Những kỳ vọng của Luật phòng, chống tác hại của Rượu, Bia.

Thứ ba - 31/12/2019 04:14

Những kỳ vọng của Luật phòng, chống tác hại của Rượu, Bia.

Theo thống kê của Cục y tế dự phòng, Bộ Y tế, Việt Nam là nước tiêu thụ rượu, bia cao nhất Đông Nam Á và thứ ba Châu Á, tỷ lệ thanh thiếu niên Việt Nam sử dụng đồ uống có cồn ngày một tăng cao, gây ra không những tổn thất về sức khỏe mà còn thiệt hại về kinh tế và những hệ lụy xã hội khác. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2019 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020 được kỳ vọng sẽ góp phần kéo giảm mức tiêu thụ, quản lý có hiệu quả việc cung cấp rượu, bia và góp phần giảm tác hại của rượu, bia đối với đời sống xã hội.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một Luật điều chỉnh đầy đủ và hoàn chỉnh đối với vấn đề phòng, chống tác hại của rượu, bia. Luật đã quy định cụ thể 13 trường hợp bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, đáng chú ý như: nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; cấm người dưới 18 tuổi uống rượu, bia. Luật không chỉ hướng tới người sử dụng mà cả các cơ sở kinh doanh rượu, bia cũng không được bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi hoặc sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia…


(Ảnh: Internet)

Để đảm bảo việc thực hiện các quy định đó, Luật cũng quy định trách nhiệm của gia đình, các cơ quan, tổ chức xã hội, cơ sở kinh doanh rượu, bia trong việc phòng, chống tác hại của rượu, bia. Theo đó, các gia đình có trách nhiệm giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia, các thành viên khác trong gia đình hạn chế uống rượu, bia; đồng thời, cần hướng dẫn các thành viên trong gia đình kỹ năng từ chối uống rượu, bia; kỹ năng nhận biết, ứng xử, xử trí khi gặp người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia và các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia. Cơ sở bán rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh.

Thực tế, việc kinh doanh rượu, bia đem lại việc làm, thu nhập và cả nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên việc lạm dụng và ép người khác uống rượu, bia; bán rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi và đặc biệt là lái xe sau khi đã uống rượu, bia là hành vi phải bị xử lý nghiêm khắc. Vì vậy Luật đã quy định cấm tuyệt đối việc điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở cồn, đồng thời sửa đổi quy định tại khoản 8 Điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008 cho phù hợp.


(Ảnh: Internet)

Theo thống kê của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia những năm gần đây, khoảng 40% tổng số vụ tai nạn giao thông xảy ra có liên quan đến rượu, bia. Thực tế thời gian qua liên tục xảy ra những vụ tai nạn giao thông thảm khốc do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia gây ra. Để hạn chế tình trạng trên, quy định cấm uống rượu, bia khi lái xe là hoàn toàn cần thiết. Để đảm bảo việc thực hiện quy định đó, Luật cũng quy định rõ: cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia. Người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông có trách nhiệm chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông. Cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra nồng độ cồn trong máu, hơi thở của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông hoặc gây ra tai nạn giao thông…

Những quy định trên của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia được kỳ vọng sẽ hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân liên quan đến việc sử dụng rượu, bia gây ra. Tuy nhiên, ngoài việc điều chỉnh của Luật thì nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của rượu, bia là vô cùng quan trọng. Vì vậy Luật cũng có những quy định cụ thể về hình thức và trách nhiệm thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia và nhiều quy định khác về quản lý chặt chẽ việc quảng cáo, khuyến mại rượu, bia; quản lý việc cung cấp rượu, bia.v..v…

Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia là một bước tiến của Việt Nam trong việc hạn chế tác hại do lạm dụng rượu bia gây ra. Tuy nhiên, Luật cũng điều chỉnh một vấn đề khó do liên quan đến hành vi và thói quen tiêu dùng của người dân. Hy vọng những quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu bia sẽ được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả trong thực tế, góp phần hạn chế tác hại do sử dụng rượu, bia gây ra đối với sức khỏe và sự phát triển của kinh tế, xã hội.

                                                                                                                  Cao Thị Thu Trang
VKSND Tp Chí Linh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây