Trao đổi về việc xác định tư cách tham gia tố tụng trong vụ án hình sự
Thứ sáu - 29/12/2023 03:39
Việc xác định tư cách người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện đúng các quy định của Bộ luật hình sự (BLHS), Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) và các quy định pháp luật có liên quan; việc xác định sai tư cách người tham gia tố tụng sẽ dẫn đến quyết định sai về phần trách nhiệm dân sự, sai về quyền kháng cáo… ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng, làm cho việc giải quyết vụ án hình sự không được toàn diện, triệt để.
Qua thực tiễn công tác kiểm sát việc khởi tố, điều tra các vụ án hình sự, tôi thấy việc xác định tư cách tham gia tố tụng trong vụ án hình sự có nhiều quan điểm khác nhau cần được thống nhất:
Nội dung vụ án: Tối ngày 10/3/2023, đối tượng Nguyễn Văn A điều khiển xe mô tô Honda Wave chở Nguyễn Văn B đi tìm người nào sơ hở thì cướp xe máy bán lấy tiền tiêu sài. Khi đi đến địa phận thôn T, xã N, huyện B, tỉnh H, A và B phát hiện anh Nguyễn Văn C đang điều khiển xe mô tô Honda AirBlade chở phía sau là anh Nguyễn Văn D (anh Nguyễn Văn D là chủ sở hữu hợp pháp của chiếc xe mô tô Honda AirBlade). Lợi dụng trời tối, đường vắng, Nguyễn Văn A điều khiển xe áp sát xe do anh Nguyễn Văn C đang điều khiển, B quát to “Dừng xe lại có việc” đồng thời B ngồi sau giơ con dao nhọn lên đe dọa anh C và anh D. Sợ hãi, anh C dừng xe, A và B cùng xuống xe, mỗi đối tượng cần 1 con dao nhọn dài khoảng 20cm giơ lên và tiến về phía anh C và anh D, A nói to “Ra khỏi xe không tao xiên cho phát”, anh C và anh D sợ hãi xuống xe và đứng lùi vào rìa đường. B nhanh chóng ngồi lên xe Honda AirBlade nổ máy rời đi, A điều khiển xe Honda Wave tẩu thoát.
Quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với vụ án trên còn có các quan điểm khác nhau về xác định tư cách tham gia tố tụng của anh Nguyễn Văn C và Nguyễn Văn D, cụ thể:
Quan điểm thứ nhất, tư cách tham gia tố tụng của anh Nguyễn Văn C là người làm chứng, anh Nguyễn Văn D là người bị hại. Bởi vì theo khoản 1 Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự quy định “Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”. Hành vi của A và B đã phạm tội Cướp tài sản, khách thể của tội Cướp tài sản là quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân; quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe của con người. Trong vụ án này, A và B đã có hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc với anh C và anh D để cướp tài sản, nhưng anh C và anh D chưa bị xâm phạm gì về tính mạng, sức khỏe, anh C và anh D cũng chưa bị thiệt hại gì thể chất hoặc tinh thần, chỉ có quyền sở hữu tài sản của anh D đã bị xâm phạm, anh D là người trực tiếp bị thiệt hại về tài sản trong vụ án này do anh Nguyễn Văn D là chủ sở hữu hợp pháp của chiếc xe mô tô Honda AirBlade. Do đó, cần xác định tư cách tham gia tố tụng của anh D là bị hại, anh C là người làm chứng.
Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của tác giả), anh Nguyễn Văn D là và Nguyễn Văn C đều là người bị hại, vì cả anh C và anh D đều là người bị A bà B đe dọa dùng vũ lực để cướp tài sản. Mặc dù anh C không phải chủ sở hữu của chiếc xe mô tô Honda AirBlade nhưng thời điểm đó anh C đang được anh D giao quyền điều khiển chiếc xe, do anh D ngồi cùng trên xe nên quyền quản lý đối với chiếc xe không hoàn toàn được chuyển giao cho anh D mà là của cả anh C và anh D. Hơn nữa khách thể của tội Cướp tài sản là quyền sở hữu tài sản, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe của con người, trong vụ án này ngoài quyền sở hữu tài sản của anh D bị xâm phạm thì rõ ràng quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe của anh C và anh D đều đã bị A và B xâm phạm bằng hành vi dùng dao nhọn giơ lên đe dọa và lời nói uy hiếp tinh thần là “Ra khỏi xe không tao xiên cho phát” làm cho anh C và anh D đều sợ hãi. Mặc dù mức độ tổn thất về tinh thần cần xem xét đánh giá ở nhiều khía cạnh nhưng có thể nói anh C và anh D đều là những cá nhân bị người phạm tội (A và B) hướng đến xâm phạm, đều bị tổn thất về tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra. Do vậy cần xác định anh C và anh D là đều bị hại trong vụ án mới đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của anh C và anh D.
Trên đây là các quan điểm khác nhau về xác định anh D là người làm chứng hay là người bị hại và quan điểm tác giả là quan điểm thứ 2 xác định anh D cũng là bị hại. Để nghiên cứu, thống nhất nhận thức trong thực tiễn, tác giả rất mong các đồng nghiệp tiếp tục trao đổi và có sự hướng dẫn, giải đáp của cơ quan có thẩm quyền.
|
Thu Nga
VKSND huyện Bình Giang |