Một số vướng mắc của Bộ luật hình sự năm 2015

Thứ năm - 29/08/2019 00:13

Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực và được triển khai vào thực tiễn, những quy định mới của Bộ luật hình sự năm 2015 đã tháo gỡ nhiều nội dung mà Bộ luật hình sự năm 1999 còn khó khăn trong quá trình áp dụng, giải quyết. Bên canh những kết quả đã đạt được của Bộ luật hình sự năm 2015 đem lại trong thời gian qua, vẫn còn tồn tại một số vướng mắc khi áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) xin cùng trao đổi với các đồng chí.

- Khoản 1 Điều 282 Tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy, quy định: “1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác nhằm chiếm đoạt tàu bay hoặc tàu thủy, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm…”.

- Khoản 1 Điều 314 Tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện lực, quy định: 1. Người nào cho phép xây nhà, công trình hoặc tự ý xây nhà, công trình trong phạm vi hành lang an toàn của công trình điện lực; gây nổ, gây cháy, đốt rừng làm nương rẫy, trồng cây, làm đổ cây ảnh hưởng đến an toàn vận hành công trình điện lực; đào hố, đóng cọc, xây nhà trong hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm; thả neo tàu, thuyền trong hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm đặt ở lòng sông, lòng biển đã có thông báo hoặc biển báo; lắp các thiết bị điện hoặc thi công đường điện không bảo đảm an toàn hoặc các hành vi khác gây mất an toàn vận hành công trình điện lực theo quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm…”.

- Khoản 1 Điều 319 Tội xâm phạm thi thể, mô mả, hài cốt, quy định: 1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.

- Khoản 1 Điều 326 Tội truyền bá văn hóa phẩm đồ trụy, quy định: 1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm….”.

- Khoản 1 Điều 330 Tội chống người thi hành công vụ, quy định: “1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm…”.

Với những quy định của các điều luật như trên đều có thuật ngữ: “Dùng thủ đoạn khác” “ Hành vi khác” chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể thế nào là hành vi “Dùng thủ đoạn khác” “ Hành vi khác” nên còn có nhiều cách hiểu và áp dụng các quy định đó còn tuy nghi, không thống nhất dễ dẫn đến oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

Ngoài ra còn có Tội gây rối trật tự công công được quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm".
          So với khoản 1, Điều 245 của Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “Người nào gây rối trật tự công công gây hậu quả nghiêm trọng …”. Thì Điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015 đã loại bỏ các yếu tố có tính chất định tính như: Gây hậu quả nghiêm trọng. Như vậy, Điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định mang tính khái quát cao và cụ thể hơn Điều 245 Bộ luật hình sự năm 1999, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc xảy ra trong thực tiễn áp dụng pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong áp dụng pháp luật để xử lý đối với tội gây rối trật tự công cộng.

Tuy nhiên, hậu quả của việc gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 thì hiện nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn hay quy định cụ thể mặc dù Bộ luật hình sự năm 2015 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Điều này đã gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong áp dụng pháp luật để xử lý đối với tội gây rối trật tự công cộng.

Để bảo đảm tính nghiêm minh, thống nhất của pháp luật, đề nghị các cơ quan Trung ương có thẩm quyền sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về “Dùng thủ đoạn khác”, “ Hành vi khác” hành vi gây rối trật tự công cộng "gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội" để giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội.

Trên đây là một số nội dung khó khăn, vướng mắc của Bộ luật hình sự năm 2015 chúng tôi xin mạnh dạn trao đổi với các đồng chí để cùng thống nhất nhận thức.

                                                                                                            Nguyễn Quang Đại
VKSND huyện Ninh Giang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây