Thế nào là “ chiếm đoạt tài sản” ?

Thứ sáu - 10/10/2014 04:06
Trong nhiều điều luật tại chương Các tội xâm phạm sở hữu của BLHS có khái niệm “chiếm đoạt tài sản”. Hiện nay, chưa có văn bản Pháp luật, văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật nào qui định về khái niệm này, dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau, cách áp dụng pháp pháp luật khác nhau đối với những hành vi liên quan tới “chiếm đoạt tài sản”. Vậy như thế nào là “chiếm đoạt tài sản”?
 
          Có quan điểm cho rằng cứ chiếm giữ tài sản của người khác, bất kể vì mục đích gì cũng là chiếm đoạt và phạm vào tội danh tương xứng. Ví dụ, lén lút bí mật lấy xe ô tô của cơ quan đi chơi (rồi lại mang về trả) là phạm tội TCTS, dùng vũ lực lấy xe mô tô của người khác để đi một đoạn ( rồi để lại) là phạm tội Cướp tài sản. Có trường hợp “buộc phải” chiếm giữ tài sản cũng là chiếm đoạt tài sản như: vì mâu thuẫn xô sát đánh nhau, dẫn đến một bên phải bỏ lại xe, chạy thoát thân, dẫn đến bên kia phải mang tài sản đi do sợ mất thì cũng coi là “ chiếm đoạt tài sản” và phạm tội Cướp tài sản.
          Có quan điểm cho rằng chỉ coi là chiếm đoạt tài sản khi đối tượng cố ý chiếm giữ tài sản của người khác với mục đích chuyển quyền sở hữu về tài sản (trên thực tế) từ của người khác sang của mình.
          Theo tôi quan điểm thứ hai có cơ sở pháp lý và phù hợp với thực tế. Bởi vì:
Theo Bộ luật dân sự thì quyền sở hữu tài sản bao gồm 3 quyền: quyền chiếm hữu; quyền sử dụng; quyền định đoạt. Điều đó cũng có nghĩa, chỉ ai có đủ 3 quyền đó thì mới là chủ sở hữu đối với tài sản, tài sản mới thực sự là của họ. Ngược lại chỉ khi tài sản là của họ- họ có quyền sở hữu thì họ mới có quyền định đoạt tài sản. Người nào mới chỉ có và chỉ dừng ở việc thực hiện quyền chiếm hữu, quyền sử dụng tài sản thì họ không phải là chủ sở hữu và không có quyền định đoạt tài sản.“Chiếm” nhưng không “đoạt” tài sản. Họ không chiếm đoạt tài sản của người khác. Họ không phạm tội bởi hành vi chiếm đoạt như tội TCTS, tội Cướp tài sản.., mà có thể họ phạm vào một tội khác như tội Sử dụng trái phép tài sản …Những điều đó cũng phù hợp với Từ điển tiếng Việt khái niệm chiếm đoạt là biến của người khác thành của mình.
Hành vi chiếm tài sản của người khác biến thành của mình có tính nguy hiểm cho xã hội cao hơn hẳn hành vi chiếm giữ tài sản của người khác nhưng không có mục đích biến tài sản đó thành của mình vì nó làm mất quyền sở hữu tài sản- một quyền quan trọng của công dân. Vì vậy, không thể qui kết 2 hành vi đó ở cùng một tội danh với mức hình phạt như nhau được.
Do vậy tôi cũng cho rằng chiếm đoạt tài sản là  hành vi cố ý chiếm tài sản của người khác với mục đích chuyển quyền sở hữu về tài sản (trên thực tế) từ của người khác sang của mình.
Khái niệm thế nào là “ chiếm đoạt tài sản” rất quan trọng nên đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản nêu rõ khái niệm này để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật. Tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết này, tôi mong muốn các đồng nghiệp cùng trao đổi để mọi người có sự nhận thức đúng đắn hơn về khái niệm “Chiếm đoạt tài sản”.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây