- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Hiện nay có rất nhiều vụ án hình sự liên quan đến người thân trong gia đình, người thực hiện hành vi phạm tội lại chính là người thân thích, ruột thịt trong gia đình, là bố mẹ, con cái, anh chị em. Tuy nhiên có vụ việc định tội danh còn có nhiều quan điểm khác nhau, cụ thể tình huống như sau:
Vũ Thị Th, sinh năm 1993 chưa đăng ký kết hôn nhưng sinh được cháu Vũ Ngọc C, sinh ngày 25/9/2015 và đang có thai 06 tháng tuổi. Th cùng với cháu C trọ tại thôn Qúy Dương, xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng từ cuối năm 2020. Qúa trình sinh sống Th thường xuyên mắng chửi, tát vào mặt con, cho con nằm ngủ dưới nền nhà, có chăn, chiếu. Ngày 18/2/2021, do cháu C đi vệ sinh ra quần nên Th dùng hai tay đấm vào 02 mắt, vùng mặt cháu C làm mắt cháu bị bầm tím xung quanh. Ngày 20/2/2021 và ngày 4/3/2021, Th tiếp tục dùng gậy tre bằng gỗ vụt vào lưng, sườn, chân, tay cháu C. Cháu phải đi điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương.
* Kết luận giám định pháp y về thương tích, kết luận thương tích của cháu Vũ Ngọc C: Chấn thương gây gãy xương chính mũi, đã điều trị nội khoa, Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là: 7%.
Chấn thương phần mềm gây bầm tím, bong tróc da vùng hai mắt, má trái, cằm trái, cẳng tay phải, cẳng tay trái. Không xác định được tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây ra với các tổn thương này (không phần trăm). Các tổn thương trên có đặc điểm do vật tày gây ra, cháu C bị người khác dùng tay, gậy tre đánh gây ra các tổn thương trên là phù hợp.
(hình ảnh minh họa)
Để xác định Th có hành vi phạm tội Cố ý gây thương tích hay tội Ngược đãi hoặc Hành hạ con thì hiện nay có 02 quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất: Hành vi của Th có dấu hiệu tội Cố ý gây thương tích, theo điểm c khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự (đối với người dưới 16). Bởi lẽ: Căn cứ mục 7.2 mục 7 Thông tư liên tịch số 01 ngày 25/9/2001 của BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC quy định: Chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: … làm cho người bị ngược đãi, hành hạ … bị thương tích, tổn hại đến sức khỏe. Hậu quả thương tích hay tổn hại đến sức khỏe là do lỗi vô ý…Trong trường hợp thương tích, tổn hại sức khoẻ … do lỗi cố ý, thì tuỳ trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khoản tương ứng của Điều 104 BLHS về tội cố ý gây thương tích …;
Như vậy Th có hành vi dùng tay đấm vào vùng mắt cháu C, làm cháu C bị tổn thương cơ thể là 7%, Th thực hiện với lỗi cố ý, cháu C dưới 16 tuổi nên khởi tố đối với Th về tội Cố ý gây thương tích là phù hợp. Còn đối với hành vi Th dùng gậy gỗ vụt vào người cháu nhưng không xác định được tỷ lệ thương tích nên không xem xét giải quyết.
Quan điểm thứ hai: Hành vi của Th phạm hai tội: Tội Cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 134 BLHS và tội Ngược đãi hoặc hành hạ con, theo điểm a khoản 2 Điều 185 BLHS (đối với người dưới 16 tuổi). Bởi lẽ:
Theo quy định tại điểm 7.1. Hành vi ngược đãi, hành hạ thông thường được hiểu là việc đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở và về các mặt sinh hoạt hàng ngày khác đối với người thân như: nhiếc móc, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách một cách không bình thường hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể người bị hại như: đánh đập, giam hãm,... làm cho người bị hại bị đau đớn về thể xác và tinh thần.
- Thứ nhất: Quá trình cháu C sinh sống với Th thì Th thường xuyên mắng chửi, đánh cháu C. Cụ thể ngày 20/2/2021 và ngày 4/3/2021, Th dùng gậy gỗ vụt nhiều nhát vào lưng, vai, sườn cháu. Th để cháu C phải ngủ dưới đất. Th đã thực hiện liên tiếp các hành vi đánh đập cháu, làm cháu bị đau đớn về thể xác và tinh thần. Việc Th dùng gậy gỗ đánh cháu thì không xác định được tỷ lệ thương tích. Như vậy, chỉ cần có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể của bị hại mà không cần phải có tỷ lệ thương tích thì hành vi này đã đủ yếu tố cấu thành tội Ngược đãi hoặc hành hạ con.
- Thứ hai: Ngoài hành vi đánh đập cháu C như phân tích ở trên thì ngày 18/2/2021, Th còn dùng tay đấm nhiều nhát vào vùng mắt cháu, làm cháu bị tổn thương cơ thể là 7%. Hành vi này của Th đã đủ yếu tố cấu thành tội Cố ý gây thương tích như phân tích ở quan điểm thứ nhất.
Hành vi của Th xảy ra tại các thời điểm khác nhau, đã đầy đủ yếu tố cấu thành 02 tội phạm độc lập thì phải khởi tố Th 02 tội danh như đã phân tích.
Quan điểm thứ 3: Hành vi của Th phạm một tội: Ngược đãi hoặc hành hạ con, theo điểm a khoản 2 Điều 185 BLHS (đối với người dưới 16 tuổi). Bởi lẽ Th có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể người bị hại như: đánh đập... làm cho người bị hại bị đau đớn về thể xác và tinh thần là cấu thành tội : Ngược đãi hoặc hành hạ con. hậu quả làm cháu bị tổn thương cơ thể là 7% là một trong những hậu quả của tội phạm này, nên chỉ cấu thành 1 tội Ngược đãi hoặc hành hạ con.
Theo quan điểm của tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất: Bởi vì mặc dù Th có chuỗi hành vi liên tiếp đánh đập cháu C, trong đó hành vi ngày 18/2/2021 làm cháu C bị thương tích 7%. Hành vi này đã đủ yếu tố cấu thành tội Cố ý gây thương tích. Còn đối với các hành vi Th dùng gậy gỗ đánh cháu C, không xác định được tỷ lệ thương tích thì áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo không nên tách riêng từng hành vi để khởi tố Th về tội Ngược đãi hoặc hành hạ con mà thu hút về tội Cố ý gây thương tích.
Vậy xin đưa ra nghiên cứu trao đổi, bàn luận để có đánh giá toàn diện đảm bảo xử lý đúng tội, phù hợp với hành vi và quy định của pháp luật.
Đỗ Thị Xoa VKSND huyện Cẩm Giàng |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.