Những điều kiện áp dụng án lệ số 47/2021/AL của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao

Chủ nhật - 07/05/2023 23:10
Ngày 31/12/2021, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành quyết định số 594/QĐ-CA công bố 09 án lệ đã được Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua tại cuộc họp ngày 25/11/2021, trong đó có Án lệ số 47/2021/AL (án lệ số 47) về việc xác định tội danh trong trường hợp bị cáo dùng hung khí nguy hiểm đâm vào vùng trọng yếu của cơ thể bị hại. Theo quyết định trên, án lệ số 47 được các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử từ ngày 01/02/2022.

Thực tiễn xử lý các vụ án cố ý gây thương tích mà hậu quả chết người chưa xảy ra thời gian vừa qua, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đã nghiên cứu, áp dụng án lệ số 47 để xem xét, định tội danh, xác định thẩm quyền điều tra ngay từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm. Quá trình áp dụng án lệ số 47 phát sinh hai quan điểm khác cơ bản đó là:

          Một là: Những vụ cố ý gây thương tích chỉ cần thoả mãn một hoặc một số dấu hiệu mà án lệ số 47 nêu ra như bị can dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể bị hại, không phân biệt tấn công bao nhiêu lần, tỷ lệ thương tích bao nhiêu thì đều phải xem xét áp dụng án lệ số 47 để khởi tố bị can về tội giết người.

          Hai là: Những vụ cố ý gây thương tích hậu quả chết người chưa xảy ra chỉ khởi tố về tội giết người khi thoả mãn đầy đủ tất cả các điều kiện mà án lệ số 47 đặt ra đồng thời chứng minh được 4 yếu tố cấu thành tội phạm giết người.

          Vấn đề đặt ra là khi nào, điều kiện nào để xem xét, áp dụng án lệ số 47? Tại khoản 2 Điều 8 Nghị quyết 04/2019/HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao quy định về nguyên tắc áp dụng án lệ như sau:  “2. Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án”.

Vậy thì “tình huống pháp lý tương tự” mà án lệ số 47 nêu ra là gì? Theo chúng tôi, tình huống có 3 đặc trưng đó là: Người bị buộc tội dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể người bị hại; Hành vi của người bị buộc tội phải có tính chất côn đồ và nạn nhân không chết là ngoài ý muốn chủ quan của người bị buộc tội.

          Trong 3 đặc trưng của tình huống pháp lý nêu trên, việc chứng minh “Nạn nhân không chết là ngoài ý muốn chủ quan của người bị buộc tội” là khó khăn hơn cả và dễ mắc phải sai lầm. Bởi lẽ vụ án mà án lệ số 47 đưa ra có đặc điểm hậu quả là một người chết (anh T1), một người bị thương với tỷ lệ 05% (anh C), giả sử vụ án không có người bị hại là anh C thì đó vẫn rõ ràng là vụ án giết người có tính chất côn đồ. Chính vì hành vi giết anh T1 của Đ đã rõ ràng nên việc chứng minh ý thức chủ quan (giết người) của Đ khi đâm anh C bị thương 05% mới đảm bảo có căn cứ thuyết phục. Nhưng nếu trong vụ án mà Đ không có hành vi giết anh T1 thì sao? Khi đó Đ chỉ có hành vi dùng dao đâm 01 nhát vào bụng anh C gây thương tích 05% thì việc nhận định “nạn nhân không chết là ngoài ý muốn chủ quan của người bị buộc tội” và xác định đây là hành vi giết người là không đảm bảo căn cứ thuyết phục.

          Chính vì lẽ đó, theo chúng tôi, đặc điểm quan trọng nhất của “tình huống pháp lý tương tự” trong án lệ số 47 chính là “xác định ý thức chủ quan của người bị buộc tội trong vụ án mà có hậu quả vừa có người chết vừa có người bị thương”. Khi không thoả mãn đặc điểm chính nêu trên thì không áp dụng án lệ 47 theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị quyết 04/2019/HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Việc không áp dụng án lệ số 47 khi không thỏa mãn các điều kiện như phân tích nêu trên cũng hoàn toàn phù hợp với hướng dẫn số 4632/VKSTC -V7 ngày 30 tháng 11 năm 2022 của Viện KSND tối cao về áp dụng Án lệ số 4722021/AL cụ thể. Khi áp dụng cần phải xem xét từng vụ án cụ thể, nếu tương tự nội dung án lệ 47, chứng minh được bị cáo dùng hung khi nguy hiểm đâm vào vùng trọng yếu trên cơ thể người bị hại và bị hại không chết là ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo thì xét xử về tội giết người. Như vậy để áp dụng Án lệ 47 ngoài việc chứng minh bị cáo sử dụng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể nạn nhân, cần chứng minh được ý thức muốn tước đoạt tính mạng của nạn nhân hoặc có thái độ bỏ mặc, bất chấp hậu quả xảy ra, xem thường tính mạng của bị hại thể hiện qua các tình tiết khác như: tính chất, mức độ, cường độ tấn công, tương quan lực lượng giữa hai bên, sự quyết liệt khi thực hiện hành vi phạm tội, sự tiếp nhận ý chí khi thực hiện hành vi, nhận định xác định về lỗi cố ý khi thực hiện hành vi khi đó, hậu quả bị hại không chết là nằm ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo.       

          Vì vậy, để định tội giết người đối với các vụ án cố ý gây thương tích mà hậu quả không có người chết cần xem xét khách quan, toàn diện đầy đủ 4 yếu tố cấu thành tội phạm, đảm bảo thận trọng chặt chẽ để đảm đúng người, đúng tội ./.

                                                                                                        

  Trần Văn Hiển, Nguyễn Thị Tố Uyên

Viện KSND huyện Gia Lộc       

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây