Tạm giam là một trong các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự do Cơ quan điều tra,Viện kiểm sát, Tòa án áp dụng đối với bị can, bị cáo và là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất trong các biện pháp ngăn chặn của tố tụng hình sự, hạn chế quyền tự do thân thể của công dân.
Trong một số trường hợp, việc áp dụng biện pháp tạm giam nhằm ngăn chặn bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội, ngoài ra biện pháp ngăn chặn này còn tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc giải quyết các vụ án trong mỗi giai đoạn tố tụng.
Tại Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định:
“1. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.
2. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:
a) …
c) ... có dấu hiệu bỏ trốn.
d) ... có dấu hiệu tiếp tục phạm tội.”
Quy định về căn cứ tạm giam theo Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có nhiều điểm mới và quy định chặt chẽ hơn so với Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, tuy nhiên, qua thực tế áp dụng biện pháp tạm giam thấy việc xác định căn cứ “có dấu hiệu bỏ trốn”, “có dấu hiệu tiếp tục phạm tội” quy định tại điểm c, d khoản 2 Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để áp dụng biện pháp tạm giam với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng còn có nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.
Từ những quy định nêu trên đã có nhiều ý kiến khác nhau giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xác định các căn cứ này để áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng, cụ thể như sau:
Có quan điểm khi cần áp dụng biện pháp tạm giam, chỉ cần xác minh tại Công an cấp xã nơi bị can cư trú trước khi phạm tội, xác định bị can thường xuyên vắng mặt khỏi địa phương, đi đâu làm gì địa phương không nắm được (là có dấu hiệu bỏ trốn); bị can thường quan hệ, giao du với các đối tượng xấu, không có nghề nghiệp ổn định; đã từng bị xét xử về hình sự (tức người không có nhân thân tốt là có dấu hiệu tiếp tục phạm tội) từ đó áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can.
Xem xét về căn cứ “Có dấu hiệu bỏ trốn”.
Tại Điều 31 Luật cư trú quy định:
“Điều 31. Khai báo tạm vắng
1. Công dân có trách nhiệm khai báo tạm vắng trong các trường hợp sau đây:
a) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 01 ngày trở lên đối với bị can, bị cáo đang tại ngoại; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành án phạt quản chế, cải tạo không giam giữ; người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách;
b) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 01 ngày trở lên đối với người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành; người bị quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;
c) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện nơi đang cư trú từ 03 tháng liên tục trở lên đối với người trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc người đang phải thực hiện các nghĩa vụ khác đối với Nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
d) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên đối với người không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này, trừ trường hợp đã đăng ký tạm trú tại nơi ở mới hoặc đã xuất cảnh ra nước ngoài”.
Như vậy, bị can, bị cáo đi khỏi địa phương chỉ phải khai báo tạm vắng theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật cư trú nói trên, việc bị can, bị cáo vắng mặt khỏi địa phương, không đăng ký tạm vắng không đồng nghĩa với việc bị can, bị cáo có dấu hiệu bỏ trốn. Mặt khác trên thực tế có nhiều bị can trước khi phạm tội, do rất nhiều lý do khác nhau nên phải làm nghề tự do để kiếm thu nhập phục vụ cuộc sống, họ phải đi nhiều nơi khác nhau để làm việc, công việc cũng chỉ mang tính chất cơ động, không ở cố định lâu dài tại một địa điểm nào khi đến làm việc, do đó họ không phải khai báo tạm vắng và cũng không phải đăng ký tạm trú nên có trường hợp địa phương và gia đình không biết được họ đi những đâu và khi nào về. Ví dụ nghề xây dựng công trình, các công việc mang tính chất thời vụ …
Xem xét về căn cứ “Có dấu hiệu tiếp tục phạm tội”.
Tại Điều 2 Nghị quyết số 02 ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự, xác định: “Điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo là có nhân thân tốt. Được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc. Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 06 tháng …thì cũng có thể cho hưởng án treo”.
Như vậy, theo quy định tại Nghị quyết nêu trên thì mặc dù bị can bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, … được coi là người có nhân thân tốt. Tuy nhiên khi phạm tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng lần này, các cơ quan tiến hành tố tụng lại cho rằng bị can có nhân thân xấu, có dấu hiệu tiếp tục phạm tội từ đó bị áp dụng biện pháp tạm giam.
Về biên bản xác minh của Cơ quan điều tra đối với các trường hợp trên cơ bản cũng chỉ thông qua Công an cấp xã, đa số không có sự tham gia của chính quyền địa phương, gia đình bị can. Nhiều biên bản xác minh của Cơ quan điều tra, Công an cấp xã xác định bị can thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng tệ nạn xã hội nhưng lại không cung cấp được hồ sơ, tài liệu thể hiện họ tiếp xúc vì mục đích gì. Trong khi đó Công an cấp xã là Công an chính quy, thẩm quyền, trình tự cung cấp các nội dung trên trong biên bản xác minh của cơ quan điều tra cũng không được làm rõ và thống nhất.
Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử để xác định được bị can, bị cáo có dấu hiệu bỏ trốn hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội thì các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải dựa vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để xem xét đánh giá. Nhưng thực tế việc xem xét, đánh giá lại gặp nhiều vướng mắc, vì muốn xem xét các dấu hiệu trên phải dựa vào yếu tố thời gian, ý thức chủ quan, diễn biến hành vi của bị can, bị cáo… để xác định. Trên thực tế rất ít bị can thừa nhận hoặc khai nhận là mình sẽ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn, từ đó việc áp dụng biện pháp tạm giam dựa trên các dấu hiệu này sẽ rất khó áp dụng.
Quy định về căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam này vừa thể hiện chính sách nhân đạo, vừa thể hiện tính chất phân hóa hợp lý các đối tượng trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, phục vụ yêu cầu đấu tranh tội phạm trong tình hình hiện nay. Để việc áp dụng pháp luật được chính xác và thống nhất, không để xảy ra việc lạm dụng pháp luật khi áp dụng biện pháp tạm giam, đề nghị liên ngành Trung ương xem xét, sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc áp dụng tình tiết “có dấu hiệu bỏ trốn”, “có dấu hiệu tiếp tục phạm tội” quy định tại điểm c, d khoản 2 Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để áp dụng biện pháp tạm giam với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng./.
|
Nguyễn Quang Hoá
VKSND huyện Nam Sách |