Một số vấn đề về chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hô

Thứ ba - 20/10/2015 20:46
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã được Quốc hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua vào ngày 19/6/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Với những nội dung mới được sửa đổi, bổ sung của Luật đã đáp ứng được các yêu cầu khách quan của đời sống hôn nhân và gia đình trong tình hình mới; bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình…
Một trong những điểm mới của luật đó là những quy định tại Điều 14, Điều 15, Điều 16 trong việc giải quyết hậu quả; quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam nữa chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn đã góp phần hạn chế sự ra tăng của tình trạng này trong hiện nay.
Chung sống với nhau như vợ chồng là việc nam nữ công khai quan hệ, chung sống với nhau như vợ chồng và không đăng ký kết hôn hoặc không đủ các điều kiện để kết hôn. Theo số liệu thống kê chỉ tính riêng tháng 8 và tháng 9 năm 2015, Tòa án nhân dân thành phố Hải Dương đã đưa ra xét xử 5 vụ án Hôn nhân và gia đình chung sống với nhau như vợ chồng mà không tiến hành đăng ký kết hôn. Đáng lo ngại là tình trạng này hiện nay không hề giảm mà ngày càng phổ biến hơn nhất là khi mà tầng lớp thanh thiếu niên ngày càng hình thành lối sống buông thả, “hôn nhân thử nghiệm”.
Qua thực tiễn cũng như nghiên cứu Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành chúng tôi nhận thấy còn một số bất cập, hạn chế cần sửa đổi bổ sung để hoàn thiện nhằm ngăn chặn tình trạng chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, việc giải quyết chung sống như vợ chồng hầu hết được quy định ở các văn bản dưới luật;
Thứ hai, luật chưa bao quát hết các quan hệ chung sống như vợ chồng trong thực tiễn. Luật mới chỉ đề cập đến việc nam, nữ chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn, còn các việc chung sống như vợ chồng khác không có căn cứ pháp lý để điều chỉnh;
Thứ ba, Luật mới chỉ quy định việc chung sống như vợ chồng dưới góc độ hôn nhân thuần túy mà chưa nhìn nhận giữa các bên chung sống có thể hình thành một gia đình với đầy đủ các nhu cầu của một thiết chế xã hội. Do đó Luật mới chỉ quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên trong trường hợp họ có đơn yêu cầu ly hôn mà chưa quy định nguyên tắc chung điều chỉnh các quan hệ về con, nhân thân, tài sản và giao dịch phát sinh trong quá trình chung sống;
Thứ tư, Luật chưa quy định nguyên tắc để bảo đảm công khai, minh bạch đối với những trường hợp chung sống như vợ chồng được pháp luật thừa nhận là có hôn nhân.
2. Một số kiến nghị nhằm hạn chế việc nam nữ chung sống như vợ chồng không đăng kí kết hôn
2.1. Về mặt pháp luật
Thứ nhất, cần nhìn nhận chung sống như vợ chồng là hiện tượng tồn tại khách quan trong xã hội. Việc chung sống này có thể không xác lập một quan hệ hôn nhân về mặt pháp lý, nhưng nó có thể hình thành một gia đình giữa các bên chung sống, gia đình đó cũng có những chức năng cơ bản về sinh đẻ, giáo dục và kinh tế. Pháp luật cần có quy định để điều chỉnh ở góc độ này;
Thứ hai, quy định chung sống như vợ chồng cần bao quát hơn ngoài việc điều chỉnh quan hệ chung sống như vợ chồng giữa nam và nữ, cũng phải bảo đảm có căn cứ để điều chỉnh quan hệ chung sống như vợ chồng giữa người cùng giới tính hoặc việc chung sống như vợ chồng của người chuyển giới.
Thứ ba, Luật cần kế thừa và luật hóa các các trường hợp chung sống như vợ chồng đã được pháp luật hiện hành thừa nhận có quan hệ hôn nhân, để bảo đảm tính hệ thống trong quy định của Luật. Có thể quy định: “Trong trường hợp có yêu cầu về hôn nhân đối với những trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng được xác lập trước thời điểm Luật này có hiệu lực, thì Tòa án căn cứ vào các quy định đang có hiệu lực về việc thừa nhận hôn nhân của các bên chung sống như vợ chồng và thực tế quan hệ sống chung giữa các đương sự để quyết định công nhận hay không công nhận quan hệ vợ chồng giữa các bên.”;
Thứ tư, về quan hệ giữa cha, mẹ và con, Luật cần quy định rõ nguyên tắc thực hiện quyền, nghĩa vụ của các bên chung sống như vợ chồng với con chung theo các quy định chung về quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ và con. Ngoài ra, xác định cha, mẹ, con trong quan hệ chung sống như vợ chồng cũng cần áp dụng tương tự như xác định con chung của vợ chồng. Có thể quy định: “con sinh ra trong thời kỳ chung sống như vợ chồng hoặc do người phụ nữ có thai trong thời kỳ đó là con chung của các bên chung sống như vợ chồng”;
Thứ năm, Luật cũng cần quy định nguyên tắc công khai thỏa thuận về tài sản giữa các bên chung sống. Trong trường hợp thỏa thuận về tài sản không được công khai, người thứ ba có xác lập, thực hiện giao dịch với các bên chung sống như vợ chồng có quyền suy đoán quan hệ tài sản giữa các bên chung sống như vợ chồng được áp dụng theo chế độ sở hữu cá nhân hoặc chế độ sở hữu chung theo phần được quy định trong Bộ luật dân sự.
Luật cũng cần quy định rõ thỏa thuận về tài sản giữa các bên chung sống như vợ chồng xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của con, của người thứ ba hoặc có mục đích trốn tránh nghĩa vụ thì bị tuyên vô hiệu.
2.2. Một số kiến nghị khác
Trước hết, đó là nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật hôn nhân và gia đình trong nhân dân, đặc biệt là các quy định về đăng ký kết hôn giúp nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đăng kí kết hôn. Song song với việc giáo dục pháp luật, cần thiết phải tăng cường công tác giáo dục giới tính với tầng lớp thanh thiếu niên để họ nhận thức được hậu quả của việc không đăng ký kết hôn mà chung sống như vợ chồng.
Tiếp theo, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước với lĩnh vực hôn nhân và gia đình nhất là công tác hộ tịch. Ở cấp cơ sở , cần phải tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ hộ tịch để nâng cao hơn nữa trình độ hiểu biết pháp luật của đội ngũ này. Mặt khác, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện những sai phạm trong hoạt động quản lý hộ tịch để từ đó nâng cao hiệu quả công tác này.
Thứ ba, Nhà nước ta đã thực hiện các biện pháp cải cách hành chính hợp lý, thủ tục hành chính được cải cách theo cơ chế “một cửa”, trong đó bao gồm cả thủ tục đăng ký kết hôn. Đồng thời, cần chú trọng đẩy mạnh công tác tổ chức bộ máy hành chính ngày càng gọn nhẹ, tiết kiệm và tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật để từ đó các cơ quan hành chính hoạt động có hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây