Trao đổi quy định “phạm tội có tính chất côn đồ” và “có tính chất côn đồ” trong Bộ luật hình sự năm 1999

Thứ sáu - 27/03/2015 02:44

Trao đổi quy định “phạm tội có tính chất côn đồ” và “có tính chất côn đồ” trong Bộ luật hình sự năm 1999

          Bộ luật hình sự năm 1999 có quy định tình tiết “có tính chất côn đồ” là tình tiết định khung cấu thành tội phạm tăng nặng ở tội Giết người quy định tại điểm n khoản 1 Điều 93 đồng thời cũng là tình tiết định tội, định khung tăng nặng đối với tội “ Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” được quy định tại các điểm i các khoản 1, 2, 3 Điều 104. Ngoài ra tại điểm d khoản 1 Điều 48 còn quy định tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ” là một trong các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
          Trong thực tiễn áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ” và “có tính chất côn đồ” có sự nhận thức khác nhau, dẫn đến việc áp dụng có lúc chưa thống nhất. Trong bài viết này tác giả mạnh dạn nêu ra một số ý kiến khác nhau như sau:
          Quan điểm thứ nhất cho rằng: “có tính chất côn đồ” và “phạm tội có tính chất côn đồ” là trường hợp người phạm tội khi phạm tội đã coi thường những quy tắc trong cuộc sống, có những hành vi ngang ngược, càn quấy, bất chấp sự can ngăn của người khác, chỉ vì nguyên cớ nhỏ nhưng cũng cố tình gây sự để phạm tội. Theo cách hiểu này thì tính chất “côn đồ” phụ thuộc vào yếu tố nhân thân của người phạm tội như (quá khứ của người phạm tội, tính cách, thái độ ứng xử của họ trong cuộc sống hàng ngày) và không gian địa điểm xảy ra tội phạm, trong đó yếu tố nhân thân là một trong những căn cứ để xem xét áp dụng tình tiết tăng nặng TNHS “phạm tội có tính chất côn đồ”.
          Quan điểm thứ hai cho rằng: “có tính chất côn đồ” và “phạm tội có tính chất côn đồ” là trường hợp người phạm tội là kẻ chuyên gây sự, hành hung. Phạm tội có tính chất côn đồ là phạm tội hoàn toàn từ nguyên cớ do chính bản thân người phạm tội gây ra. Cách hiểu này thì “côn đồ” phụ thuộc vào hành vi của người phạm tội chứ không phụ thuộc vào nhân thân của người phạm tội. Bởi lẽ quy định “côn đồ” chỉ hành vi phạm tội mà Bộ luật hình sự quy định chứ không phải chỉ cá nhân người thực hiện hành vi phạm tội.
          Đối với hai quan điểm trên tôi nhận thức rằng quan điểm thứ hai là chính xác và đúng với tinh thần của pháp luật hình sự, bởi vì: trong luật hình sự Việt Nam thì nhân thân người phạm tội có thể được coi là yếu tố định tội, định khung, tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, là một căn cứ độc lập khi quyết định hình phạt đó là quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS “tái phạm, tái phạm nguy hiểm”, còn các tình tiết tăng nặng khác đều gắn với việc xử lý hành vi phạm tội đang bị xử lý. Mặt khác theo khoản 2 Điều 3 của BLHS hiện hành thì nguyên tắc xử lý trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội là “…nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ…” quy định này thể hiện rõ Tòa án chỉ áp dụng điều khoản này khi và chỉ khi đã xác định người phạm tội là “côn đồ” còn không thì không áp dụng. Thứ nữa thì khi đánh giá tính chất côn đồ của hành vi cần phải có các căn cứ đó là: Nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội, địa điểm, hoàn cảnh hành vi phạm tội được thực hiện, mục đích của người phạm tội, nhân thân và thái độ cư xử của người phạm tội trong cuộc sống hàng ngày, công cụ phương tiện phạm tội, hậu quả của hành vi và thủ đoạn gây án. Trong các căn cứ này thì nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện hành vi phạm tội và hành vi phạm tội đã thực hiện trên thực tế là căn cứ thường được áp dụng để xác định hành vi phạm tội có tính chất côn đồ hay không. Trong trường hợp người bị hại có lỗi dẫn đến việc người phạm tội thực hiện hành vi có tính chất côn đồ thì cũng không thể áp dụng tình tiết “có tính chất côn đồ” hay “phạm tội có tính chất côn đồ” đối với người phạm tội.
(hình ảnh có tính chất minh họa)
 
          Như vậy khi phân biệt, áp dụng tình tiết “có tính chất côn đồ” và “phạm tội có tính chất côn đồ” cần xác định tất các những yếu tố thể hiện qua hành vi phạm tội chứ không xác định dựa trên nhân thân người phạm tội. Trên đây là một số ý kiến trong nội dung bài viết, xin trân trọng nêu lên để các đồng nghiệp cùng trao đổi.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây