Pháp nhân thương mại có phải là chủ thể của tội phạm hay không?

Thứ ba - 27/10/2020 04:24

Có thể nói, việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là một bước đột phá lớn trong quá trình lập pháp hình sự ở nước ta, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, tuy nhiên khi nghiên cứu các quy định của Bộ luật hình sự 2015 về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại còn một số bất cập về lý luận và kỹ thuật lập pháp.

Khi bộ luật hình sự quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại cần phải hiểu đó là sự bổ sung các quy định về chủ thể thứ hai phải chịu trách nhiệm hình sự, bên cạnh việc quy định trách nhiệm hình sự của chủ thể thứ nhất là cá nhân về cùng một hành vi phạm tội mà chính cá nhân này thực hiện. Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân không có nghĩa là quy định chủ thể thứ hai của cùng một hành vi phạm tội. Chủ thể của tội phạm chỉ có thể là cá nhân, còn pháp nhân thương mại là chủ thể thứ hai phải chịu trách nhiệm hình sự. Do vậy, không nên nhầm lẫn giữa hai khái niệm “Chủ thể của tội phạm” và “Chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự”. Pháp nhân thương mại chỉ có thể là chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Vì tội phạm do một cá nhân hoặc một số cá nhân thực hiện nhân danh pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân, do pháp nhân chỉ đạo điều hành do đó pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự do hành vi phạm tội của các cá nhân. Trong mối quan hệ đó thì các cá nhân là chủ thể của tội phạm đồng thời cũng là chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự còn pháp nhân chỉ là “Chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Khoa học luật hình sự cũng như các quy định của Bộ luật hình sự trừ trước đến nay đã thống nhất các yếu tố cấu thành tội phạm bao gồm Chủ thể của tội phạm, Khách thể của tội phạm, Mặt chủ quan và Mặt khách quan của tội phạm. Một yếu tố quan trọng nhất thuộc mặt chủ quan của tội phạm là yếu tố lỗi. Lỗi về hình thứ được hiểu là “thái độ chủ quan của con người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả của hành vi đó thể hiện dưới dạng cố ý và vô ý”[1], về mặt nội dung “người thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội bị coi là có lỗi nếu hành vi đó là kết quả của sự tự lựa chọn của họ trong khi có đủ điều kiện khách quan và chủ quan để lựa chọn và thực hiện xử sự khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội”[2]. Tóm lại, lỗi là những gì diễn ra bên trong đầu óc con người cụ thể, không thể có lỗi của pháp nhân.

Từ những phân tích nêu trên, có thể khẳng định Pháp nhân thương mại không thể là chủ thể của tội phạm. Do vậy, khoản 1, Điều 8 BLHS quy định về khái niệm tội phạm:“Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội… do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm…”.

Cách quy định như trên của bộ luật hình sự là coi pháp nhân thương mại là chủ thể của tội phạm, gây hiểu lầm giữa hai khái niệm “Chủ thể của tội phạm” và “Chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự”

Mặt khác, quy định như trên mâu thuẫn với chính quy định quy định tại khoản 1 Điều 75 - điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đó là:

 “a. hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại”;

   b. hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại” và

   c. hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại”.

Từ những quy định nêu trên, có thể hiểu pháp nhân thương mại không phải là chủ thể trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội mà chủ thể của tội phạm là cá nhân đã nhân danh pháp nhân thương mại trực tiếp thực hiện.

Do vậy, Khoản 1 Điều 8 Bộ luật hình sự 2015 nên sửa lại theo hướng chỉ quy định cá nhân là chủ thể của tội phạm để phù hợp với lý luận, thực tiễn và các quy định tại Điều 75 BLHS.



[1] Trường Đại học luật Hà Nội, Giáo trình luật hình sự, nxb Công an nhân dân 2004, Trang 37

[2] Trường Đại học luật Hà Nội, Giáo trình luật hình sự, nxb Công an nhân dân 2004, Trang 101

                                                                                                                                Nguyễn Quang Hưng
VKSND Tp Hải Dương


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây