Trao đổi: Về trách nhiệm bồi thường thương tích khi người bị hại tham gia bảo hiểm

Thứ năm - 09/02/2023 22:43
4 bài viét vướng mắc khi giải quyết vụ án DS trong HS
4 bài viét vướng mắc khi giải quyết vụ án DS trong HS
Do mâu thuẫn cá nhân, vào ngày 15/11/2022, Nguyễn Văn A, sinh năm: 1985, ở xã B, huyện C, tỉnh D dùng viên gạch chỉ đập vào đầu chị Trần Thị B, sinh năm 1988, ở cùng thôn. Chị B bị thương phải điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh D từ ngày 15/11/2022 đến ngày 22/11/2022. Hậu quả, chị B bị thương, mức độ tổn hại sức khoẻ 8%. Chị B có đơn yêu cầu khởi tố, cơ quan CSĐT Công an huyện C đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn A, về tội "Cố ý gây thương tích", quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS.
 
4 bài viét vướng mắc khi giải quyết vụ án DS trong HS

Hình ảnh mang tính minh họa

Quá trình điều tra xác định, viện phí, chi phí điều trị tại Bệnh viện là 22.000.0000 đồng, trong đó bảo hiểm chi trả 18.000.000 đồng, chị B chi trả 4.000.000 đồng. Chị B yêu cầu Nguyễn Văn A bồi thường viện phí, chi phí điều trị tại bệnh viện là 22.000.000 đồng và các khoản khác theo quy định của pháp luật, với tổng số tiền là 30.000.000 đồng. Bị can Nguyễn Văn A cho rằng khoản tiền bồi thường là quá cao nên không đồng ý, đề nghị các cơ quan pháp luật giải quyết theo quy định của pháp luật.
Quá trình giải quyết vụ án còn có 2 quan điểm khác nhau trong việc xác định số tiền bị can Nguyễn Văn A phải bồi thường cho chị Trần Thị B, như sau:
Quan điểm thứ nhất: Số tiền 22.000.000 đồng viện phí, chi phí điều trị tại bệnh viện nêu trên, bị can chỉ phải bồi thường 4.000.000 đồng là số tiền thực tế chị B đã chi trả, số tiền 18.000.000 đồng bảo hiểm chi trả, bị can không phải bồi thường. Bởi: Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 590 Bộ luật dân sự 2015, quy định:
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a, Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa …
Như vậy, chỉ bồi thường chi phí hợp lý, có nghĩa là chi phí mà người bị hại đã chi trả thực tế. Trong trường hợp này số tiền 18.000.000 đồng do cơ quan bảo hiểm chi trả, không phải do bị hại chị B chi trả nên chị B không bị thiệt hại thực tế về số tiền này, do đó bị can phải bồi thường chi phí về việc cứu chữa là 4.000.000đ .
Quan điểm thứ hai: Bị can phải có nghĩa vụ bồi thường cho chị B toàn bộ số tiền viện phí, chi phí điều trị tại bệnh viện là 22.000.000 đồng. Bởi các lý do:
- Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 590 Bộ luật dân sự 2015, quy định:
“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a, Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa …”
- Căn cứ tiểu mục 1.1, mục 1, phần II, Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng một số quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, quy định về cách xác định thiệt hại như sau:
“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được bồi thường bao gồm:
1.1. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: … tiền viện phí …”
Mặt khác, chị B là người bỏ tiền ra mua bảo hiểm tự nguyện, việc Bảo hiểm chi trả khi chị B đi khám, chữa bệnh là quyền lợi chị được hưởng. Chính vì vậy bị can Nguyễn Văn A có nghĩa vụ phải bồi thường cho chị B toàn bộ số tiền viện phí, chi phí điều trị 22.000.000 đồng và các khoản khác theo quy định của pháp luật.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai: Bởi lẽ, do hành vi vi phạm pháp luật của Nguyễn Văn A, chị Trần Thị B phải điều trị thương tích, thiệt hại thực tế là 22.000.000 đồng (viện phí, chi phí điều trị) và các khoản khác theo quy định của pháp luật. Việc chị B được bảo hiểm chi trả theo hợp đồng bảo hiểm giữa chị và cơ quan bảo hiểm là quyền lợi bảo hiểm chị được hưởng trong một giao dịch khác. Bị can không liên quan đến việc chị B nộp tiền bảo hiểm nên không thể được hưởng quyền lợi từ bảo hiểm. Chính vì vậy các khoản tiền viện phí, chi phí điều trị là chi phí hợp lý trong việc điều trị thương tích của chị B, nên bị can phải có trách nhiệm bồi thường.
Thông qua công tác thực tế, tác giả nghiên cứu và trao đổi trong việc giải quyết vấn đề bồi thường dân sự trong vụ án hình sự. Rất mong được trao đổi và nhận được phản hồi từ các đồng nghiệp, cũng như sớm được cấp có thẩm quyền quan tâm trong việc hướng dẫn kịp thời áp dụng pháp luật./.
                                                                 Lê Thị Hạnh
Viện KSND huyện Cẩm Giàng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây