Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con khi ly hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

Chủ nhật - 21/03/2021 23:35

Những quy định của pháp luật về nghĩa vụ cấp dưỡng là cơ sở pháp lý nhằm gắn kết các thành viên trong gia đình có trách nhiệm, là cơ sở để các thành viên thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với gia đình và xã hội. Tại Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

          Quan hệ cấp dưỡng tồn tại giữa hai chủ thể, một bên là người có nghĩa vụ cấp dưỡng và một bên là người nhận cấp dưỡng (người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; người gặp khó khăn, túng thiếu). Quan hệ cấp dưỡng là một quan hệ pháp luật có điều kiện, tương ứng với mỗi quan hệ khác nhau giữa các thành viên trong gia đình trong đó:

          - Nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ phát sinh giữa các chủ thể trên cơ sở quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng. Tại khoản 1 Điều 107 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này”. Các chủ thể này có thể là thành viên trong gia đình hoặc không phải là thành viên trong gia đình nhưng vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

          - Quan hệ cấp dưỡng không chỉ là quan hệ nhân thân mà còn mang tính tài sản, song không mang tính đền bù ngang giá. Người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chu cấp một số tiền hoặc tài sản nhất định nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu cho người được cấp dưỡng. Khi thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, luôn có sự chuyển giao một phần lợi ích từ phía người cấp dưỡng sang người được cấp dưỡng.

          - Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện một cách tự nguyện, không tính toán đến giá trị tài sản đã cấp dưỡng, không đòi hỏi người được cấp dưỡng phải hoàn lại một số tiền tương ứng. Do nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ được đặt ra khi có những điều kiện nhất định. Vì vậy, quan hệ cấp dưỡng không mang tính đền bù tương đương.

          - Chủ thể có nghĩa vụ cấp dưỡng cũng không thể chuyển giao nghĩa vụ cấp dưỡng cho bất cứ ai. Đây cũng là một đặc trưng xuất phát từ tính chất của quyền nhân thân “...là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.

          - Quan hệ cấp dưỡng là quan hệ phát sinh, tức là khi quan hệ nuôi dưỡng không thực hiện được hoặc thực hiện không đầy đủ thì lúc đó quan hệ cấp dưỡng mới xuất hiện. Trong quan hệ cấp dưỡng này, chủ thể không chỉ là thành viên gia đình trong mối quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng mà còn phải thoả mãn những điều kiện nhất định về độ tuổi, tình trạng nhân thân, tài sản...

          - Việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thông qua lương tâm, đạo đức, dư luận xã hội và cả các biện pháp cưỡng chế thi hành. Quan hệ huyết thống là gốc rễ hình thành mối quan hệ gắn bó, khăng khít giữa các thành viên trong gia đình. Khi các thành viên trong gia đình không thể trực tiếp chăm sóc nhau thì họ thực hiện nghĩa vụ thông qua việc cấp dưỡng. Việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng trước hết xuất phát từ ý thức, trách nhiệm của bên thực hiện cấp dưỡng. Pháp luật cũng đã đưa ra các chế tài nhằm xử lý những trường hợp trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, không chỉ trong pháp luật dân sự, hôn nhân và gia đình mà còn trong pháp luật hình sự.

          Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định những trường hợp phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng như sau: Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con (Điều 110); nghĩa vụ cấp dưỡng giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu (Điều 113); nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn (Điều 115). Bên cạnh đó, nghĩa vụ cấp dưỡng cũng phát sinh trong trường hợp các chủ thể có sống chung với nhau, đó là trong quan hệ giữa cha, mẹ và con, nghĩa vụ cấp dưỡng có thể phát sinh khi cha, mẹ ly hôn, người không trực tiếp nuôi con phải chi trả tiền cấp dưỡng cho người nuôi con trực tiếp; hoặc trường hợp vẫn sống chung, nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng.

           Điều kiện cha, mẹ thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng với con: Pháp luật quy định độ tuổi và khả năng của con là điều kiện phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con. Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên. Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015, người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp cha, mẹ ly hôn khi con chưa đủ 18 tuổi, người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ phải chi trả tiền cấp dưỡng để đảm bảo quyền lợi cho con về tài sản cho đến khi con trưởng thành. Điều 110 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”. Đối với con đã thành niên, cha, mẹ vẫn có trách nhiệm phải chi trả cấp dưỡng nếu thuộc các trường hợp sau: Con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Không có khả năng lao động có thể là mất sức lao động, bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, không có khả năng lao động phải đi kèm với điều kiện không có tài sản để tự nuôi mình. Thực tế, có trường hợp con không có khả năng lao động nhưng vẫn có tài sản để tự nuôi mình. Vậy khi nào một người được coi là tình trạng “không có khả năng lao động”“không có tài sản để tự nuôi mình”.

          Vấn đề trên Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 không quy định rõ ràng và đến Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng chưa quy định cụ thể.

          Về trách nhiệm, nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con: Theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, thì cha hoặc mẹ, bên không trực tiếp nuôi dưỡng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn. Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, thì trong trường hợp vợ, chồng không thoả thuận được về người trực tiếp nuôi con thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi con căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần; đánh giá toàn diện về nhu cầu sống, học tập, phát triển bình thường của trẻ, nhất là tính ổn định về tâm lý của trẻ em sau khi cha mẹ ly hôn.

Việc giao con chung cho một bên nuôi thường kèm theo nghĩa vụ cấp dưỡng của bên không nuôi con chung theo quy định tại Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Việc xem xét nguyện vọng không yêu cầu cấp dưỡng nuôi con của bên được giao nuôi con nên áp điểm 11 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, cụ thể: “Trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng vì lý do nào đó thì Toà án cần giải thích cho họ hiểu rằng việc yêu cầu cấp dưỡng nuôi con là quyền lợi của con để họ biết nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con. Nếu xét thấy việc họ không yêu cầu cấp dưỡng là tự nguyện, họ có đầy đủ khả năng, điều kiện nuôi dưỡng con thì Toà án không buộc bên kia phải cấp dưỡng nuôi con”.

          Nghị quyết số 02/2000 là hướng dẫn các quy định của Luật  hôn nhân và gia đình năm 2000 nhưng không trái với quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Mặt khác, Hội đồng Thẩm phán cũng chưa ban hành văn bản hướng dẫn Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 để thay thế. Do đó, tinh thần của Nghị quyết số 02/2000 vẫn được vận dụng để áp dụng tương tự pháp luật để làm căn cứ để áp dụng trong việc cấp dưỡng nuôi con.

                                                                                  Phạm Văn Ngoan
VKSND huyện Bình Giang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây