Trao đổi về “Thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính đối với người dưới 18 tuổi”

Thứ sáu - 27/05/2022 03:25
Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017), tình tiết "đã bị xử phạt vi phạm hành chính…" là tình tiết định tội đối với một số tội phạm cụ thể, vì vậy quy định về thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính là căn cứ quan trọng để xác định vấn đề này.

Trước đây, theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009), thời hạn để xóa án tích đối với người chưa thành niên là một phần hai thời hạn quy định tại Điều 64 của Bộ luật này (bằng 1/2 thời hạn xóa án tích của người đã thành niên phạm tội). Tương ứng thì Luật xử lý vi phạm hành chính quy định thời hạn để người chưa thành niên được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính bằng một nửa thời hạn quy định đối với người đã thành niên. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) đã quy định: người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi bị kết án được coi là không có án tích; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng do vô ý được coi là không có án tích (khoản 1 Điều 107). Đây là quy định mới của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) theo hướng có lợi hơn cho người dưới 18 tuổi phạm tội. Trong khi đó thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính đối với người dưới 18 tuổi theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) vẫn chưa có sự thay đổi. Điều đó dẫn đến có trường hợp việc áp dụng quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính gây bất lợi cho người dưới 18 tuổi. Ví dụ trường hợp như sau:

- Ngày 25/12/2020, Nguyễn Văn A (17 tuổi), trộm cắp tài sản trị giá 1.500.000 đồng và bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền. Ngày 28/12/2020, A chấp hành quyết định xử phạt.

- Ngày 10/01/2021, A trộm cắp tài sản trị giá 5 triệu đồng. Ngày 15/4/2021, Tòa án xét xử tuyên phạt A 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 24 tháng. Khi đang chấp hành bản án, ngày 15/6/2021, A lại thực hiện hành vi trộm cắp tài sản trị giá 800.000 đồng.

Về việc xử lý hành vi của A ngày 15/6/2021 có hai quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất: theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 107 Bộ luật hình sự năm 2015, khi thực hiện hành vi phạm tội bị kết án ngày 15/4/2021, A dưới 18 tuổi nên lần bị kết án này được coi là không có án tích. Tuy nhiên theo quy định tại khoản 1 Điều 137 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi bổ sung năm 2020)[1], thì khi A thực hiện hành vi trộm cắp tài sản ngày 15/6/2021, A chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trộm cắp tài sản ngày 25/12/2020. Nên hành vi trộm cắp tài sản ngày 15/6/2021 của A đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017). Trường hợp này A phạm tội mới trong thời gian thử thách của án treo, nên khi xét xử A về hành vi ngày 15/6/2021, Tòa án buộc A phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 65, Điều 56 của Bộ luật hình sự (sửa đổi năm 2017). Trường hợp này A không bị áp dụng tình tiết “Tái phạm”.

Quan điểm thứ hai: theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 107 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017), khi bị kết án ngày 15/4/2021, A dưới 18 tuổi nên lần bị kết án này được coi là không có án tích. Vì vậy, ngày 15/6/2021, A trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2.000.000 đồng, nên hành vi này không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Mặc dù theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, A vẫn chưa hết thời gian để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trộm cắp tài sản ngày 25/12/2020. Nhưng trên tinh thần áp dụng có lợi đối với A, hành vi bị kết án được coi là không có án tích, thì không thể căn cứ vào hành vi bị xử lý hành chính để định tội A theo điểm a khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) vì rõ ràng hành vi được quy định trong Bộ luật hình sự là tội phạm có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính.

Như vậy có thể thấy, mặc dù quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) về xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là quy định mới theo hướng có lợi hơn so với quy định trước đây, nhưng Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi bổ sung năm 2020) vẫn chưa có sự điều chỉnh phù hợp. Nên mặc dù áp dụng quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính là bất lợi hơn cho A, nhưng chưa có văn bản nào hướng dẫn có cho phép áp dụng có lợi đối với A trong trường hợp này hay không nên đây là vấn đề còn vướng mắc cần được hướng dẫn và xin đưa ra trao đổi cùng quý độc giả và đồng nghiệp./.


[1] Người chưa thành niên được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm.

                                                                   Cao Thị Thu Trang
VKSND thành phố Chí Linh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây