Phân biệt Tạm ngừng phiên tòa - Hoãn phiên tòa hình sự sơ thẩm

Thứ hai - 18/06/2018 22:41

Tạm ngừng phiên tòa và Hoãn phiên tòa được quy định tại Điều 251 và Điều 297 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS 2015); tạo điều kiện cho Cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện trách nhiệm chứng minh tội phạm, Tòa án, Viện kiểm sát có căn cứ để áp dụng các biện pháp hợp pháp xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội, đảm bảo nguyên tắc xét xử kịp thời, công bằng, công khai tất cả các vụ án, mà không nhất thiết Tòa án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung theo quy định tại Điều 280 BLTTHS 2015;

Hai chế định này đều do Tòa án (Hội đồng xét xử) quyết định khi đã có Quyết định đưa vụ án ra xét xử, đang xét xử; Nếu tạm ngừng phiên tòa là chế định lần đầu được quy định, thì Hoãn phiên tòa là quy định tổng hợp, kế thừa, phát triển những nội dung đã có tại nhiều quy định khác nhau của BLTTHS 2003; phân biệt hai chế định này như sau:

1. Về căn cứ áp dụng

Hội đồng xét xử có thể quyết định tạm ngừng phiên tòa (Điều 251 BLTTHS) khi có 01 trong 03 trường hợp sau: (01) Cần phải xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa và có thể thực hiện được trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa; (02) Do tình trạng sức khỏe, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa nhưng họ có thể tham gia lại phiên tòa trong thời gian 05 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa; (03) Vắng mặt Thư ký Tòa án tại phiên tòa.

 Hội đồng xét xử phải quyết định hoãn phiên tòa (Điều 297) khi có 01 trong 04 trường hợp sau: (01) Có một trong những căn cứ quy định như sau:

Bắt buộc (06 trường hợp) phải quyết định hoãn phiên tòa, quy định tại các điều 52 ( Trường hợp phải thay đổi Kiểm sát viên tại phiên tòa), Điều 53 (Trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại phiên tòa), Điều 288 (Trường hợp không có Thẩm phán, Hội thẩm dự khuyết để thay thế hoặc phải thay đổi chủ tọa phiên tòa mà không có Thẩm phán để thay thế), Điều 289 (Trường hợp Kiểm sát viên bị thay đổi hoặc không thể tiếp tục thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử mà không có Kiểm sát viên dự khuyết để thay thế), Điều 290 (Bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan); Điều 295 (Trường hợp người phiên dịch, người dịch thuật vắng mặt mà không có người khác thay thế);

Hoãn phiên tòa khi có điều kiện (04trường hợp,), quy định tại các  Điều 291 (Trường hợp người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa. … Trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này mà người bào chữa vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa), Điều 292 (Nếu bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử), Điều  293 (Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử), Điều  294 (Nếu người giám định, người định giá tài sản vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử);

 (02) Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa; (03) Cần tiến hành giám định bổ sung, giám định lại;(04) Cần định giá tài sản, định giá lại tài sản.

2. Về thủ tục, thời gian:

Hội đồng xét xử không phải ban hành Quyết định tạm ngừng phiên tòa;  Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa và thông báo cho những người tham gia tố tụng biết.

Thời hạn tạm ngừng phiên tòa không quá 05 ngày kể từ ngày quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa, việc xét xử vụ án được tiếp tục. Trường hợp không thể tiếp tục xét xử vụ án thì phải hoãn phiên tòa;

Hội đồng xét xử phải ban hành Quyết định hoãn phiên tòa; Quyết định hoãn phiên tòa phải được thông báo ngay cho những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa; gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người vắng mặt tại phiên tòa trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định.  

Thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.

3.Phân biệt, nhận diện các chế định trên, cần quan tâm đến nội dung: Căn cứ tạm ngừng phiên toàn, hoãn phiên tòa đều có Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa nhưng thời gian tạm ngừng phiên tòa là 05 ngày và 30 ngày đối với hoãn phiên tòa;

Như thế nào là chứng cứ, tài liệu, đồ vật có thể thực hiện được trong 05 ngày tạm ngừng phiên tòa, nội dung này thuộc trách nhiệm đánh giá của Hội đồng xét xử, trách nhiệm của Kiểm sát viên THQCT,KSXX tại phiên tòa; Luật không quy định cụ thể, nhưng tinh thần chung là  những tài liệu, đồ vật này Tòa án có đủ điều kiện để thu thập trong thời gian ngắn (05 ngày) như: Tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp; Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án;  Xem xét tại chỗ vật chứng không thể đưa đến phiên tòa; Xem xét tại chỗ nơi đã xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án;(Điều 252 BLTTHS);

Kiểm sát viên VKSND thực hành quyền công tố tại phiên tòa, phải phân biệt căn cứ, trình tự thủ tục áp dụng các quy định trên; nếu Tòa án (Hội đồng xét xử) không áp dụng hoặc áp dụng không đúng, cần kịp thời thực hiện quyền kiến nghị, yêu cầu (không kháng nghị) quy định tại Điều 267 BLTTHS, nhằm đảm bảo hoạt động xét xử đúng pháp luật./.

                                                                                                               Nguyễn Quang Trung
Phòng 7 - VKSND tỉnh Hải Dương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây