- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Tại Điều 204 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định về thực nghiệm điều tra (TNĐT) như sau:
“1. Để kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết. Khi thực nghiệm điều tra phải đo đạc, chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ, ghi rõ kết quả thực nghiệm điều tra vào biên bản.
Nghiêm cấm việc thực nghiệm điều tra xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người tham gia thực nghiệm điều tra và người khác.
2. Trước khi tiến hành thực nghiệm điều tra, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian và địa điểm tiến hành thực nghiệm điều tra. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc thực nghiệm điều tra. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì phải ghi rõ vào biên bản.
3. Điều tra viên chủ trì tiến hành thực nghiệm điều tra và việc thực nghiệm điều tra phải có người chứng kiến.
Khi tiến hành thực nghiệm điều tra, Cơ quan điều tra có thể mời người có chuyên môn tham gia. Trường hợp cần thiết, người bị tạm giữ, bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng có thể tham gia.
4. Trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát tiến hành thực nghiệm điều tra. Việc thực nghiệm điều tra được tiến hành theo quy định tại Điều này.”
Ảnh: Một lần kiểm sát thực nghiệm của KSV – Phòng 2 VKSND tỉnh Hải Dương. |
Thực tế trên địa bản tỉnh Hải Dương hiện nay một số vụ án khi thực nghiệm điều tra Cơ quan điều tra mới chỉ chụp ảnh, đo kích thước và ghi rõ kết quả thực nghiệm điều tra vào biên bản. Nhưng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì trong quá trình thực nghiệm điều tra phải đồng thời vừa phải chụp ảnh, ghi hình, đo kích thực, vẽ sơ đồ và ghi rõ kết quả thực nghiệm điều tra vào biên bản. Như vậy hoạt động thực nghiệm điều tra do Cơ quan điều tra hai cấp tỉnh Hải Dương đang thiếu việc ghi hình và vẽ sơ đồ việc thực nghiệm điều tra.
Chính vì vậy tôi xin nêu ra một số vấn đề cần chú ý khi kiểm sát hoạt động thực nghiệm điều tra do Cơ quan điều tra tiến hành với một mong muốn để hoạt động thực nghiệm điều tra của Cơ quan điều tra bảo đảm đúng và đầy đủ quy định của Bộ luật tố tụng hình sự:
- Mục đích của thực nghiệm điều tra: TNĐT được tiến hành nhằm mục đích kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án.
- Người có thẩm quyền ra quyết định thực nghiệm điều tra: Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra và Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát.
- Người bắt buộc phải tham gia thực nghiệm điều tra: Điều tra viên, Kiểm sát viên, người chứng kiến.
- Người trực tiếp tham gia thực thực nghiệm điều tra: Người bị tạm giữ, bị can, người làm chứng, người có chuyên môn hoặc người bị hại.
- Nguyên tắc thực nghiệm điều tra: Khi tiến hành thực nghiệm điều tra không được xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người tham gia thực nghiệm điều tra và người khác.
- Những vụ án cần thực nghiệm điều tra: Các vụ án xảy ra khi không có nhân chứng trực tiếp chứng kiến hành vi phạm tội của người thực hiện tội phạm; Các vụ án mà người nghi thực hiện tội phạm có lời khai mâu thuẫn với lời khai của nhân chứng hoặc chứng cứ khác nhưng không có chứng cứ để khẳng định đâu là sự thật khách quan, cần thực nghiệm điều tra để xác định sự thật khách quan của vụ án. Kiểm sát viên phải chủ động trao đổi với Điều tra viên để chọn thời điểm thực nghiệm điều tra cho phù hợp.
- Các hoạt động khi thực nghiệm điều tra: Cơ quan điều tra có thể TNĐT bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của một sự việc nhất định.
- Trước khi thực nghiệm điều tra: Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ lời khai của người trực tiếp tham gia thực nghiệm để xác định rõ người đó có diễn tả bằng hành động được lời khai của họ hay không, từ đó đánh giá lời khai của họ có căn cứ hay không có căn cứ; Yêu cầu Cơ quan điều tra có biện pháp bảo đảm bí mật, phong tỏa và bảo vệ tốt hiện trường nơi thực nghiệm để bảo vệ an toàn cho người tham gia thực nghiệm điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra chuẩn bị đầy đủ máy ảnh, máy ghi hình, thực đo, mẫu sơ đồ và biên bản thực nghiệm điều tra.
- Khi tiến hành thực nghiệm điều tra bắt buộc phải thực hiện các hoạt động: Đo đạc một vị trí làm thực nghiệm cần chủ ý đo đạc ít nhất 02 kích thước vào hai mốc cố định để đánh dấu được vị trí thực nghiệm điều tra và có thể dựng lại được hiện trường nơi thực nghiệm điều tra; Chụp ảnh các vị trí thực nghiệm và hành động thực nghiệm điều tra; Ghi hình quá trình thực nghiệm điều tra; Vẽ sơ đồ thực nghiệm điều tra; Ghi rõ kết quả thực nghiệm điều tra vào biên bản thực nghiệm điều tra.
- Sau khi thực nghiệm điều tra phải kiểm tra sơ đồ thực nghiệm điều tra và biên bản thực nghiệm điều tra bảo đảm bản ảnh thực nghiệm điều tra được lập minh họa đúng quá trình thực nghiệm điều tra./.
Hà Văn Kiệm, Phạm Xuân Thắng Phòng 2, VKSND tỉnh Hải Dương |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.