng, thực tế áp dụng sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Thứ hai, điều 190 (Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm) và điều 191 (Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm) quy định tình tiết về giá trị “hàng phạm pháp có giá trị từ...” là tình tiết định khung cơ bản hoặc định khung tăng nặng (điểm a, b khoản 1, điểm đ khoản 2, điểm a khoản 3 điều 190; điều 191). Tuy nhiên, hàng phạm pháp được hiểu là mặt hàng mà nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng thì căn cứ vào đâu để xác định giá trị của mặt hàng đó khi mà nó không được mua bán trên thị trường? Có thể xác định được số tiền thu lợi bất chính nhưng chưa có căn cứ hay bất kỳ hướng dẫn nào để định giá tài sản đối với hàng phạm pháp. Do đó, việc xác định giá trị của hàng phạm pháp cần được hướng dẫn cụ thể để vận dụng vào thực tế một cách chính xác.
Thứ ba, điều 61 BLHS 2015 (Không áp dụng thời hiệu thi hành bản án) quy định: “Không áp dụng thời hiệu thi hành bản án đối với các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này.”, nhưng khoản 1 điều 71 (Xóa án tích theo quyết định của Tòa án) lại quy định: “1. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án được áp dụng đối với người bị kết án về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.”. Quy định trên đã thể hiện sự mâu thuẫn giữa điều 61 và điều 71 BLHS 2015. “Hết thời hiệu thi hành bản án” theo quy định ở điều 71 cần được hiểu như thế nào khi điều 61 BLHS đã quy định không áp dụng thời hiệu thi hành bản án đối với các tội quy định tại chương XIII và chương XXVI của Bộ luật này? Không có thời hiệu thi hành bản án thì không thể xác định là hết thời hiệu, xác định như vậy sẽ vi phạm nghiêm trọng, mâu thuẫn với điều 61 BLHS. Phải chăng  cụm từ “hoặc hết thời hiệu thi hành bản án” là quy định thừa trong khoản 1 điều 71 BLHS 2015 cần được sửa đổi hoặc giải thích để có cách nhận thức chính xác, đúng đắn về điều luật?
Trên đây, bài viết đã đề cập đến một số điểm bất cập, hạn chế trong những quy định mới của Bộ luật hình sự năm 2015. Trong một xã hội với tình hình tội phạm diễn biến phức tạp và thay đổi liên tục, các loại tội phạm ngày càng tinh vi, nhiều chiêu trò thì việc củng cố hệ thống pháp luật để làm cho pháp luật trở thành công cụ sắc bén nhằm phòng ngừa, răn đe, trừng trị tội phạm là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, bộ luật nào cũng không thể tránh khỏi một vài điểm thiếu sót, hạn chế, đòi hỏi chúng ta phải luôn căn cứ vào thực tiễn áp dụng pháp luật để góp ý sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là pháp luật hình sự.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây