Tổng hợp một số lỗi trong bộ luật hình sự 2015

Thứ tư - 29/06/2016 20:56
1. Trùng lặp về tình tiết định khung hình phạt tại các Điều 249, Điều 250, Điều 252 BLHS 2015. Cụ thể:
Tại Điều 249 BLHS 2015 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy), điểm h khoản 2 quy định trùng lắp về trọng lượng ma túy với điểm c khoản 3 là “lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kg đến dưới 75 kg”. Như vậy, gặp trường hợp người phạm tội tàng trữ trái phép từ 25 kg đến dưới 75 kg lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca thì các cơ quan tố tụng sẽ không biết xử lý theo khoản 2 (mức án từ từ năm năm tù đến 10 năm tù) hay khoản 3 (mức án từ 10 năm tù đến 15 năm tù).
Tương tự, tại Điều 250 BLHS 2015 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy), điểm d khoản 1 quy định trùng lắp về trọng lượng ma túy với điểm i khoản 2 là “lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kg đến dưới 25 kg”. Tức là khi người phạm tội vận chuyển trái phép từ 10 kg đến dưới 25 kg lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca, các cơ quan tố tụng sẽ không biết xử lý theo khoản 1 (mức án từ hai năm tù đến bảy năm tù) hay khoản 2 (mức án từ bảy năm tù đến 15 năm tù).
Tại Điều 252 BLHS 2015 (tội chiếm đoạt chất ma túy), điểm d khoản 1 quy định trùng lắp về trọng lượng ma túy với điểm h khoản 2 là “lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kg đến dưới 25 kg”. Tức là khi người phạm tội chiếm đoạt từ 10 kg đến dưới 25 kg lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca, các cơ quan tố tụng sẽ không biết xử lý theo khoản 1 (mức án từ một năm tù đến năm năm tù) hay khoản 2 (mức án từ năm năm tù đến 10 năm tù).
2. Quy định về định lượng giống hệt nhau ở các khung hình phạt khác nhau, cụ thể như sau: 
Tại Điều 233. Tội vi phạm các quy định về quản lý rừng
1. Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

d) Cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trồng rừng trái pháp luật từ 12.500 mét vuông (m2) đến dưới 17.000 mét vuông (m2) đối với rừng sản xuất; từ 10.000 mét vuông (m2) đến 15.000 mét vuông (m2) đối với rừng phòng hộ hoặc từ 7.500 mét vuông (m2đến 12.000 mét vuông (m2) đối với rừng đặc dụng;
đ)...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a)...
b) Cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trồng rừng trái pháp luật từ 17.000 mét vuông (m2) trở lên đối với rừng sản xuất; từ 15.000 mét vuông (m2)trở lên đối với rừng phòng hộ hoặc từ 12.000 mét vuông (m2) trở lên đối với rừng đặc dụng.
Quy định như trên thì điểm d khoản 2 mâu thuẫn với điểm b khoản 3 về quy định sốm2 đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Ví dụ: Cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trồng rừng trái pháp luật 15.000 mét vuông (m2) đối với rừng phòng hộ hay 12.000 mét vuông (m2) đối với rừng đặc dụng thì truy cứu trách nhiệm hình sự khoản 2 hay khoản 3? Xử lý khoản 2 cũng được mà xử ở khoản 3 cũng không sai.
Tại Điều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng: từ 03 đến 10 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên; từ 01 đến 05 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41; từ 05 đến 15 quả mìn, lựu đạn; từ 03 đến 10 quả đạn cối, đạn pháo; từ 300 đến 1.000 viên đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống; từ 200 đến 600 viên đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly; từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam thuốc nổ các loại hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ.
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
...
đ) Vật phạm pháp có số lượng: từ 11 đến 30 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên; từ 6 đến 20 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41; từ 16 đến 45 quả mìn, lựu đạn; từ 11 đến 30 quả đạn cối, đạn pháo; từ 1.001 đến 3000 viên đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống; từ 601 đến 2.000 viên đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly; từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam thuốc nổ các loại; từ 3.001 đến 10.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
...
Vấn đề đặt ra nếu vật phạm pháp có số lượng đúng  31 kilôgam thuốc nổ các loại thì truy cứu trách nhiệm hình sự ở khoản nào? Vì khoản 2 quy định đến 30 kilôgam, còn khoản 3 quy định trên 31 kilôgam nghĩa là phải từ 32 kilôgam. Do đó thừa chữ“trên”, vì vậy cần sửa lại phải bỏ chữ “trên” trước 31 kilôgam ở điểm đ khoản 3 thì mới hợp lý.
Tại Điều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Thuốc nổ các loại từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam; từ 3.001 đến 10.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
...
Tương tự như vậy, Điều 305 tại điểm a khoản 3 cũng thừa chữ "trên", vì vậy phải bỏ chữ "trên" trước 31 kilôgam ở điểm a khoản 3 mới phù hợp.
Tại Điều 370. Tội ra bản án trái pháp luật
1. Thẩm phán, Hội thẩm nào ra bản án mà mình biết rõ là trái pháp luật, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
...
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
...
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.
...
Nếu theo quy định trên thì trường hợp gây thiệt hại về tài sản đúng số tiền 1.000.000.000 đồng thì truy cứu trách nhiệm hình sự ở khoản nào đây? Nếu theo quy định thì truy cứu trách nhiện hình sự ở điểm e khoản 2 cũng đúng mà nếu truy cứu trách nhiệm hình sự ở điểm đ khoản 3 cũng không sai.
Do vậy. cần bổ sung thêm chữ “dưới” vào điểm e khoản 2 cụ thể như sau:
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
3. Quy định thiếu hành vi khách quan
Điều 337 quy định tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước. 
Tên của điều luật quy định hai tội với bốn hành vi: cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước. Nhưng khoản 1 của điều luật này lại chỉ quy định một tội với một hành vi “cố ý làm lộ hoặc mua bán bí mật nhà nước”, còn ba hành vi: chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước thì không thấy quy định.
4. Quy định không đầy đủ các tội phạm chuẩn bị phạm tội phải chịu TNHS
Khoản 1 điều 14 Bộ luật hình sự 2015 quy định: “Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm trừ trường hợp quy định tại điều 109, điểm a khoản 2 điều 113 hoặc điểm a khoản 2 điều 299 của bộ luật này”.
Nhưng khoản 2 của điều luật vẫn quy định: “Người chuẩn bị phạm một trong các tội sau đây thì phải chịu trách nhiệm hình sự, trong đó có tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (điều 113)... Trong khi đó thì có nhiều tội phạm người chuẩn bị phạm tội sẽ “thoát” vì không được liệt kê tại khoản 2 điều 14 như: chuẩn bị phạm tội tham ô tài sản, chuẩn bị phạm tội nhận hối lộ…
5. Trùng lặp về điều luật nhưng khác tội danh
Tại Điểm g, Khoản 1, Điều 389 quy định cùng có 02 Điều 299 nhưng với 02 tội danh khác nhau, trích nguyên văn như sau: “Điều 299 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng,mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự); Điều 299 (tội khủng bố)” 
6. Không thống nhất trong quy định về cấu thành cơ bản của tội phạm với cấu thành giảm nhẹ của Điều luật
Điều 298 quy định về “Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” chưa chính xác, cụ thể như sau: 
Khoản 1 Điều 298 BLHS năm 2015 quy định cấu thành cơ bản của tội phạm như sau: “1. Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 hoặc Điều 281 của Bộ luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm…”.
Tuy nhiên, tại khoản 4 Điều 298 BLHS năm 2015 quy định cấu thành giảm nhẹ của tội phạm như sau: “4. Người vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 225 hoặc Điều 281 của Bộ luật này, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
Như vậy, ở nội dung khoản 4 Điều 298 nói trên đã có sự không thống nhất trong quy định về cấu thành cơ bản của tội phạm với cấu thành giảm nhẹ của Điều luật, thể hiện ở chỗ: Điều 224 BLHS năm 2015 quy định về “Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, trong khi đó Điều 225 BLHS năm 2015 quy định về “Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan”, không liên quan gì đến khách thể và mặt khách quan của “Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây