- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Vừa qua, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quy định số 01/QyĐ-VKSTC ngày 09/01/2019 “về Trực ngoài giờ hành chính trong ngành Kiểm sát nhân dân”. Theo quy định này thì có một số nội dung cơ bản như sau:
- Công tác trực ngoài giờ hành chính bao gồm: Trực lãnh đạo, trực nghiệp vụ; trực công tác khác (Khoản 1, Điều 3);
- Nhiệm vụ của công tác trực nghiệp vụ là: Tiếp nhận, kịp thời xử lý các thông tin về tội phạm. Thực hiện công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi; phối hợp với các cơ quan hữu quan kịp thời giải quyết những vụ việc đột xuất xảy ra trên địa bàn, tiếp công dân (nếu có), (Khoản 3, Điều 3 và Khoản 1, 2 Điều 6);
- Về phân công ca trực:
+ Đối với VKSND cấp tỉnh: 01 lãnh đạo VKSND tỉnh trực lãnh đạo, 01 lãnh đạo Phòng nghiệp vụ làm trưởng ca trực và 01 KSVTC hoặc 01 KSVSC;
+ Đối với VKSND cấp huyện: 01 lãnh đạo VKSND huyện trực lãnh đạo, 01 KSVSC và 01 Kiểm tra viên;
- Địa điểm trực: công tác trực được thực hiện tại cơ quan; công chức được phân công trực phải có mặt thường xuyên trong suốt thời gian trực.
Quy định nêu trên là cơ sở cho VKSND các cấp bố trí lịch trực ngoài giờ hành chính tại cơ quan, đơn vị mình; tuy nhiên, khi áp dụng Quy định này có một số vướng mắc, tôi xin nêu để các đ/c cùng nghiên cứu, đó là:
- Về công tác trực của lãnh đạo Viện quy định chưa rõ vì: theo quy định tại Khoản 3, Điều 10 lại quy định: “Việc trực của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân các cấp phải bảo đảm giữ liên lạc để chỉ đạo, điều hành ca trực”; nhưng tại Khoản 4, Điều 10 quy định: công tác trực được thực hiện tại cơ quan; công chức được phân công trực phải có mặt thường xuyên trong suốt thời gian trực.Việc quy định như trên là chưa thống nhất, có quan điểm cho rằng công chức được phân công trực bao gồm cả lãnh đạo Viện (vì lãnh đạo cũng là công chức), do vậy cũng phải trực tại cơ quan; quy định việc lãnh đạo giữ liên lạc thường xuyên thì có thể trực tại cơ quan hoặc có thể không có mặt tại cơ quan.
- Đối với VKSND cấp tỉnh: Theo quy định tại Khoản 2, Điều 4, Quy chế tạm thời Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra và giám định, ban hành kèm theo Quyết định số 170/QĐ-VKSTC ngày 02/5/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao thì: Lãnh đạo đơn vị gồm “… Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.” ; theo quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 9, Quy định số 01/QyĐ-VKSTC thì ca trực của VKSND tỉnh có 01 lãnh đạo Viện, 01 Lãnh đạo phòng nghiệp vụ làm Trưởng ca trực và 01 KSVTC hoặc KSVSC; do đó, việc phân công làm Trưởng ca trực chỉ có thể là Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng THQCT, KSĐT, KSXXST.
Như vậy, đối với các Kiểm sát viên trung cấp là Thủ trưởng các đơn vị không phải là phòng nghiệp vụ kiểm sát (Thanh tra, Tổ chức, Văn phòng, TKTP & CNTT) hoặc các phòng nghiệp vụ khác (Phòng 7, 8, 9, 10,11, 12) thì có phải thực hiện việc trực nghiệp vụ ngoài giờ hành chính không, nếu có thì trực với tư cách là KSV trung cấp hay là Trưởng ca trực? Quy định này là chưa rõ và còn vướng mắc.
- Đối với VKSND cấp huyện:
+ Về việc bố trí Kiểm tra viên trực: Đối với VKSND cấp huyện bố trí 01 lãnh đạo VKSND huyện trực lãnh đạo, 01 KSVSC và 01 Kiểm tra viên. Quy định này có thể phù hợp với một số VKSND cấp huyện của một số tỉnh này nhưng không phù hợp tình hình thực tế của một số tỉnh khác, đó là: thực tế biên chế các VKSND cấp huyện khu vực tỉnh thuộc đồng bằng (như ở tỉnh Hải Dương…) có trung bình 10 biên chế, trong đó chỉ có 09 biên chế nghiệp vụ kiểm sát (trừ cấp thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh có nhiều hơn 10 người), trong đó có ít nhất 02 lãnh đạo Viện (nhiều VKS huyện có 3 lãnh đạo), có huyện có 01 KTV, có huyện không có KTV thì việc bố trí ca trực thực hiện thế nào? Mặt khác Kiểm tra viên chỉ giúp việc cho KSV, không thể tự mình thực hiện việc kiểm sát khám nghiệm hiện trường, tử thi…
+ Về số lượng người trực đối với VKSND cấp huyện: theo quy định này thì cần phải có 03 người trực nghiệp vụ/1 ca, tuy nhiên, trên thực tế thì những việc xảy ra thuộc thẩm quyền cấp huyện là không nhiều, nếu có cũng chỉ cần 01 KSVSC và 01 lãnh đạo Viện là có thể xử lý được các việc thông thường. Còn nếu xảy ra những vụ việc đột xuất đặc biệt nghiêm trọng…thì lại thuộc thẩm quyền của VKSND cấp tỉnh kiểm sát khám nghiệm, cấp huyện chỉ phối hợp… hoặc nếu có việc kéo dài thì bố trí trực đột xuất riêng, không cần thiết phải nhiều người trực thường xuyên/1 ca. Việc quy định nhiều người trực/1 ca như hiện nay thì ở 1 số đơn vị ít biên chế thì có công chức trực 3 ca/1 tuần, có thời điểm công chức được cử đi bồi dưỡng nghiệp vụ hoặc nghỉ phép thì công chức còn lại có thể phải trực đến 4 ca/1 tuần là rất vất vả;
- Về phân công chức thuộc đơn vị Thanh tra, Văn phòng trực ngoài giờ: theo quy định tại Điều 12 của Quy định số 01/QyĐ-VKSTC thì Văn phòng, Thanh tra giúp Viện trưởng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy định trực; do vậy, công chức thuộc đơn vị Thanh tra và Văn phòng vừa trực vừa thanh tra, kiểm tra thì có lẽ không đảm bảo tính khách quan, hoặc đang trong thời gian trực mà cần kiểm tra việc trực của các đơn vị khác thì cũng không bỏ ca trực để đi thanh, kiểm tra được.
Một số đề xuất, kiến nghị: Trên cơ sở nghiên cứu một số quy định có liên quan đến công tác trực nghiệp vụ, trực ngoài giờ hành chính, tôi đề nghị VKSND tối cao một số nội dung sau:
- Một là; quy định rõ đối với các KSVTC là Thủ trưởng các đơn vị không phải là các phòng nghiệp vụ cấp tỉnh thì có phải thực hiện trực nghiệp vụ không, nếu có thì trực với tư cách gì để phù hợp với Quy chế số 170/QĐ-VKSTC;
- Hai là; không nên quy định 03 người/1 ca trực đối với VKSND cấp huyện, chỉ cần 02 người là vừa phù hợp tính chất công việc của cấp huyện, vừa phù hợp tình hình biên chế ít của đại đa số VKSND cấp huyện; hoặc quy định mở là: đối với VKSND cấp huyện có từ 15, 20...biên chế trở lên thì cần 03 hoặc 04 người trực, trong đó có 01 lãnh đạo và 03 KSVSC (không cần bố trí Kiểm tra viên trực vì Kiểm tra viên chỉ làm nhiệm vụ giúp việc cho KSV) để tránh lãng phí và cũng tạo điều kiện để công chức nghỉ ngơi sau giờ hành chính.
- Ba là; cần quy định rõ và thống nhất về địa điểm trực lãnh đạo của VKSND cấp tỉnh, cấp huyện để dễ thực hiện;
- Bốn là; về chế độ trực nghiệp vụ: Quyết định số 985/2007/QĐ-VKSTC-V11 ngày 27/9/2007 ban hành chế độ bồi dưỡng trực nghiệp vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân được ban hành tại thời điểm mức lương cơ bản là 450.000 đồng, đến nay mức lương cơ sở (áp dụng từ 01/7/2018) là 1.390.000 đồng (tăng 310%). Đề nghị VKSND tối cao nghiên cứu tăng mức bồi dưỡng trực nghiệp vụ cho phù hợp hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép tính theo chế độ làm thêm giờ để đảm bảo chế độ và trách nhiệm của công chức khi trực nghiệp vụ.
Trên đây là một số ý kiến trao đổi để các đồng nghiệp tham khảo và một số đề xuất, kiến nghị đề nghị VKSND tối cao quan tâm.
Vũ Quang Vinh Thanh tra- VKSND Tỉnh Hải Dương |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.