Những lưu ý khi kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị và Quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù

Thứ ba - 05/07/2022 03:31
Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện; Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo mà cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo

Trong thực tế nhiều trường hợp người được hưởng án treo bỏ đi khỏi nơi cư trú, nơi được giao giám sát giáo dục mà không xin phép cơ quan có thẩm quyền,  chính quyền địa phương không biết đi đâu, UBND xã, Cơ quan thi hành án hình sự đã xác minh  tại gia đình nhưng gia đình không biết đi đâu, không  liên lạc được. Cơ quan có thẩm quyền đã lập biên bản vi phạm nghĩa vụ, có văn bản nhắc nhở gửi đến gia đình và triệu tập nhiều lần nhưng người này vẫn không có mặt , không thực hiện các nghĩa vụ  thi hành án đối với người được hưởng án treo theo quy định. Đủ căn cứ xác định trong thời gian thử thách của án treo người được hưởng án treo đã vi phạm nghĩa vụ nhiều lần như: không chịu sự giám sát của địa phương, bỏ đi đâu không xin phép, không  có mặt tại địa phương khi triệu tập, yêu cầu; hằng tháng  (trên 02 lần)  không nộp bản  báo cáo về chấp hành nghĩa vụ; ; UBND xã không quản lý, giám sát được, vi phạm quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 Điều 87 Luật Thi hành án hình sự thì Cơ quan Thi hành  án hình sự có có đủ căn cứ để lập hồ sơ đề nghị và Tòa án quyết định "Quyết định giải quyết đề nghị buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo" hay không là một vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau do người được hưởng án treo không có mặt nên việc lập biên bản vi phạm hay họp kiểm điểm, thông báo nhắc nhở đối với với người này đều thực hiện mà không có mặt người được hưởng án treo, nên trong quá trình thực hiện theo Điều 91, 93 Luật thi hành án và TT số 65 / 2019 có khó khăn (do quy định việc lập biên bản vi phạm hay  kiểm điểm, người được án treo có mặt thực hiện kiểm điểm trong cuộc họp...).

Theo thực tế đã xử lý , khi người được hưởng án treo bỏ đi khỏi địa phương không xin phép, chính quyền địa phương, gia đình không biết đi đâu, không liên lạc được, tài liệu thu thập có đủ cơ sở  xác định Người được hưởng án treo đã cố ý vi phạm nghĩa vụ của người được hưởng án treo theo Luật thi hành án hình sự  02 lần trở lên, thì  Căn cứ Điều 65 BLHS, Điều 87, 91, 92, 93 Luật thi hành án hình sự; các Điều 8,9 Nghị quyết số 02/2018 ngày 15/5/2018 Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 65 BLHS về án treo và  Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP ngày 16/4/2022 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị Quyết số 02/2018; thông tư số 65/2019 về thi hành án hình sự tại cộng đồng , thì Tòa án nhân dân  quyết định Buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt là có căn cứ, đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, quá trình kiểm sát việc lập hồ sơ quản lý giáo dục người được hưởng án treo của Cơ quan thi hành án hình sự và UBND xã cần yêu cầu  đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ. Lưu  ý những nội dung như sau :

Thứ nhất:  Cơ quan thi hành án hình sự sau khi nhận bản án, quyết định thi hành án thì phải  phân công cán bộ theo dõi và thông báo triệu tập người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và đề nghị Ủy ban nhân dân cử đại diện tham gia buổi làm việc, chủ trì buổi làm việc với người được hưởng án treo (Điều 87 LTHS và TT 65). Đồng thời,  Bản cam kết của người chấp hành án với Cơ quan thi hành án hình sự  phải đầy đủ cụ thể không chung chung; phải có nội dung cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo Điều 87 Luật thi hành án hình sự và Điều 92 Luật thi hành án hình sự (trong đó có nội dung có mặt theo giấy triệu tập, theo yêu cầu của UBND và vắng mặt phải xin phép.);

Tuy nhiên trong thực tế có trường hợp CQTHA hình sự không chủ trì buổi làm việc  mà Chủ tịch UBND xã chủ trì là không đúng quy định tại Điều 7 TT số 65 /2019 về thi hành án hình sự tại cộng đồng; và bản cam kết chung chung không cụ thể nội dung.

Tại TTsố 65 /2019 về thi hành án hình sự tại cộng đồng

Điều 7. Thực hiện triệu tập người chấp hành án để làm thủ tục thi hành án và cam kết chấp hành án

1. Việc triệu tập người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, người được hoãn chấp hành án phạt tù thực hiện như sau:

a) Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện triệu tập người chấp hành án đến trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã để làm thủ tục thi hành án và cam kết việc chấp hành án, chấp hành pháp luật theo đúng thời hạn quy định của Luật Thi hành án hình sự....

b)

c) Thành phần buổi làm việc với người chấp hành án gồm: Cán bộ cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện (chủ trì), đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Công an cấp xã, người đại diện của người chấp hành án trong trường hợp người chấp hành án là người dưới 18 tuổi.

d) Nội dung buổi làm việc và cam kết chấp hành án thực hiện như sau:

Thứ hai:  Sau khi lập biên bản vi phạm UBND xã ra thông báo nhắc nhở bằng văn bản đảm bảo đúng tình tự thủ tục và đảm bảo thời gian thực hiện. Như  sau khi ra thông báo nhắc nhở gửi đến gia đình  người chấp hành án  một thời gian nhất định  (1 tuần, 10 ngày) thì UBND tiến hành họp kiểm điểm đối với người được hưởng án treo. Tuy nhiên có trưởng hợp cùng ngày ra thông báo nhắc nhở đã  tiến hành họp kiểm điểm đối với người được hưởng án treo là chưa đúng với quy định tại khoản 1 Điều 91 Luật thi hành án hình sự

Khoản 1 Điều 91 LTHAHS quy định:

Điều 91. Việc kiểm điểm người được hưởng án treo

1. Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục tổ chức kiểm điểm:

a) Vi phạm nghĩa vụ quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 87 của Luật này và đã bị nhắc nhở bằng văn bản về việc vi phạm mà tiếp tục vi phạm;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

Thứ ba: Người được hưởng án treo không có mặt tại địa phương nên các biên bản họp kiểm điểm đều không có mặt người được hưởng án treo và người đó không đọc bản kiểm điểm theo đúng trình tự theo quy định tại Thông tư 65/2019. UBND xã cần tiến hành lập biên bản kiểm điểm đúng thành phần quy định khoản 2 Điều 93 và Điều 91 Luật thi hành án hình sự. Tuy nhiên, sau khi kiểm điểm cẩn phải ra thông báo kết quả kiểm điểm bằng văn bản cho người chấp hành án và người thân người đó (gửi đến gia đình người đó) như vậy mới đảm bảo chặt chẽ (vấn đề này Luật không quy định cụ thể, nhưng cần thiết phải thực hiện)

Thứ tư: Cần chú ý khi  Kiểm sát "Quyết định giải quyết đề nghị buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo" của Tòa án

Tại Nghị quyết số 02/2018 ngày 15/5/2018 Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 65 BLHS về án treo quy định:

"7. Quyết định giải quyết đề nghị buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo có thể bị kháng cáo, kháng nghị. Việc phúc thẩm quyết định giải quyết đề nghị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo được thực hiện theo thủ tục phúc thẩm quyết định theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quyết định giải quyết kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định giải quyết đề nghị buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo thực hiện theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị quyết này.

8. Quyết định giải quyết đề nghị buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm mà không có kháng cáo hoặc kháng nghị"

Với quy định này thì " quyết định giải quyết đề nghị buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo" của Tòa án có thể bị kháng cáo và có hiệu lực khi  hết thời hạn mà không có kháng cáo ( ngoài  kháng nghị).

Tuy nhiên , Tại mẫu số  02-HS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao)  mầu      " QUYẾT ĐỊNH Giải quyết đề nghị buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo" có nội dung  "Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định trong trường hợp không có kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm"

Tức mẫu số 03 Ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP chỉ xác định Quyết định  có hiệu lực khi không có kháng nghị mà không nhắc gì đến nội dung về kháng cáo  là  thiếu ( mẫu không phù hợp với nội dung của Nghị quyết) ảnh hưởng đến quyền nghĩa vụ của người được hưởng án treo ( mẫu thiếu).

Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP ngày 16/4/2022 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị Quyết số 02/2018  có sửa đổi bổ sung  Điều 10 Nghị quyết 02 /2018 đã hướng dẫn rõ hơn về Trường hợp người được hưởng án treo bị buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo do cố ý vi phạm nghĩa vụ

Đồng thời Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP quy định:

"Điều 2. Bãi bỏ điều, biểu mẫu ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo

1. Bãi bỏ Điều 9.

2. Bãi bỏ Mẫu số 01-HS ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo."

Như vậy,  Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP  chỉ bãi bỏ biểu mẫu số 02:"Giải quyết đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treocòn biểu mẫu số 03 có sai sót nêu trên không bãi bỏ tức vẫn giữ nguyên.

Vì vậy trong thực tế dễ dẫn đến việc Tòa án ra quyết định Giải quyết đề nghị buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo mà chỉ xác định có hiệu lực khi không có kháng nghị mà không nhắc gì đến nội dung về kháng cáo  cũng như có hiệu lực khi hết  thời hạn mà không có kháng cáo  là vi phạm làm ảnh hưởng đến quyền kháng cáo của người bị buộc chấp hành hình phạt tù.

Trên đây xin trao đổi về một số vấn đề lưu ý khi  kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị của Cơ quan thi hành án hình sự và họp xét ra Quyết định Giải quyết đề nghị buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo  của Tòa án ,  để kịp thời phát hiện vi phạm , sai sót để có biện pháp (Kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu)  khắc phục kịp thời, đảm bảo việc Quyết định cuối cùng của Tòa án có căn cứ đúng pháp luật ./.

                                                                 Phạm Thị Yến
Phòng 8 VKSND tỉnh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây