Phạm tội “Đánh bạc” hay “Tổ chức đánh bạc”

Thứ năm - 30/09/2021 05:04

Phạm tội “Đánh bạc” hay “Tổ chức đánh bạc”

Hành vi “Đánh bạc” và “Tổ chức đánh bạc” là loại tệ nạn xã hội khá phổ biến, diễn ra ở hầu hết các địa phương, với nhiều hình thức chơi và mức độ sát phạt khác nhau. Tuy nhiên, thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này còn có nhiều quan điểm trong việc xác định tội danh dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, cụ thể như tình huống dưới đây.

Hình ảnh mang tính chất minh họa

Do có quan hệ bạn bè, Nguyễn Văn A sử dụng nhà ở của mình cho 09 đối tượng đánh bạc, sát phạt nhau bằng tiền dưới hình thức đánh “Liêng’’. Hình thức đánh bạc, công cụ phương tiện dùng để đánh bạc là bộ bài tú lơ khơ do 09 đối tượng thống nhất và chuẩn bị. Quá trình các đối tượng đánh bạc, có Trần Văn X và A ngồi xem. A không được hưởng lợi gì từ việc các đối tượng đánh bạc. Các đối tượng đánh bạc được khoảng 90 phút, thì Nguyễn Văn B (là một trong 9 người chơi), đi ra ngoài nghe điện thoại nên nhờ X cầm bài và tiền của B đánh bạc hộ, X đồng ý. Khi X chơi hộ B được khoảng 08 ván, thì bị lực lượng công an phát hiện, bắt quả tang. Thu giữ số tiền các đối tượng sử dụng để đánh bạc là 12.000.000đ và bộ bài tú lơ khơ 52 quân bài.

Trong vụ án này, có hai quan điểm khác nhau trong việc xác định tội danh đối với Nguyễn Văn A, như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hành vi của Nguyễn Văn A cấu thành tội “Tổ chức đánh bạc’’, theo điểm b khoản 1 Điều 322 BLHS, bởi lẽ:

Nguyễn Văn A là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, sử dụng chỗ ở của mình cho các đối tượng đánh bạc, sát phạt nhau bằng tiền. A không hạn chế việc cho bao nhiêu người chơi, các đối tượng chơi có thể ra vào tùy ý. Trong vụ án này, 10 đối tượng bị khởi tố bị can về tội “Đánh bạc’’ (trong đó có 09 người chơi ban đầu và Trần Văn X), cùng chơi trong khoảng thời gian từ khi chơi đến khi bị bắt (việc đánh bạc diễn ra liên tục). Chính vì vậy, theo điểm b khoản 1 Điều 322 BLHS, quy định:

“1. Người nào tổ chức đánh bạc ... trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây ...

b. Sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đ trở lên ...’’

Do đó, phải khởi tố Nguyễn Văn A, về tội “Tổ chức đánh bạc’’ theo điểm b khoản 1 Điều 322 BLHS.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Hành vi của Nguyễn Văn A cấu thành tội “Đánh bạc’’theo khoản 1 Điều 321 BLHS, bởi lẽ:

- Thứ nhất, Nguyễn Văn A sử dụng chỗ ở của mình cho các đối tượng đánh bạc, A không hưởng lợi cũng như không chuẩn bị công cụ, phương tiện cho các đối tượng đánh bạc. Theo điểm b khoản 1 Điều 322 BLHS  nêu rõ: " 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc". Mặc dù có 10 bị can bị khởi tố về tội “Đánh bạc’’, nhưng trên chiếu bạc không có đủ 10 người chơi “trong cùng một lúc’’, chỉ duy trì 09 người chơi (khi B ra thì X sử dụng bài và tiền của B vào chơi thay).

- Thứ hai, theo hướng dẫn của Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, tại khoản 2 Điều 2, quy định: 2. Người tổ chức đánh bạc …thuộc trường hợp chưa đến mức được hướng dẫn tại các điểm a (tổ chức đánh bạc … trong cùng một lúc cho từ mười người đánh bạc trở lên), b và c khoản 1 Điều này, nếu tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì tuy họ không phải chịu trách nhiệm hình sự về “tội tổ chức đánh bạc” nhưng họ phải chịu trách nhiệm hình sự về đồng phạm tội đánh bạc.

Do đó, phải khởi tố Nguyễn Văn A, về tội “Đánh bạc’’theo khoản 1 Điều 321 BLHS.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai. Bởi lẽ, dấu hiệu “sử dụng địa điểm thuộc quyền quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc’’, là dấu hiệu bắt buộc khi khởi tố bị can theo điểm b khoản 1 Điều 322 BLHS. Trong trường hợp này, không có căn cứ xác định 09 đối tượng đánh bạc từ đầu và Trần Văn X, tham gia đánh bạc trong “cùng một lúc’’ (B ra ngoài nghe điện thoại thì X vào chơi thay). Trong suốt quá trình đánh bạc duy trì 09 người ngồi tại vị trí đánh bạc với nhau. X tham gia đánh bạc không làm cho “quy mô’’ đánh bạc lớn hơn, mà X tham gia với vai trò đồng phạm giúp sức cho B trong quá trình B chơi đánh bạc. Chính vì vậy, căn cứ vào khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, có căn cứ xác định Nguyễn Văn A, phạm tội “Đánh bạc’’theo khoản 1 Điều 321 BLHS.

Thông qua công tác thực tế, tác giả nghiên cứu và đưa ra một số khó khăn, vướng mắc trong việc xác định tội danh “Đánh bạc’’ theo khoản 1 Điều 321 BLHS và tội “Tổ chức đánh bạc’’ theo điểm b khoản 1 Điều 322 BLHS.

 Rất mong được trao đổi và nhận được phản hồi từ các đồng nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức cũng như chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự./.

                                                                                  Phạm Thị Huyên
VKSND huyện Cẩm Giàng

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây