Những lưu ý khi khởi tố điều tra, truy tố, xét xử đối với Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia
Thứ ba - 07/05/2024 20:46
Bàn về Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, theo quy định tại Điều 303 của Bộ luật hình sự năm 2015. Trong bài viết chúng tôi đi sâu nghiên cứu bất cập và kiến nghị hoàn thiện đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này hiện nay.
Theo quy định tại Điều 303 – Bộ luật hình sự năm 2015 về Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, như sau:
“1. Người nào phá hủy công trình, cơ sở hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin – liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học – kỹ thuật, văn hóa và xã hội, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 114 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm...”.
Để xử lý đối với loại tội phạm này thì chúng ta phải hiểu thế nào là công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia có những tiêu chí nào và trình tự, thủ tục thẩm định, thẩm quyền quyết định danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Pháp lệnh số 32/2007/PL-UBTVQH ngày 20/4/2007 bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Tại Điều 11 quy định: “Công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia phải có đủ các tiêu chí sau đây:
1. Công trình tập trung bí mật nhà nước hoặc là nơi lưu giữ, bảo quản hiện vật, tài liệu có giá trị đặc biệt quan trọng hoặc là nơi bảo quản vật liệu, chất đặc biệt nguy hiểm đối với con người, môi trường sinh thái hoặc là cơ sở vật chất đặc biệt quan trọng khác liên quan đến an ninh quốc gia.
2. Công trình đòi hỏi phải áp dụng công tác bảo vệ đặc biệt, tuyệt đối an toàn trong quá trình khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý và sử dụng.
Tại Điều 12 của Pháp lệnh, quy định:“Trình tự, thủ tục thẩm định và thẩm quyền quyết định danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
1. Căn cứ vào quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh này, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) lập danh mục công trình thuộc thẩm quyền quản lý của mình kèm theo hồ sơ đề nghị gửi cơ quan thẩm định quy định tại Điều 13 của Pháp lệnh này. Trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định, cơ quan thẩm định tiến hành thẩm định và trình Chính phủ quyết định.
2. Trong trường hợp cần sửa đổi, bổ sung danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh gửi đề nghị thẩm định kèm theo hồ sơ đến cơ quan thẩm định quy định tại Điều 13 của Pháp lệnh này. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định sửa đổi, bổ sung danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, cơ quan thẩm định tiến hành thẩm định và trình Chính phủ quyết định.
3. Hồ sơ đề nghị thẩm định công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia gồm tờ trình và các văn bản, tài liệu có liên quan đến công trình; yêu cầu bảo đảm về an ninh, an toàn cho công trình và những tài liệu khác chứng minh công trình phải áp dụng công tác bảo vệ đặc biệt, tuyệt đối an toàn trong quá trình khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh này.
4. Chính phủ quyết định danh mục công trình và quy định hành lang bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia theo đề nghị của Hội đồng thẩm định”.
Với quy định trên chúng tôi thấy rằng: Để khởi tố, truy tố, xét xử với tội danh trên đúng quy định của pháp luật, không bỏ lọt người phạm tội, không làm oan người vô tội, cần: Kiểm sát viên được phân công phải chủ động yêu cầu Điều tra viên thu thập những tiêu chí và trình tự, thủ tục thẩm định và thẩm quyền quyết định danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia được quy định tại Pháp lệnh số 32/2007/PL-UBTVQH ngày 20/4/2007 và Nghị định số 126/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ quy định tại Điều 7 về tiêu chí xác định xác định công trình thuộc danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và tại Điều 9 quy định về lập hồ sơ đề nghị đưa công trình vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Trong quá trình thu thập những tài liệu trên cũng cần lưu ý Công trình bị tội phạm xâm hại là công trình gì? có trong danh mục được cơ quan nhà nước phê duyệt hay không? Công trình đó đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra khỏi danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia chưa?. Hồ sơ đề nghị đưa công trình ra khỏi danh mục quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, bao gồm những tài liệu gì? Có đúng quy định tại khoản 2 Điều 13 của Nghị định số 126/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ hay không...
Tuy nhiên, trong thực tế kiểm sát các hồ sơ án hình sự đang tạm đình chỉ điều tra từ những năm 1985 đến nay, cho thấy: Các vụ án hình sự được khởi tố theo tội danh Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia đều không có bị can hoặc sau này phát hiện ra bị can; hành vi cắt, lấy trộm đường dây tải điện trạm bơm nước, thông tin liên lạc và dây truyền thanh của đài truyền thanh...nhưng những công trình này chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Tội phạm đó nay xác định là tội trộm cắp tài sản hoặc tội hủy hoại tài sản có khung hình phạt thấp hơn. Nay thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với loại tội phạm trên đã hết thì được xử lý như thế nào? Nếu đình chỉ điều tra vụ án hình sự theo quy định của BLHS năm 2015 thì tội danh đã bị khởi tố không còn là tội Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; việc đình chỉ điều tra theo tội danh nào? Việc ghi tội danh trong quyết định đình chỉ vụ án như thế nào? Đây là vướng mắc, khó khăn đang gặp phải cần có hướng dẫn của liên ngành cấp trên.
Đề xuất: Liên ngành trung ương cần có sự thống nhất hướng dẫn theo hướng đối với những vụ án hình sự đang tạm đình chỉ điều tra về tội Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia nhưng các công trình bị xâm hại đó không có trong danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia mà trong hồ sơ vụ án có hành vi của tội phạm khác, tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội tội Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia hay theo tội phạm trộm cắp tài sản hoặc hủy hoại tài sản. Đến nay hết thời hiệu truy cứu TNHS theo tội Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia thì đình chỉ điều tra về tội Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia hay theo tội danh tương ứng theo quy định của BLHS năm 2015.
Nguyễn Quang Đại, Viện KSND huyện Ninh Giang