Hỏi cung bị can là một biện pháp điều tra tố tụng của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật với mục đích khai thác, thu thập thông tin từ bị can để làm rõ hành vi phạm tội của họ và những tình tiết khác có ý nghĩa việc giải quyết vụ án hình sự cũng như công tác phòng ngừa tội phạm. Căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong tố tụng hình sự, thì chủ thể tiến hành hỏi cung bị can là Điều tra viên, Kiểm sát viên, cấp trưởng, cấp phó và cán bộ điều tra của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Tuy nhiên, trong phạm vi nội dung “Trao đổi nghiệp vụ” tôi chỉ đề cập đến “Một số vấn đề Kiểm sát viên cần lưu ý khi hỏi cung bị can”
Theo quy định trong tố tụng hình sự, Kiểm sát viên có vai trò quan trọng trong hoạt động hỏi cung bị can. Bên cạnh nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật việc hỏi cung bị can của Điều tra viên, cán bộ điều tra, Kiểm sát viên còn thực hiện nhiệm vụ hỏi cung bị can trong những trường hợp nhất định; Kiểm sát viên có thể phối hợp với Điều tra viên để tiến hành hỏi cung bị can hoặc trực tiếp hỏi cung bị can trong những trường hợp được pháp luật quy định. Việc hỏi cung bị can của Kiểm sát viên là một trong những biện pháp pháp lý để thực hành quyền công tố nhà nước trong các giai đoạn điều tra, truy tố. Đó là, thực hiện quyền trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra của Kiểm sát viên được quy định tại khoản 7 Điều 165 và khoản 3 Điều 236 BLTTHS. Mục đích là để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi xét, phê chuẩn các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra hoặc để quyết định việc truy tố hoặc trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu oan, sai bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra nhằm bảo đảm việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội.
Khi hỏi cung bị can, Kiểm sát viên cần lưu ý những vấn đề như sau:
Trước hết, Kiển sát viên phải nắm chắc các quy định của pháp luật về hỏi cung bị can, như: Quy định của hiến pháp về chức năng của Viện kiểm sát nhân dân. Các quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân về chức năng thực hành quyền công tố; về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra, truy tố vụ án hình sự. Các quy định khoản 1 Điều 42, Điều 60; Điều 98; khoản 7 Điều 165; các Điều 182; 183; 184; khoản 3 Điều 236; Điều 421 BLTTHS. Các văn bản hướng dẫn thi hành BLTTHS liên quan đến các quy định về hỏi cung bị can. Các quy chế nghiệp vụ liên quan đến công tác điều tra, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành.
Kiểm sát viên phải nắm vững những trường hợp cần thực hiện hỏi cung bị can:
- Trong giai đoạn điều tra, theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao- Bộ Công An- Bộ Quốc phòng Quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS: “…khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 165 Bộ luật tố tụng hình sự thì Kiểm sát viên trực tiếp tiến hành hỏi cung bị can…”. Như vậy, ở giai đoạn điều tra, Kiểm sát viên trực tiếp tiến hành hỏi cung bị can trong các trường hợp sau:
+ Để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi xét phê chuẩn lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
+ Khi phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục;
+ Để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi quyết định truy tố.
Kiểm sát viên cần chú ý: Điều 183 BLTTHS quy định: “Kiểm sát viên tham gia hỏi cung bị can cùng với Điều tra viên khi xét thấy cần thiết” hoặc “Kiểm sát viên trực tiếp hỏi cung bị can khi bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết”.
Theo khoản 4 Điều 50 Quy chế Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố (ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/42020 của Viện trưởng VKSND tối cao) quy định rõ những trường hợp Kiểm sát viên phải tiến hành hỏi cung bị can, bao gồm: Các trường hợp bị can kêu oan; khiếu nại hoạt động điều tra; có căn cứ xác định việc điều tra có vi phạm pháp luật; khi có đề nghị của cơ quan có thẩm quyền điều tra; tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn hoặc chưa rõ; lời khai của bị can trước sau không thống nhất, lúc nhận tội, lúc chối tội; có căn cứ để nghi ngờ về tính xác thực trong lời khai của bị can hoặc trường hợp bị can bị khởi tố về tội đặc biệt nghiêm trọng và các trường hơp khác khi xét thấy cần thiết.
- Trong giai đoạn truy tố, căn cứ Điều 236 BLTTHS quy định Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra bao gồm cả hoạt động hỏi cung bị can để “…nhằm kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ để quyết định việc truy tố hoặc khi Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung mà Viện kiểm sát xét thấy không cần thiết phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra”.
Theo quy định tại Điều 69 Quy chế 111 cụ thể hóa như sau: “1. Trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra trong các trường hợp sau:
a) Khi phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát đã yêu cầu nhưng Cơ quan có thẩm quyền điều tra không thực hiện;
b) Khi cần kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ để quyết định việc truy tố;
c) Khi Tòa án yêu cầu điều tra; bổ sung tài liệu, chứng cứ mà Viện kiểm sát xét thấy không cần thiết phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung”.
Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của tố tụng hình sự nói chung, nhiệm vụ thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra, truy tố vụ án hình sự nói riêng, khi hỏi cung bị can, Kiểm sát viên phải thực hiện tốt các nhiệm vụ, các nguyên tắc đó là:
- Kiểm sát viên phải thực hiện tốt các nhiệm vụ như sau:
+ Làm rõ hành vi phạm tội của bị can và đồng phạm (nếu có), những tình tiết có ý nghĩa giải quyết vụ án.
+ Kiểm tra, củng cố chứng cứ đối với những vấn đề chưa rõ hoặc có mâu thuẫn trong lời khai của bị can.
+ Kiểm tra, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ để làm rõ những trường hợp có dấu hiệu oan, sai bỏ lọt tội phạm; làm rõ vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra của cơ quan có thẩm quyền điều tra.
Nhiệm vụ trên có ý nghĩa: Hoạt động hỏi cung bị can của Kiểm sát viên theo quy định của BLTTHS là một biện pháp điều tra công khai, trực diện với bị can nhằm kiểm tra, xác định lại những tài liệu, chứng cứ có mâu thuẫn hoặc những vấn đề chưa được làm rõ để xác định toàn bộ sự thật về hành vi phạm tội của bị can và đồng phạm cũng như những vấn đề cần thiết khác cho việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự. Từ đó, có ý nghĩa bảo đảm cho việc xét, quyết định phê chuẩn các quyết định của Cơ quan điều tra, việc ra các quyết định của Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra, truy tố được chính xác, khách quan và có căn cứ; bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra của Viện kiểm sát trong việc giải quyết vụ án hình sự.
- Kiểm sát viên phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
+ Tuân thủ pháp luật trong hỏi cung bị can: Khi hỏi cung bị can, Kiểm sát viên phải triệt để tuân theo quy định của BLTTHS và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành BLTTHS về hỏi cung bị can. Cụ thể, việc hỏi cung bị can phải thực hiện đúng quy định của Điều 183 và Điều 184 BLTTHS, như: Không được sử dụng các biện pháp trái pháp luật để hỏi cung bị can; không được hỏi cung vào ban đêm (trừ trường hợp khẩn cấp, không thể trì hoãn được); các biên bản hỏi cung đều phải lập biên bản theo quy định của BLTTHS và biên bản hỏi cung bị can phải lưu trong hồ sơ vụ án; việc hỏi cung đối với bị can là người dưới 18 tuổi phải thực hiện đúng quy tại Điều 421 BLTTHS và các quy định pháp luật khác có liên quan.
+ Bảo đảm sự vô tư, khách quan, toàn diện trong hỏi cung bị can: Kiểm sát viên phải thận trọng, khách quan khi hỏi cung bị can, không được định kiến, chủ quan trong quá trình lấy lời khai của bị can. Khi hỏi cung bị can phải chú ý khai thác, làm rõ tất cả các thông tin mà bị can biết về vụ án, về hành phạm tội của bị can và đồng phạm, kể cả những tình tiết, chứng cứ xác định có tội hay xác định vô tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của vị can và đồng phạm (nếu có). Kiểm sát viên phải từ chối tiến hành tố tụng khi có một trong các căn cứ thay đổi Kiểm sát viên theo quy định tại Điều 49 và Điều 52 BLTTHS.
+ Bảo đảm quyền bào chữa của bị can: Trước khi tiến hành hỏi cung bị can lần đầu, Kiểm sát viên phải chú ý giải thích đúng, đầy đủ về quyền tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa của bị can; bảo đảm cho bị can được thực hiện quyền này và các quyền trình bầy lời khai, trình bầy ý kiến về chứng cứ tài liệu, đồ vật liên quan; quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu…theo quy định tại khoản 2 Điều 60 BLTTHS.
+ Bảo đảm các nguyên tắc khác của tố tụng hình sự: Qúa trình hỏi cung bị can, Kiểm sát viên phải tuân thủ đúng các nguyên tắc cơ bản nêu trên mà còn phải bảo đảm thực hiện các nguyên tắc chung của tố tụng hình sự như Nguyên tắc quyền dùng tiếng nói, chữ viết của người tham gia tố tụng quy định tại Điều 29 BLTTHS, nguyên tắc bí mật trong hoạt động điều tra quy định tại Điều 177 BLTTHS.
Rất mong ý kiến của các bạn đồng nghiệp tham khảo, phản hồi. Xin chân thành cám ơn./.