- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Nguyễn Văn A (chưa có tiền án, tiền sự), sinh năm 1983, ở xã B, huyện C, tỉnh D, là người biết nghề kim hoàn (làm vàng), khoảng đầu tháng 7/2021, A lấy 10 chỉ vàng đánh mỏng cuộn thành ống rỗng giữa và mua thêm 10 chỉ bạc tán mỏng rồi luồn vào giữa sau đó hàn lại thành một chiếc vòng vàng có trọng lượng 73,5 gam, trên khoá chiếc lắc A đánh số 9999 và chữ Lộc. Ngày 20/7/2021, A mang chiếc vòng này cùng hai tờ giấy bảo đảm tuổi vàng đến địa bàn huyện G, tỉnh Hải Dương với mục đích bán lấy tiền tiêu sài cá nhân. Khoảng 11h cùng ngày, A vào cửa hàng mua bán vàng bạc Thiên Trường gặp anh Phạm Quang Kh hỏi giá vàng và gạ bán chiếc vòng vàng. Anh Kh kiểm tra thấy ở khóa chiếc vòng có in 9999 nên đã tin tưởng và đồng ý mua với giá 59.985.000đ. Sau khi A ra khỏi quán anh Kh thấy nghi ngờ nên đã lấy kéo cắt lõi ra thấy bên trong chiếc vòng có màu trắng bạc, anh Kh đã trình báo và vụ việc được điều tra làm rõ. Quá trình điều tra A tự nguyện bồi thường anh Kh số tiền 59.985.000đ.
Tại bản kết luận giám định ngày 27/8/2021 của Viện khoa học hình sự Bộ công an xác định cục kim loại màu trắng ánh vàng có khối lượng 73,6 gam trong đó 49,3% khối lượng là vàng, 50,3% khối lượng là bạc.
Bản kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện G kết luận: 49,3% khối lượng vàng, 50,3% khối lượng bạc trong chiếc vòng (02 cây) trị giá: 30.765.000đ. ( Trong đó: Trị giá vàng là 30.025.000đ, trị giá bạc là 740.000đ)
Quá trình giải quyết còn có 2 quan điểm đều đồng nhất A phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng khác nhau về xác định theo khung hình phạt và vấn đề xử lý vật chứng như sau:
1. Về tội danh, Có đủ cơ sở xác định A phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên có 02 quan điểm khác nhau về khung hình phạt đối với A, đó là A bị truy cứu TNHS đối với hành vi chiếm đoạt 59.985.000đ (Khoản 2) hay chỉ chịu TNHS đối với hành vi chiếm đoạt chiếc vòng trị giá là 29.220.000đ (Khoản 1)?
* Quan điểm thứ nhất: Hành vi của A đủ yếu tố cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại khoản 1 Điều 174 BLHS, bởi: A đã có hành vi gian dối bằng thủ đoạn bỏ tiền ra mua 10 chỉ vàng, 10 chỉ bạc để đánh thành 01 chiếc vòng bên ngoài là vàng, bên trong là bạc. Khi mang đến bán cho anh Kh thì A nói đây là chiếc vòng bằng vàng 02 cây, anh Kh quan sát bằng mắt thường không phát hiện ra trong lõi là bạc nên đã tin tưởng A và đã mua chiếc vòng này với số tiền là 59.985.000đ. Hành vi của A được thực hiện với lỗi cố ý, nhằm chiếm đoạt tài sản của anh Kh. Tội phạm hoàn thành khi anh Kh mua chiếc vòng vàng và trả cho A số tiền 59.985.000đ. Trong trường hợp này, mặc dù ngoài ý muốn của anh Kh nhưng anh Kh chỉ bị A chiếm đoạt số tiền thực tế là 29.220.000đ, số vàng và số bạc của A bỏ ra anh Kh nhận được vẫn có giá trị, do đó, hành vi của A chỉ phạm vào khoản 1 Điều 174BLHS.
* Quan điểm thứ hai: Hành vi của A đủ yếu tố cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại khoản 2 Điều 174BLHS, bởi: Căn cứ vào hành vi khách quan, ý thức chủ quan và khách thể xâm phạm xác định A đã phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, quan điểm này cho rằng A đã sử dụng chiếc vòng này làm công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi kiểm tra, bằng mắt thường anh Kh không phát hiện ra bên trong lõi là bạc, anh Kh đã tin tưởng A nên đã mua chiếc vòng với số tiền là 59.985.000đ, nếu không có số vàng thật nằm trong chiếc vòng của A thì việc giao dịch giữa A và anh Kh không hoàn thành và mục đích của A sẽ không đạt được; như vậy, phải truy tố A với số tiền chiếm đoạt của anh Kh là 59.980.000đ nên hành vi của A phạm vào Khoản 2 Điều 174BLHS.
2. Về xử lý vật chứng:
* Quan điểm thứ nhất: Do chiếc vòng là công cụ, phương tiện dùng để phạm tội nên cần tịch thu, phát mại sung quỹ Nhà nước; nên căn cứ điểm a Khoản 1 Điều 46 BLHS và điểm a Khoản 2 Điều 106 BLTTHS phải tịch thu phát mại sung quy nhà nước vì đây là công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội.
* Quan điểm thứ hai: Do A mang chiếc vòng có một phần lõi là bạc đi lừa đảo bán cho anh Kh để chiếm đoạt số tiền chênh lệch, sau khi bị bắt A bồi thường cho anh Kh toàn bộ số tiền 59.985.000đ, do đó cần trả lại cho A chiếc vòng này.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất về việc truy tố bị can A về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại khoản 1 Điều 174 BLHS bởi vì thực tế chiếc vòng của A là vật có giá trị, A mang đi thực hiện hành vi lừa đảo với mục đích để chiếm đoạt số tiền chênh lệch. Trong trường hợp nếu không được phát hiện thì anh Kh chỉ bị mất số tiền là 29.220.000đ do chiếc vòng của A kém chất lượng hơn so với giái trị thực tế. Đồng thời tịch thu, phát mại sung quỹ Nhà nước đối với chiếc vòng của A, do A sử dụng làm phương tiện phạm tội.
Ngoài ra còn có quan điểm khác cho rằng đây chỉ là giao dịch dân sự, bởi lẽ: A dùng chiếc vòng lõi bạc, bên ngoài bọc vàng, khi mua bán, trao đổi được diễn ra ngay tại cửa hàng mua bán vàng bạc, là nơi có đủ điều kiện kiểm tra chất lượng vàng để thực hiện việc giao mua bán, nếu chất lượng vàng kém không đảm bảo thì bên anh Kh có quyền trả giá thấp hơn với giá mà A đưa ra và bằng với giá trị thực tế chất lượng vàng trên chiếc vòng đó hoặc có thể từ chối không mua chiếc vòng đó…mặt khác, đây là giao dịch công khai, một bên ngay tình là anh Kh và một bên không ngay tình là A, do đó đây là hợp đồng vô hiệu và 2 bên chỉ cần trả cho nhau những gì đã nhận được, bên không ngay tình có thể bị phạt hợp đồng theo quy định của pháp luật dân sự…đây cũng là ý kiến cần nghiên cứu, trao đổi để làm sáng tỏ những vẫn đề tương tự trong thực tiễn…
Vậy tôi xin đưa ra nghiên cứu trao đổi, bàn luận để đồng nghiệp cùng đánh giá toàn diện đảm bảo xử lý khoản, phù hợp với hành vi và quy định của pháp luật.
Lê Thị Hạnh VKSND huyện Cẩm Giàng |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.