- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Luật trợ giúp pháp lý được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3 nagỳ 20/6/2017 (Luật số: 11/2017/QH14 ngày 20/ 6/ 2017), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/ 01/2018, được Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT ngày 29/6/2018 quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.
Tôi xin nêu một số điểm cơ bản của Luật và Thông tư để khi tiến hành tố tụng đối với các vụ án hình sự, các KSV tham khảo, vận dụng trong thực tiễn:
1. Trợ giúp pháp lý là gì: Tại Điều 3 Luật quy định: Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật;
2. Về đối tượng được TGPL: theo quy định tại điều 7 của Luật thì người được trợ giúp pháp lý bao gồm: Người có công với cách mạng; Người thuộc hộ nghèo; Trẻ em; Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo;
Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; Người nhiễm chất độc da cam; Người cao tuổi; Người khuyết tật; Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; Người nhiễm HIV.
3. Trách nhiệm của cơ quan, người tiến hành tố tụng hình sự: được quy định tại Chương 3 và 4, Thông tư, khi tiến hành tố tụng, cần lưu ý một số điểm sau:
- Giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý, giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý ( Điều 7);
+ Tại thời điểm bắt, tạm giữ người, lấy lời khai, hỏi cung bị can, lấy lời khai của người bị hại....cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm cho họ đọc Bản thông tin về người được trợ giúp pháp lý. Trường hợp họ không tự đọc được thì thông báo cho họ biết. Giải thích kịp thời, đầy đủ để họ hiểu rõ về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí và phải ghi vào biên bản;
+ Hướng dẫn cụ thể nội dung và điền thông tin vào Biên bản giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí theo mẫu; biên bản giải thích được lưu tại hồ sơ vụ án;
- Thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý: Trường hợp người bị buộc tội, người bị hại... tự nhận mình là người được trợ giúp pháp lý và có yêu cầu trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm, Chi nhánh để thực hiện các quy định tại khoản 4 Điều 3 của Thông tư liên tịch số 10. Việc thông báo được thực hiện theo Mẫu số 03. Đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, ngoài việc thông báo bằng văn bản thì còn phải thông báo ngay bằng điện thoại cho Trung tâm, Chi nhánh.
- Đăng ký bào chữa trong TTHS được thực hiện như sau (Điều 12, 13):
+ Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều 12, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ, nếu thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý và lưu giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa vào hồ sơ vụ án; nếu thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa. Trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa cho người thực hiện trợ giúp pháp lý thì thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý.
+ Hiệu lực của việc đăng ký bào chữa (Điều 13): Trong tố tụng hình sự, người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng từ giai đoạn nào thì đăng ký bào chữa ở giai đoạn đó và văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 78 của Bộ luật tố tụng hình sự. Trường hợp vụ án cần điều tra lại thì phải đăng ký lại việc bào chữa theo thủ tục quy định tại khoản 1 Điều 12 của Thông tư liên tịch số 10.
- Trong quá trình tiến hành tố tụng, nếu phát hiện người thực hiện trợ giúp pháp lý có hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để kịp thời xử lý theo thẩm quyền và thay thế người thực hiện trợ giúp pháp lý (Điều 8).
Trên đây là một số ý kiến trao đổi để các đồng nghiệp tham khảo.
Vũ Quang Vinh Thanh tra VKSND tỉnh |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.