Thi hành án là hình phạt tiền- Những bất cập từ thực tiễ

Thứ tư - 21/09/2022 02:54

Hình phạt tiền vừa được quy định là hình phạt chính, vừa được quy định là hình phạt bổ sung áp dụng kèm với các hình phạt khác khi không được áp dụng là hình phạt chính. BLHS có 175 điều luật quy định hình phạt tiền là hình phạt chính, hình phạt bổ sung...Tuy nhiên việc thi hành án dân sự đối với hình phạt tiền trong thực tiễn còn có nhiều bất cập, là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tồn đọng thi hành án, khó thi hành hiện nay.

Bộ luật hình sự quy định khi quyết định hình phạt áp dụng hình phạt là hình phạt tiền thì Tòa án phải căn cứ vào điều kiện, khả năng tài chính của chủ thể thực hiện hành vi phạm tội. Các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm chứng minh tội phạm, làm rõ các vấn đề liên quan trong vụ án hình sự (Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự). Theo đó, các vấn đề về điều kiện áp dụng hình phạt tiền cũng cần được các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra làm rõ trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Ngay từ giai đoạn điều tra việc chứng minh các điều kiện, khả năng tài chính của người phạm tội đã được Điều tra viên quan tâm thu thập chứng cứ chứng minh về khả năng tài chính của người phạm tội chủ yếu các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng dựa trên các nguồn như: lời khai của chính người phạm tội, các giấy tờ chứng minh được tài sản hợp pháp của họ, lời khai của những người thân thích trong gia đình họ, xác minh tại chính quyền địa phương, nơi làm việc để làm rõ nghề nghiệp và nguồn thu nhập hợp pháp từ họ... Những căn cứ này chỉ mang tính chất tương đối.

 Ở giai đoạn xét xử việc Tòa án ấn định mức tiền cụ thể trong từng trường hợp phạm tội cụ thể hoàn toàn tùy thuộc vào sự tùy nghi của Hội đồng xét xử quyết định mà không có căn cứ pháp lý quy định việc lượng hình thế nào là phù hợp, các điều kiện đảm bảo việc áp dụng hình phạt tiền như thế nào cũng chưa được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xác minh, điều tra làm rõ trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Thực tiễn việc áp dụng hình phạt tiền hiện nay tại các cơ quan tố tụng có chiều hướng tăng cao, việc áp dụng hình phạt tiền với tư cách là hình phạt chính với một số tội danh, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng chủ yếu là nhóm tội Đánh bạc và mức hình phạt tiền được áp dụng không lớn (không quá 200.000.000đồng). Hình phạt tiền được áp dụng với tư cách là hình phạt bổ sung thì được áp dụng với hầu hết các nhóm tội phạm như giao thông, ma túy, sở hữu... 

Thông qua việc thi hành án dân sự là hình phạt tiền tại địa phương chúng tôi thấy có một số bất cập trong quá trình thi hành cụ thể như sau:

 Đối với các trường hợp người phạm tội khẳng định bản thân có tài sản, có khả năng tài chính để có thể được áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đồng thời họ xuất trình những giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản của mình hoặc xuất trình biên lai thu tiền tự nguyện nộp phạt trước của cơ quan thì hành án dân sự đã cấp cho họ. Hội đồng xét xử xem xét và chấp nhận các tài liệu chứng cứ này và quyết định áp dụng hình phạt tiền với người phạm tội. Đối với các trường hợp này, khi có quyết định thi hành án, chấp hành viên có thể đối trừ nghĩa vụ của người phải thi hành án một cách đơn giản.

Tuy nhiên đối với nhóm tội Đánh bạc, khi Tòa án tuyên phạt hình phạt tù cho hưởng án treo hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ, nhiều trường hợp các đối tượng là lao động tự do, không có nghề nghiệp ổn định, Tòa án căn cứ vào mức thu nhập bình quân trên đầu người của địa phương để làm căn cứ áp dụng hình phạt bổ sung, sau khi ra quyết định thi hành án chủ động để thu số tiền trên thì người phải thi hành án lấy lý do phải chấp hành án tại địa phương, không được đi làm ăn xa khỏi địa phương quá 1 ngày, không có ai thuê làm… tài sản của những người này thường không có gì, sống phụ thuộc. Do vậy việc thi hành án phạt tiền đối với những đối tượng này là vô cùng khó khăn và nan giải. Chưa kể đến nhiều trường hợp đối tượng phạm tội ở nơi khác khi điều tra, truy tố, xét xử người tiến hành tố tụng chỉ căn cứ vào xác minh thu nhập bình quân của lao động tự do tại địa phương và ra quyết định hình phạt tiền. Các trường hợp này sau khi có quyết định uỷ thác về địa phương, sau khi xác minh điều kiện thi hành án phải ra phân loại chưa có điều kiện thi hành. Việc phạt tiền (khấu trừ thu nhập) của người thi hành án trong thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ cũng gây ra nhiều cách hiểu khác nhau đối với chấp hành viên, việc thi hành khấu trừ thu nhập 5-30% trong thời hạn cải tạo không giam giữ, nếu trong thời gian cải tạo không giam giữ người phải thi hành án không có tài sản thì hết thời gian này người phải thi hành án có tiếp tục phải thi hành?

Ngược lại với hình phạt bổ sung thì người phạm tội kiên quyết không khai báo mình có tài sản, họ cũng không tự nguyện việc nộp trước tiền hình phạt bổ sung nếu họ không có khả năng được giảm nhẹ hình phạt. Như vậy, cần xem xét tính khách quan trong việc cung cấp chứng cứ của người phạm tội ở giai đoạn này để cân nhắc quyết định hình phạt chính xác. Đối với các trường hợp người phạm tội liên quan đến các loại tội về ma túy thì mức hình phạt bổ sung của hình phạt tiền là tương đối cao, thấp nhất là 5.000.000đ, cao nhất là 500.000.000đ. Để xác định mức hình phạt bổ sung của loại tội này, cần căn cứ vào quá trình điều tra xác định tài sản, thu nhập, và việc hưởng lợi của quá trình phạm tội của bị cáo để xem xét mức hình phạt bổ sung phù hợp phải được phong tỏa, kê biên tài sản khi xét xử, bởi lẽ hình phạt tù được áp dụng đối với tội phạm về ma túy là rất nghiêm khắc, sau khi bị cáo chấp hành án phạt tù, cơ quan thi hành án dân sự ra Quyết định thi hành án về việc thu tiền phạt thì xác định bị cáo đang chấp hành hình phạt tù, tài sản không có gì đáng kể, vợ con người phải thi hành án chỉ đảm bảo mức sống sinh hoạt tối thiểu, không có khả năng thi hành án. Trường hợp này Chi cục thi hành án dân sự buộc phải phân loại chưa có điều kiện thi hành và ra Quyết định chưa có điều kiện thi hành án. Đặt vào trường hợp bị cáo phải thi hành hình phạt tù 10 năm, hình phạt bổ sung là phạt tiền 100.000.000đ, sau khi chấp hành xong hình phạt tù bị cáo trở về địa phương sinh sống, làm công việc lao động tự do chỉ đủ mức sinh hoạt tối thiểu thì việc thi hành án vừa bị kéo dài, vừa khó có khả năng thi hành, số việc này trên thực tế không nhiều nhưng phạt số tiền lớn nên chiếm tỷ lệ thi hành án về tiền khá cao.

Từ những bất cập trong quá trình thực tiễn thi hành án phạt tiền, chúng tôi đề xuất đến các cơ quan cấp trên có thẩm quyền hướng dẫn pháp luật cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn đối với các trường hợp phạt tiền, đảm bảo cho việc quyết định hình phạt tiền phải thi hành án được. Đối với việc áp dụng hình phạt chính là phạt tiền cần có chế tài như nộp trước xét xử để đảm bảo thi hành án, cam kết thi hành án, xuất trình những tài liệu chứng minh về tài sản để đảm bảo việc thi hành án… Khi áp dụng hình phạt tiền với tư cách là hình phạt bổ sung, Tòa án cũng cần xem xét đến khả năng thi hành án của người phạm tội để tránh tình trạng thi hành án kéo dài, tăng số lượng các trường hợp chưa có điều kiện thi hành án gây khó khăn cho Cơ quan Thi hành án dân sự./.

                                                                                   Tiêu Thị Hồng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây