Một số vấn đề cần lưu ý khi Kiểm sát xác minh điều kiện thi hành án dân sự

Thứ ba - 15/10/2024 23:09
Kiểm sát xác minh điều kiện thi hành án dân sự là một trong những nhiệm vụ quan trọng của bộ phận Kiểm sát thi hành án dân sự Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, được quy định tại Điều 12 Luật thi hành án dân sự (Luật THADS) và Điều 10 Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Thông qua hoạt động kiểm sát xác minh điều kiện thi hành án để xác định chính xác các trường hợp có điều kiện hay không có điều kiện thi hành án, từ đó ban hành yêu cầu cưỡng chế thi hành án khi có điều kiện thi hành. Khi phát hiện Cơ quan thi hành án có vi phạm trong việc xác minh, phân loại việc có điều kiện hoặc không có điều kiện thi hành án, Viện kiểm sát thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị hoặc kháng nghị để yêu cầu khắc phục vi phạm, xác minh đầy đủ, toàn diện điều kiện thi hành án và phân loại có căn cứ việc thi hành án.
Kiểm sát cưỡng chế thi hành án dân sự (Ảnh nguồn Internet)
Thông qua thực tế hoạt động kiểm sát đã phát hiện một số dạng vi phạm thường gặp khi xác minh điều kiện thi hành án dân sự như sau:
1. Hết thời hạn tự nguyện nhưng Chấp hành viên không tiến hành xác minh:
Theo quy định của Luật THADS thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên phải tiến hành xác minh nhưng hết thời gian tự nguyện Chấp hành viên cũng không tổ chức tiến hành xác minh. Có nhiều trường hợp, đặc biệt là thi hành án chủ động, Chấp hành viên không thực hiện xác minh theo luật định mà thực hiện gửi Giấy triệu tập trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án, lưu giấy triệu tập trong hồ sơ và cho rằng đó cũng là hoạt động xác minh thi hành án, một thời gian dài sau mới thực hiện việc xác minh thi hành án. Việc gửi giấy triệu tập như vậy không phải là hoạt động xác minh thi hành án mà nó chỉ là bước chuẩn bị cho hoạt động xác minh thi hành án.
2. Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án nhưng không xác minh theo định kỳ:
Theo quy định trong trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 06 tháng một lần Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án; trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường hợp quá thời hạn nêu trên nhưng Chấp hành viên không tiến hành xác minh, thậm chí có trường hợp nhiều năm Chấp hành viên không tiến hành xác minh.
3. Không thông báo kết quả xác minh cho người được thi hành án:
Theo quy định sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan Thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh. Nhưng trên thực tế nhiều trường hợp cơ quan Thi hành án dân sự hai lần xác minh đều xác định người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án nhưng không thông báo cho người được thi hành án biết.
4. Biên bản xác minh ghi không đầy đủ:
Việc xác minh điều kiện thi hành án còn mang tính hình thức, nhiều biên bản xác minh chỉ ghi chung chung như: Người phải thi hành án không có thu nhập ổn định, không đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… dẫn đến nhiều trường hợp có điều kiện thi hành án nhưng cơ quan Thi hành án dân sự vẫn ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án.
Yêu cầu biên bản xác minh điều kiện thi hành án lần đầu với người phải thi hành án phải phản ánh đầy đủ thông tin về nhân thân, điều kiện tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án khác… của người phải thi hành án. Ngoài ra khi làm việc với người phải thi hành án, Chấp hành viên phải chú ý yêu cầu người phải thi hành án cung cấp rõ điều kiện thi hành án của bản thân, kê khai đầy đủ về tài sản, thông báo rõ cho họ nắm được trách nhiệm về việc cung cấp thông tin để ràng buộc trách nhiệm, tránh trường hợp xác minh sai, thiếu thông tin, bỏ sót tài sản đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thi hành án.
5. Không tiến xác minh khi có thông tin về thi hành án:
Khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành xác minh. Qua kiểm sát phát hiện nhiều việc thi hành án khi có thông tin về thi hành án Chấp hành viên không tiến hành xác minh.
6. Văn bản ủy quyền xác minh sơ sài:
Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung có quy định ủy quyền xác minh thi hành án, Cơ quan thi hành án có thể ủy quyền xác minh điều kiện thi hành án. Đây là quy định tạo điều kiện thuận lợi cho Chấp hành viên, Cơ quan thi hành án trong quá trình xác minh, đôn đốc thi hành án. Giảm thời gian, chi phí đi lại cho Chấp hành viên, người nhận ủy quyền xác minh có điều kiện thuận lợi hơn trong việc xác minh do mối quan hệ làm việc có sẵn. Tuy nhiên, nhiều việc Chấp hành viên ủy quyền cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, cư trú, làm việc hoặc có trụ sở để xác minh điều kiện thi hành án nhưng văn bản uỷ quyền sơ sài, không nêu rõ những vấn đề cần xác minh nên kết quả xác minh không đầy đủ, chặt chẽ. Khi xác minh bằng văn bản thì văn bản Chấp hành viên đề ra yêu cầu xác minh không nêu rõ nội dung xác minh và các thông tin cần thiết khác dẫn đến phải ủy quyền xác minh bổ sung.
7. Không xác minh ở cơ quan chức năng đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu:
Đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm thì không xác minh tại cơ quan có chức năng đăng ký tài sản, giao dịch đó dẫn tới việc cưỡng chế, kê biên, bán đấu giá tài sản có vi phạm, bị khiếu kiện kéo dài.
8. Việc không cung cấp hoặc chậm cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án nhưng Chấp hành viên không đôn đốc thực hiện:
Một số cơ quan như: Bảo hiểm xã hội, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án sau khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của Chấp hành viên nhưng không cung cấp hoặc cung cấp không kịp thời nhưng Chấp hành viên không đôn đốc việc thực hiện dẫn đến kéo dài thời hạn giải quyết.
                                                    Nguyễn Quang Hoá
VKSND huyện Nam Sách
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây