Trao đổi nghiệp vụ: Quy định “đã bị kết án” xác định là yếu tố cấu thành tội phạm, tình tiết định khung hình phạt hay tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với một số tội phạm về Ma tuý?

Thứ ba - 23/04/2024 20:24
Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây viết tắt là BLHS) có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018. Tại nhiều điều luật khác nhau ở cả Phần chung và Phần các tội phạm của BLHS có sử dụng cụm từ “đã bị kết án” để quy định là yếu tố cấu thành tội phạm, tình tiết định khung hình phạt hoặc xem xét để xác định tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định “đã bị kết án” xác định là yếu tố cấu thành tội phạm, tình tiết định khung hình phạt hay tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với một số tội phạm về Ma tuý còn chưa thống nhất, tác giả xin đưa ra một số trường hợp và quan điểm như sau:
(Ảnh sưu tầm, nguồn: Internet)
Một số tội phạm về ma tuý có quy định “đã bị kết án” là yếu tố cấu thành tội phạm, cụ thể như:
Tại điểm a khoản 1 Điều 249 BLHS “Tội tàng trữ trái phép chất ma tuý quy định: 1. Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
…”
Tại điểm a khoản 1 Điều 250 BLHS “Tội vận chuyển trái phép chất ma túy” quy định: 1. Người nào vận chuyển trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 249, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
…”.
Tại điểm a khoản 1 Điều 252 BLHS “Tội chiếm đoạt chất ma túy” quy định: Người nào chiếm đoạt chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 249, 250 và 251 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
…”.
Còn các điểm từ b đến i khoản 1 các điều 249, 250, 252 BLHS trên cơ sở liệt kê các loại chất ma tuý tương ứng với khối lượng cụ thể.
Thực tiễn áp dụng pháp luật khi hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý, vận chuyển trái phép chất ma tuý hoặc chiếm đoạt chất ma tuý đủ mức “định lượng” (khối lượng, thể tích) chất ma tuý được quy định từ điểm b đến điểm i khoản 1 các điều 249, 250, 252 BLHS, mà nhân thân người phạm tội trước đó đã bị kết án về các tội quy định tại các điều 248, 249, 250, 251, 252 BLHS chưa được xoá án tích, đến nay còn có hai quan điểm khác nhau.
* Quan điểm thứ nhất: Quy định “đã bị kết án” tại điểm a khoản 1 các điều 249, 250, 252 BLHS được xác định là yếu tố cấu thành tội phạm (trong trường hợp không đủ mức định lượng theo quy định từ điểm b đến điểm i khoản 1 các điều này) hoặc là tình tiết định khung (trong trường hợp đủ mức định lượng theo quy định từ điểm b đến điểm i khoản 1 các điều này). Do vậy, ngoài việc áp dụng một trong các một trong các điểm từ b đến điểm i thì còn phải áp dụng thêm điểm a khoản 1 mới đầy đủ và không áp dụng tình tiết tăng nặng tái phạm theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS.
Lý giải cho quan điểm này, có một số lý do sau:
- Thứ nhất, quy định tại các điểm từ a đến i khoản 1 của các điều luật nêu trên có vị thế ngang nhau, độc lập với nhau, đều là tình tiết định tội, định khung hình phạt. Mặt khác, tại điểm a khoản 1 các điều luật nêu trên không quy định chỉ áp dụng trong các trường hợp dưới mức định lượng tối thiểu quy định tại các điểm từ b đến i khoản 1. Do vậy, hành vi phạm tội thoả mãn bất kỳ điểm nào thì phải áp dụng điểm đó. Khi đã áp dụng là tình tiết định khung hình phạt thì không áp dụng là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là đảm bảo đúng quy định tại khoản 2 Điều 52 BLHS.
- Thứ hai, việc áp dụng như trên sẽ có lợi cho người phạm tội hơn. Bởi, nếu không áp dụng là tình tiết định khung hình phạt mà áp dụng tình tiết tăng nặng “Tái phạm” theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS, trường hợp sau đó người phạm tội lại tiếp tục phạm tội khi chưa được xoá án tích sẽ bị coi là phạm tội thuộc trường hợp “Tái phạm nguy hiểm” theo quy định tại khoản 2 Điều 53 BLHS. Đây đều được coi là tình tiết định khung hình phạt quy định tại khoản 2 của các điều luật nêu trên.
* Quan điểm thứ hai:
Quy định “đã bị kết án” tại điểm a khoản 1 các điều 249, 250, 252 BLHS chỉ được xác định là yếu tố cấu thành tội phạm, tình tiết định khung trong trường hợp không đủ mức định lượng chất ma tuý theo quy định từ điểm b đến điểm i khoản 1 các điều này). Trường hợp hành vi phạm tội đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại một trong các điểm từ b đến i khoản 1 các điều luật này thì không xác định yếu tố nhân thân “đã bị kết án, chưa được xoá án tích” là tình tiết định tội hay định khung hình phạt nữa, trường hợp này được xem xét là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Tái phạm” theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS.
Lý giải cho quan điểm này, có một số lý do sau:
- Thứ nhất, mặc dù tại điểm a khoản 1 các điều luật nêu trên không quy định áp dụng trong trường hợp dưới mức định lượng tối thiểu. Tuy nhiên, nghiên cứu một cách tổng thể quy định của các điều luật về các loại tội phạm có quy định mức “định lượng” khởi điểm phải chịu trách nhiệm hình sự, nhận thấy: Các tội phạm xâm phạm sở hữu quy định tại các điều 172, 173, 174, 175, 177, 178,...; các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế quy định tại các điều 188, 189, 191, 192, 195, 200, 201,...; các tội phạm xâm phạm trật tự công cộng quy định tại các điều 266, 274, 275, 276, 278, 317, 321,... đều quy định “đã bị kết án” là yếu tố cấu thành tội phạm, định khung cơ bản đối với trường hợp dưới mức “định lượng” tối thiểu. Như vậy, có thể hiểu theo tinh thần chung của BLHS thì quy định tại điểm a khoản 1 các điều 249, 250, 252 BLHS chỉ áp dụng là yếu tố cấu thành tội phạm, tình tiết định khung trong trường hợp dưới mức “định lượng” tối thiểu chất ma tuý theo quy định từ điểm b đến điểm i khoản 1 các điều luật này.
- Thứ hai, các loại tội phạm về ma tuý ngày càng gia tăng, việc áp dụng tình tiết tăng nặng “Tái phạm” trong các trường hợp này mới đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa loại tội phạm này.
* Quan điểm của tác giả: Qua những phân tích nêu trên và thực tiễn giải quyết các vụ án về ma tuý, tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai hơn. Bởi lẽ, thực tiễn xét xử cho thấy có một số Toà án áp dụng tình tiết “đã bị kết án, chưa được xoá án tích” theo quy định tại điểm a khoản 1 các điều 249, 250, 252 BLHS là tình tiết định khung, cùng với một trong các điểm từ b đến i khoản 1 của các điều này và không áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS, cũng có nhiều Toà án chỉ áp dụng một trong các điểm từ b đến i khoản 1 các điều này, đồng thời áp dụng thêm tình tiết tăng nặng quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS khi xét xử đối với các bị cáo. Mặc dù áp dụng pháp luật khác nhau nhưng hầu hết các bản án về các loại tội phạm này của TAND cấp huyện đều không có kháng cáo và không bị kháng nghị do mức án áp dụng đối với bị cáo là phù hợp. Do vậy, các bản án này đều có hiệu lực pháp luật.
Ví dụ: Nguyễn Văn A có 01 tiền án chưa được xoá án tích về tội Mua bán trái phép chất ma tuý, lại cất giấu trái phép 0,2 gam Heroine để sử dụng. TAND huyện X xét xử A về tội Tàng trữ trái phép chất ma tuý, áp dụng các điểm a, c khoản 1 Điều 249 BLHS, xử phạt A 16 tháng tù. Tương tự như trường hợp của A, Trần Thị B bị TAND huyện Y áp dụng điểm c khoản 1 Điều 249, điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS xử phạt B 16 tháng tù.
Cả hai Bản án hình sự sơ thẩm nêu trên đều có hiệu lực pháp luật. Sau đó, trong thời gian chưa được xoá án tích, A và B lại tiếp tục cất giấu trái phép chất ma tuý với khối lượng 0,2 gam Heroine để sử dụng. Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 53 BLHS thì lần phạm tội này của B thuộc trường hợp Tái phạm nguy hiểm, do vậy hành vi của B bị truy tố, xét xử theo quy định tại điểm o khoản 2 Điều 249 BLHS. Còn hành vi của A chỉ bị truy tố, xét xử theo quy định tại khoản 1 Điều 249 BLHS.
Như vậy, từ việc không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến không đảm bảo nguyên tắc công bằng, bình đẳng trong việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội mà hành vi của họ có tính chất, mức độ nguy hiểm như nhau. Mặt khác, nếu theo quan điểm thứ nhất thì hành vi phạm tội thuộc trường hợp dưới mức “định lượng” tối thiểu của khoản 2 các điều luật nêu trên thì dù hành vi phạm tội lặp đi lặp lại bao nhiêu lần trong thời gian chưa được xoá án tích đi chăng nữa thì cũng chỉ bị truy tố, xét xử theo quy định tại khoản 1 các điều này, không xử lý được về hành vi “Tái phạm nguy hiểm”. Do vậy, sẽ không đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa tội phạm nói chung.
Để khắc phục hạn chế, vướng mắc như phân tích nêu trên, cần đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm a khoản 1 các điều 249, 250, 252 BLHS theo hướng áp dụng đối với các trường hợp dưới mức định lượng tối thiểu theo quy định từ các điểm b đến i khoản 1 điều này, hoặc có văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất. Qua bài viết, tác giả mong muốn nhận được ý kiến tham gia của đồng nghiệp, sự quan tâm, chỉ đạo của liên ngành cấp trên để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
                                               Bùi Thị Nhuần
VKSND huyện Kim Thành
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây