Thời gian vừa qua, tội phạm về ma túy có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” và “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, việc xác định tội danh giữa hai tội này trong một số trường hợp còn những quan điểm khác nhau, tác giả xin đưa ra một tình huống pháp lý cụ thể để quý đồng nghiệp và độc giả cùng trao đổi.
Đặng Văn A rủ Ngô Văn B mua ma túy về để cùng sử dụng, khi B mua được ma túy thì B bảo A chuyển một nửa số tiền để mua ma túy nhưng A nói không có tiền thì B bảo A cứ đến nhà Trương Văn C để sử dụng (C không biết việc A và B rủ nhau mua ma túy về nhà C sử dụng). B đến nhà thì C đang ở phòng khách, B bảo “cho cháu chơi nhờ tý”, C hiểu ý B muốn nhờ sử dụng ma túy ở nhà mình và đồng ý. B đi vào phòng ngủ nhà C lắp bộ dụng cụ B đã chuẩn bị trước và đổ ma túy vào cóng thủy tinh để sử dụng ma túy. Khoảng 15 phút sau A đến nhà C chào C rồi đi vào phòng ngủ sử dụng ma túy cùng với B (C biết A đến sử dụng ma túy nhưng không phản đối). A dùng bật lửa đốt nóng cóng thủy tinh để bản thân sử dụng ma túy rồi tiếp tục dùng bật lửa đốt nóng cóng thủy tinh để B sử dụng ma túy. C mở cửa phòng ngủ định gọi A, B ra ăn cơm thì thấy A, B sử dụng ma túy nên đóng cửa đi ra ngoài ăn cơm, không tham gia sử dụng ma túy cùng A và B.
Đối với hành vi của B: chuẩn bị ma túy, dụng cụ, tìm địa điểm để bản thân và B sử dụng trái phép chất ma túy; hành vi của A: khởi xướng rủ B sử dụng ma túy, dùng bật lửa châm đốt nóng cóng thủy tinh để bản thân A và B sử dụng trái phép chất ma túy, đủ yếu tố cấu thành tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo quy định tại khoản 1 Điều 251 Bộ luật hình sự.
Đối với hành vi của C, hiện có 02 quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất: C phạm tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 256 Bộ luật hình sự. Bởi lẽ, theo tinh thần hướng dẫn tại tiểu mục 7.1 Mục II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP (Thông tư số 17 đã hết hiệu lực nhưng theo các văn bản giải đáp của VKSNDTC, trong thời gian chờ văn bản hướng dẫn có thể vận dụng các quy định của Thông tư không trái với quy định của Bộ luật hình sự, hơn nữa nghiên cứu dự thảo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn một số tội phạm về ma túy cũng kế thừa quy định này của Thông tư), theo đó: “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” là hành vi của người có địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc do mình quản lý biết người khác là đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, nhưng vẫn cho họ mượn hoặc thuê địa điểm đó để họ trực tiếp sử dụng trái phép chất ma túy nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ về sử dụng chất ma túy.
Trường hợp này, C không tham gia sử dụng ma túy cùng A và B, cũng không biết việc A và B rủ nhau mua ma túy đến nhà C sử dụng, không biết việc A, B tổ chức sử dụng ma túy như thế nào mà chỉ biết A, B nhờ địa điểm thuộc quyền quản lý của mình để thỏa mãn nhu cầu sử dụng ma túy của A, B. Hành vi của C độc lập với hành vi của A và B nên trường hợp này C là người có địa điểm do mình quản lý, biết A, B sử dụng trái phép chất ma túy nhưng vẫn cho mượn địa điểm để A, B trực tiếp sử dụng trái phép chất ma túy nhằm thỏa mãn nhu cầu của A, B về sử dụng chất ma túy, nên hành vi của C cấu thành tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 256 Bộ luật hình sự.
Quan điểm thứ hai: C phạm tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 251 Bộ luật hình sự. Lý do: C biết A, B đến nhà mình để sử dụng trái phép chất ma túy cùng nhau nhưng vẫn đồng ý, B không chỉ sử dụng trái phép chất ma túy để thỏa mãn nhu cầu của bản thân B mà còn đưa ma túy trái phép vào cơ thể A; A cũng vừa có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy nhằm thỏa mãn nhu cầu của bản thân vừa có hành vi bật lửa châm đốt nóng cóng thủy tinh để đưa trái phép ma túy vào cơ thể B, vận dụng hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 7.3 mục II Thông tư liên tịch số 17: “Người có địa điểm cho người khác mượn hoặc thuê địa điểm mà biết là họ dùng địa điểm đó không phải để họ sử dụng chất ma túy nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ về sử dụng chất ma túy, mà dùng địa điểm đó để đưa chất ma túy trái phép vào cơ thể người khác, thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất, bởi lẽ trong trường hợp này, C không biết việc A và B rủ nhau sử dụng trái phép chất ma túy ở nhà mình, chỉ biết A, B là người sử dụng trái phép chất ma túy và đồng ý cho A, B sử dụng ma túy tại nhà mình, C không tham gia sử dụng cùng nên cũng không biết việc A, B tổ chức sử dụng ma túy với nhau như thế nào, nên hành vi của C là người có địa điểm thuộc quyền quản lý của mình, biết A, B là đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy nhưng cho họ sử dụng địa điểm để sử dụng trái phép chất ma túy nhằm thỏa mãn nhu cầu của bản thân họ, cấu thành tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” với tình tiết định khung “đối với 02 người”, quy định tại điểm d khoản 2 Điều 256 Bộ luật hình sự.
Ngoài ra, nghiên cứu kỹ hướng dẫn tại tiểu mục 7.3 mục II Thông tư liên tịch số 17, cần hiểu đây là trường hợp C biết là A mượn địa điểm mà biết là dùng địa điểm đó không phải để bản thân A sử dụng ma túy mà nhằm đưa chất ma túy trái phép vào cơ thể B (người khác), thì trường hợp này C đồng phạm với A về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” là phù hợp. Như vậy hướng dẫn này không phù hợp với tình huống pháp lý của vụ án đang được đưa ra nên việc vận dụng hướng dẫn này để xác định C phạm tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 251 Bộ luật hình sự là không phù hợp.
Do vẫn chưa có văn bản hướng dẫn nên trong thực tế còn những quan điểm khác nhau đối với tình huống pháp lý nêu trên, tác giả rất mong nhận được sự trao đổi từ quý đồng nghiệp và độc giả./.