Một số vấn đề về vai trò của cơ quan công an trong công tác phối hợp cưỡng chế thi hành án

Thứ hai - 08/01/2024 20:55
Thi hành án dân sự là hoạt động liên quan trực tiếp đến quyền về tài sản và nhân thân của các bên đương sự, để giải quyết việc thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải tiến hành nhiều thủ tục như: Thông báo, xác minh, áp dụng các biện pháp đảm bảo, biện pháp cưỡng chế thi hành án…

Đây là một khâu công tác cực kỳ khó khăn và nan giải vì thực tế đã thường xảy ra trường hợp không chấp hành (thậm chí mang tính chống đối, bất hợp tác) của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (chủ yếu là người phải thi hành án). Do đó, Cơ quan THADS không thể một mình thực hiện tốt các công việc trên, mà cần có sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan. Ngoài việc phải tuân thủ pháp luật để đảm bảo mọi quyết định, hành vi của Cơ quan THADS và Chấp hành viên, thì Cơ quan THADS cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan. Việc phối hợp tốt với các cơ quan, tổ chức, ban, ngành liên quan trong THADS là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của công tác.
Từ những đúc kết thực tiễn cho thấy việc phối hợp tốt đối với các cơ quan, tổ chức, ban ngành có liên quan trong thi hành án dân sự là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng, góp phần thành công hay thất bại trong việc tổ chức thi hành án. Qua thực tế đã chứng minh rằng ý thức, tinh thần trách nhiệm phối hợp của một số Chấp hành viên chưa cao hoặc có thái độ xem thường công tác phối hợp dẫn đến tình trạng không đạt hiệu quả trong công tác, án tồn động  chiếm tỷ lệ lớn. Công tác phối hợp đã được pháp luật quy định nhưng vẫn chưa được cụ thể và có chế tài bảo đảm việc thực hiện nên trong quá trình thực hiện có lúc, có việc tồn tại những bất cập, hạn chế làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải quyết việc thi hành án dân sự. Qua bài viết này tác giả muốn đề cập, trao đổi một số nội dung về những tồn tại và hạn chế về mối quan hệ phối hợp giữa chấp hành viên, chi cục thi hành án dân sự với Cơ quan công an trong công tác cưỡng chế thi hành án:
Công tác bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự khi nhận được yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền là trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân, trong đó lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an các địa phương là nòng cốt nhằm bảo vệ trật tự, an toàn cho việc cưỡng chế thi hành án dân sự, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật; góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Cơ quan công an có vai trò rất quan trọng giúp cho công tác thi hành án dân sự đạt hiệu quả. Đây là cơ quan thường xuyên tham gia phối hợp với chi cục thi hành án dân sự trong nhiều lĩnh vực nhất là trong công tác cưỡng chế thi hành án. Đây là lực lượng không thể thiếu được trong các buổi cưỡng chế, nhất là đối với những vụ việc phức tạp, đương sự chống đối quyết liệt, việc cưỡng chế sẽ ảnh hưởng nhất định đến tình hình án ninh chính trị tại địa phương. Vì vậy trong công tác thi hành án nói chung, công tác cưỡng chế thi hành án nói riêng, mối quan hệ phối hợp này càng trở nên quan trọng và khăng khít và là một trong những điều kiện giúp cho công tác cưỡng chế thành công. Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BTP-BCA ngày 30/3/2012 đã quy định cụ thể việc bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự. Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 cũng quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ công an trong thi hành án dân sự là chỉ đạo cơ quan công an bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự. Đây là cơ sở pháp lý hình thành mối quan hệ phối hợp giữa chấp hành viên với Cơ quan công an trong việc tham gia bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự. Như vậy khi nhận được Kế hoạch của Chi cục thi hành án yêu cầu hỗ trợ thi hành án, lực lượng Cảnh sát hỗ trợ và bảo vệ tư pháp có trách nhiệm bố trí lực lượng, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện cần thiết để đảm bảo trật tự an toàn cho việc thi hành án theo Kế hoạch, phương án đã được phê duyệt. Để thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp này, chấp hành viên phải lập Kế hoạch cưỡng chế và gửi cho cơ quan công an. Căn cứ vào Kế hoạch cưỡng chế này, Công an có trách nhiệm lập kế hoạch bảo vệ cưỡng chế, bố trí lực lượng, phương tiện cần thiết để giữ trật tự, bảo vệ hiện trường, kịp thời ngăn cản các hành vi tẩu tán tài sản và chống đối người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng.
Khi có yêu cầu bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự của Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp của Công an ở địa phương phải chủ động phối hợp từ giai đoạn nghiên cứu hồ sơ vụ việc, xác minh, khảo sát thực tế, nắm tình hình, nắm tâm tư, nguyện vọng, thái độ của người bị cưỡng chế và những người có liên quan, cũng như khả năng chống đối, kích động của họ. Từ đó, xây dựng kế hoạch, phương án, dự kiến các tình huống và biện pháp xử lý để thống nhất trong bảo đảm thực hiện bảo vệ cưỡng chế sát với tình hình thực tế từng vụ việc và đúng theo quy định của pháp luật. Việc xây dựng nội dung kế hoạch, phương án bảo vệ cưỡng chế đã có sự trao đổi, thống nhất giữa lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp với Cơ quan thi hành án dân sự trước khi trình lãnh đạo đơn vị phê duyệt.

Hình ảnh lực lượng công an tham gia bảo vệ một buổi cưỡng chế thi hành án
Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự, lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp chủ động phối hợp với Chấp hành viên của Cơ quan thi hành án dân sự, các đơn vị thuộc Công an các địa phương, chính quyền địa phương (UBND, Công an xã, thị trấn...) nơi diễn ra buổi cưỡng chế, tổ chức tuyên truyền, giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị cưỡng chế, người có quyền lợi ích liên quan việc cưỡng chế thi hành án dân sự, cũng như quần chúng nhân dân xung quanh khu vực, địa điểm cưỡng chế hiểu rõ về đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và vận động người bị cưỡng chế tự nguyện chấp hành bản án, quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự. Ngoài ra, lực lượng Công an thường xuyên phối hợp với Cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan, ban ngành có liên quan trao đổi, thống nhất các nội dung, giải pháp trước, trong và sau khi cưỡng chế thi hành án dân sự để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự, rút kinh nghiệm các thiếu sót sau cưỡng chế.
Nếu như trong công tác cưỡng chế mà địa phương nào cũng có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chấp hành viên và cơ quan Công an thì công tác cưỡng chế thi hành án sẽ thành công và nâng cao hiệu quả của công tác thi hành án dân sự. Thế nhưng thực tiễn trong công tác thi hành án dân sự vẫn còn nhiều hạn chế, vưỡng mắc trong công tác phối hợp với Cơ quan công an trong việc cưỡng chế thi hành án, cơ quan Công an chưa phối hợp tích cực, chưa trao đổi cụ thể các phương án và chưa đưa ra Kế hoạch cưỡng chế để trao đổi với Chấp hành viên để hai bên tháo gỡ những khó khan và đưa ra các giir pháp thực hiện. Điều vướng mắc, bất cập đầu tiên và cũng là quan trọng nhất chính là các quy định pháp luật về mối quan hệ phối hợp giữa các Cơ quan Thi hành án dân sự với các cơ quan, tổ chức liên quan trong mối quan hệ phối hợp còn rất chung chung, chưa xác định rõ trách nhiệm của cơ quan phối hợp, chưa quy định “cơ chế buộc” hoặc chế tài khi không thực hiện trách nhiệm phối hợp đối với các cơ quan phối hợp nên các cơ quan vẫn xem đó là trách nhiệm của cơ quan thi hành án đã gây ra rất nhiều khó khăn cho chấp hành viên, cơ quan thi hành án trong quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định của tòa án. Đối với các vụ việc cưỡng chế thi hành án, qua báo cáo của chính quyền địa phương, nắm tình hình chung, Chấp hành viên xây dựng Kế hoạch cưỡng chế thi hành án xác định mức độ, khả năng chống đối của người phải thi hành án, người liên quan hoặc đặc điểm tình trạng cuả tài sản phải cưỡng chế như ở trung tâm của khu dân cư, tài sản lớn, phải tháo dỡ vận chuyển tốn nhiều thời gian và đề nghị cơ quan Công an phối hợp bảo vệ cưỡng chế. Tuy nhiên đối với những việc phức tạp, khả năng tập trung đông người, khả năng chống đối quyết liệt, Chấp hành viên đã xây dựng Kế hoạch cưỡng chế, nêu rõ những khó khăn trong việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế nhưng lực lượng bảo vệ cưỡng chế mỏng (khoảng 10 - 15 người) không đủ lực lượng bảo vệ nhưng Lãnh đạo cơ quan Công an còn chỉ đạo chưa triệt để, còn có tâm lý e ngại, ngại va chạm và chưa có Kế hoạch báo cáo cấp trên xin ý kiến và tăng cường lực lượng bảo vệ, dẫn đến một số vụ việc đương sự chống đối quyết liệt, tập trung đông người, khi cưỡng chế không đủ lực lượng bảo vệ đoàn cưỡng chế nên đã buộc phải tạm dừng việc cưỡng chế làm ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ giải quyết việc thi hành án của Chi cục thi hành án, gây mất trật tự trị an ở địa phương, ảnh hưởng đển sự tôn nghiêm của pháp luật.
Từ những lý luận và thực tiễn cho thấy công tác thi hành án dân sự không chỉ là công việc của Cơ quan thi hành án dân sự mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là trong việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan nói chung, Cơ quan công an nói riêng. Để bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được thực thi, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân và nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong THADS trong thời gian tới, cần quan tâm công tác phối hợp giữa Cơ quan THADS, Chấp hành viên với cá nhân, tổ chức hữu quan cần được đặt đúng tầm, phải quy định chặt chẽ và có chế tài cụ thể để thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan hữu quan với Cơ quan THADS, để các cơ quan cùng thực hiện và thực hiện đầy đủ, thống nhất hạn chế những vấn đề thiếu sót trong công tác phối hợp trong thời gian qua. Mặt khác cần nâng cao vai trò của của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự để chỉ đạo điều hành hoạt động phối hợp thi hành án dân sự. Ban chỉ đạo đề nghị các cấp có thẩm quyền xử lý cá nhân, tổ chức chậm thực hiện việc phối hợp trong công tác thi hành án dân sự./.
                                                                      Tiêu Thị Hồng
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây