Phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay tội Cướp giật tài sả

Thứ tư - 01/12/2021 22:23

Phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay tội Cướp giật tài sả

Quá trình điều tra các vụ án hình sự nhận thấy các hành vi phạm tội trên thực tiễn diễn ra ngày càng đa dạng, phức tạp, có cả dấu hiệu đặc trưng của tội phạm này và cũng có cả dấu hiệu đặc trưng của tội phạm khác như trường hợp tương tự như vụ án sau đây. 

Nội dung vụ án: Do không có công việc làm ổn định nên Đỗ Văn H, rủ Trần Bá Q và Mạc Văn V lên mạng Facebook tìm người bán điện thoại di động để giả vờ hỏi mua sau đó tìm cách chiếm đoạt điện thoại của người bán. Q và V đồng ý. Sau khi tìm được người bán điện thoại di động, H nói với V và Q “bây giờ đến khu vực gầm cầu A, thành phố D để gặp người bán điện thoại, sau đó lợi dụng sơ hở của người bán để chiếm đoạt điện thoại iPhone 8 Plus”. H phân công Q điều khiển xe máy đến vị trí dừng ở gần đó chờ còn H chở V đến gặp người bán điện thoại giả vờ hỏi mua và xem điện thoại sau đó H sẽ đi trước còn V ở lại, chờ lúc người bán điện thoại không để ý thì cầm điện thoại đi xuống đường để Q điều khiển xe máy đến chở đi. Cả bọn đồng ý. Khoảng 9 giờ 00 phút ngày 18/9/2021, tại gầm cầu A, phường B, thành phố D, H và V gặp anh Bùi Bá T. Tại đây, anh T đưa cho H và V xem 01 điện thoại iPhone 8 Plus, màu đen. Đúng theo kế hoạch đã bàn bạc trước đó, sau khi xem điện thoại H đưa cho V xem và bảo đi trước để lấy tiền. V ở lại xem rồi cầm điện thoại giả vờ đi vệ sinh. Lúc này anh T ngồi quay mặt ra ngoài đường nghịch điện thoại, cách vị trí của V đứng khoảng 10m. Khi anh Tquay đầu lại nhìn thì thấy V đang ngồi sau xe máy do Q điều khiển cách anh T khoảng 24m. Lúc này anh T dùng xe máy đuổi theo nhưng không đuổi kịp.

Qua vụ việc nêu trên, đối với hành vi chiếm đoạt điện thoại di động của H, V và Q đã tồn tại 02 quan điểm xác định tội danh khác nhau:

* Quan điểm thứ nhất cho rằng: H, V và Q phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với lập luận như sau: H, V và Q muốn chiếm đoạt tài sản của anh T nên dùng thủ đoạn gian dối giả vờ hỏi mua điện thoại của anh T sau đó giả vờ muốn đi vệ sinh mục đích đánh lạc hướng của anh T để tìm cách chiếm đoạt điện thoại. Khi anh T đưa điện thoại cho V xem là đồng ý trao quyền tài sản cho V, khoảng cách từ khi anh T phát hiện ra V ngồi sau xe Q là 24m- nằm ngoài tầm kiểm soát về tài sản của anh anh T.Thủ đoạn gian dối của H, V và Q được thể hiện bằng chuỗi hành vi nêu trên và thông qua những thủ đoạn gian dối này đã chiếm đoạt tài sản của người bị hại nên hành vi phạm tội của H, V và Q đã cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174BLHS năm 2015.

* Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của tác giả) cho rằng: H, V và Q phạm tội “Cướp giật tài sản”, với lập luận như sau: Xét về hành vi: H, V và Q bàn bạc trước với nhau dùng thủ đoạn gian dối là giả vờ mua điện thoại để tiếp cận người bán điện thoại là anh T. H phân công Q đứng chờ đến khi nào V chiếm đoạt được điện thoại sẽ chở V tẩu thoát. H và V gặp anh T để trao đổi về việc mua điện thoại, tạo sự tin tưởng từ anh T để anh T đưa điện thoại cho H và V xem. Sau đó H giả vờ đi có việc còn V ở lại cầm xem điện thoại rồi trực chờ anh T sơ hở để nhanh chóng tới chỗ Q cùng tẩu thoát. Quá trình xem điện thoại, anh T luôn theo dõi hành vi của V nên V tìm mọi cách tạo ra tình huống đi vệ sinh nhằm mục đích cho anh T không chú ý đến mình và điện thoại để khi có cơ hội là nhanh chóng chiếm đoạt tài sản rồi tẩu thoát. Hành vi của V được thực hiện một các công khai và bất ngờ đối với người đang quản lý tài sản là anh T khiến anh T không có khả năng giữ được tài sản. Hành vi chiếm đoạt tài sản của V được thực hiện một cách công khai và anh T biết ngay khi hành vi chiếm đoạt xảy ra. Ý thức công khai của V khi thực hiện hành vi chiếm đoạt điện thoại được thể hiện là V biết hành vi chiếm đoạt của mình có tính chất công khai và hoàn toàn không có ý định che giấu hành vi đó. Dấu hiệu “nhanh chóng” ở đây phản ánh thủ đoạn thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của V. Đó là thủ đoạn lợi dụng sự sơ hở của anh T để nhanh chóng chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng tẩu thoát. Với thủ đoạn nhanh chóng chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng tẩu thoát như vậy, V mong muốn anh B không có điều kiện để phản ứng kịp thời và ngăn cản việc chiếm đoạt.

Mặc dù ý thức chiếm đoạt tài sản và thủ đoạn gian dối của H, Q và V có trước và thủ đoạn gian dối của V làm cho anh T tin tưởng là sự thật, rồi sau đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, trong chuỗi các hành vi gian dối của V, mặc dù anh T tin tưởng là sự thật, để cho Vcầm điện thoại của mìnhđi tìm chỗ đi vệ sinh, nhưng thông qua các hành vi gian dối đó thì anh T vẫn chưa chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho T, anh T vẫn đang quản lý tài sản và giám sát các hành động của V (anh T vẫn biết chỗ V đứng để đi vệ sinh là cách mình 10m). Khi V lấy cớ đi vệ sinh để tạo cơ hội trốn thoát thì anh T luôn cho rằng tài sản vẫn chưa thoát ly khỏi sự quản lý, kiểm soát của anh Tnên anh mới lơ là cảnh giác với V. Do đó, khi anh T phát hiện V đang cầm tài sản của mình ngồi lên xe máy do Q điều khiển thì đã vội vàng đuổi theo Q và V nhưng không được.Do đó, hành vi của V không cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, vì ý thức và thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản tuy có trước và anh T tin là sự thật, nhưng anh T vẫn chưa chuyển giao tài sản cho V. Các hành vi gian dối của H, Q, V đều nhằm mục đích là để tiếp cận được tài sản của người bị hại và để tạo ra cơ hội thuận lợi, dễ dàng cho việc thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản một cách nhanh chóng. Vì vậy, hành vi của H, Q, Vđã thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội “Cướp giật tài sản” được quy định tại Điều 171BLHS năm 2015.

 

Hình ảnh minh họa hành vi Cướp giật tài sản

Về mặt khách quan, đối với vụ việc nêu trên thì hành vi của người chiếm đoạt tài sản vừa có dấu hiệu đặc trưng của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và vừa có dấu hiệu đặc trưng của tội “Cướp giật tài sản”.

Dấu hiệu đặc trưng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt. Hành vi gian dối là hành vi cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm để người khác tin đó là sự thật nên đã tự nguyện giao tài sản cho người có hành vi gian dối để họ chiếm đoạt. Trong đó, hành vi gian dối là điều kiện và thủ đoạn thực hiện hành vi chiếm đoạt, còn hành vi chiếm đoạt là mục đích và kết quả của hành vi gian dối. Theo đó, về thời gian thực hiện tội phạm thì hành vi gian dối diễn ra trước thời điểm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Tội phạm chỉ coi là hoàn thành khi hành vi chiếm đoạt đã xảy ra.

Dấu hiệu đặc trưng của tội cướp giật tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách công khai, nhanh chóng. Trong đó, chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm hữu (nắm giữ, quản lý) trái phép tài sản của người khác để tạo cho mình khả năng định đoạt tài sản đó. Tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong điều luật. Giá trị tài sản bị chiếm đoạt không ảnh hưởng tới việc định tội đối với hành vi cướp giật tài sản.

Thiết nghĩ, các hành vi phạm tội trên thực tiễn diễn ra ngày càng đa dạng, phức tạp, có cả dấu hiệu đặc trưng của tội phạm này và cũng có cả dấu hiệu đặc trưng của tội phạm khác và trường hợp tương tự như vụ án nêu trên, dẫn đến việc các xác định tội danh khác nhau là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, tác giả xin đưa ra nghiên cứu trao đổi, bàn luận, rất mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi từ các bạn đọc và đồng nghiệp./.

                                                                                      Nguyễn Thị Thúy
VKSND Tp. Hải Dương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây