- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Trường hợp giao cho Kiểm tra viên nghiên cứu hồ sơ thì Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phải trực tiếp kiểm tra, nghiên cứu lại toàn bộ nội dung vụ án, đánh giá chính xác, khách quan chứng cứ và các tình tiết liên quan nhằm nắm chắc hồ sơ vụ án và trực tiếp chuẩn bị nội dung các văn bản tố tụng của Viện kiểm sát. Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự là hành vi tố tụng do kiểm sát viên được cử tham gia phiên tòa thực hiện trong thời hạn Bộ luật tố tụng dân sự quy định (15 ngày) để nắm vững hồ sơ vụ án, xem xét đánh giá việc thẩm phán áp dụng, thực hiện các thủ tục tố tụng, thu thập chứng cứ, tài liệu liên quan vụ án. Do tính chất, mục đích của từng giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm khác nhau nên yêu cầu nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ chuẩn bị tham gia phiên Tòa của Kiểm sát viên ở từng giai đoạn cũng khác nhau.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, phiên tòa sơ thẩm là sự mở đầu của quá trình Tòa án đưa vụ án ra xét xử công khai sau khi đã thu thập đầy đủ chứng cứ, tài liệu liên quan đến việc giải quyết vụ án hoặc qua hòa giải các đương sự không thể tự giải quyết, thỏa thuận được với nhau. Hồ sơ kiểm sát phải cô đọng kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án do Tòa án lập, những văn bản tố tụng do Viện kiểm sát ban hành. Việc nghiên cứu hồ sơ có ý nghĩa quan trọng, quyết định chất lượng hiệu quả tham gia phiên tòa của kiểm sát viên. Vì vậy, Kiểm sát viên phải nghiên cứu toàn bộ tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, phải đặt ra các câu hỏi và tìm tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án để trả lời. Người khởi kiện yêu cầu vấn đề gì, quan hệ pháp luật từ đó phát sinh tranh chấp là quan hệ gì? Tòa án xác định quan hệ pháp luật tranh chấp có đúng không? Tư cách của nguyên đơn, người khởi kiện, bị đơn, bị kiện trong vụ án, các yêu cầu của đương sự, các tình tiết khác liên quan đến vụ án như thế nào…? Bị đơn, bị kiện có yêu cầu phản tố hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập hay không? Tại phiên tòa sơ thẩm, kiểm sát viên phải nắm chắc nội dung vụ án và quan điểm giải quyết vụ án. Phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm là quan điểm của Viện kiểm sát về việc tuân thao pháp luật tố tụng của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, bảo đảm việc xét xử có căn cứ, đúng pháp luật.
Tập trung kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thụ lý vụ án, việc thu thập chứng cứ, tài liệu; xác định tính hợp pháp của các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án do Tòa án lập, việc thực hiện các thủ tục, hành vi, quyết định tố tụng của thẩm phán… Sau đó tổng hợp toàn bộ các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ xem đã phản ánh nguồn gốc tài sản tranh chấp, yêu cầu của nguyên đơn, phản tố của bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Đặc biệt là phải hết sức chú ý các thủ tục tố tụng như thời hiệu khởi kiện, trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ, yêu cầu giám định, định giá tài sản, việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp khẩn cấp tạm thời… đều phải được kiểm tra, kết luận có vi phạm hay không?
Tiêu chuẩn để xác định chứng cứ đã đầy đủ là chứng cứ đó đã xác định được đầy đủ các vấn đề cần phải chứng minh, chứng cứ đó đã đủ cơ sở bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng như thế nào?
Chứng cứ hợp pháp là những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, được thu thập theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 97 Bộ luật tố tụng dân sự. Để khẳng định được chứng cứ có hợp pháp hay không, Kiểm sát viên phải kiểm tra từng loại nguồn chứng cứ và đủ cơ sở khẳng định nguồn chứng cứ đó là hợp pháp; đồng thời, kiểm tra thủ tục đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức giao nộp chứng cứ cho Tòa án để xác định chứng cứ đó là hợp pháp. Nếu chứng cứ Thẩm phán thu thập chưa đầy đủ thì Kiểm sát viên ra văn bản yêu cầu Thẩm phán thu thập thêm chứng cứ làm căn cứ giải quyết vụ án được khách quan toàn diện.
Trên cơ sở nghiên cứu, kiểm tra nắm chắc nội dung vụ án, Kiểm sát viên thực hiện các thao tác nghiệp vụ tiếp theo trong quá trình chuẩn bị tham gia phiên tòa. Chuẩn bị nội dung hỏi, dự kiến và giải quyết các tình huống phát sinh tại phiên tòa. Dự thảo phát biểu về việc tuân theo pháp luật của các chủ thể tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng tại phiên tòa; việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp của vụ án. Kiểm sát viên phải báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện kiểm sát về quan điểm giải quyết vụ án là nhằm tăng cường trách nhiệm của kiểm sát viên trong việc nghiên cứu hồ sơ; định hướng phát hiện vi phạm của thẩm phán, Hội đồng xét xử để đối chiếu với nội dung tuyên án của Hội đồng xét xử góp phần việc giải quyết các vụ án dân sự có căn cứ pháp luật, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức và cá nhân.
Phạm Thị Thuỳ – phòng 9
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.