Trao đổi về xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với vụ án Hôn nhân gia đình có bị đơn là người đang chấp hành án phạt tù

Thứ hai - 27/09/2021 00:12

Trao đổi về xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với vụ án Hôn nhân gia đình có bị đơn là người đang chấp hành án phạt tù

Trong quá trình kiểm sát giải quyết vụ án về Hôn nhân gia đình liên quan đến thẩm quyền giải quyết của Toà án khi bị đơn đang chấp hành án phạt tù, tôi thấy còn có nhiều quan điểm khác nhau cần trao đổi để thống nhất nhận thức về pháp luật như sau:

Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Hải Dương thụ lý vụ án Hôn nhân gia đình về "Ly hôn, tranh chấp nuôi con chung" giữa nguyên đơn là chị Nguyễn Thị A có địa chỉ tại Thị trấn N, huyện N, tỉnh Hải Dương và bị đơn là anh Trần Văn G có đăng ký hộ khẩu thường trú tại Thị trấn N, huyện N, tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, thời điểm Tòa án thụ lý vụ án, anh G đang chấp hành án tại trại giam H, thành phố C, tỉnh Hải Dương với mức hình phạt 05 năm tù về tội Cố ý gây thương tích, thời gian chấp hành hình phạt tù còn 2 năm 11 tháng.

 (Ảnh minh họa)

Hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về việc xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với vụ án trên như sau:

Ý kiến thứ nhất: Việc Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Hải Dương căn cứ điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 để thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền đối với vụ án trên là không đúng vì theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự: “1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau: a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này”. Do bị đơn là anh G hiện đang chấp hành án phạt tù với thời gian 05 năm tại Trại giam H, thành phố C, tỉnh Hải Dương nên Trại giam H, thành phố C được coi là nơi anh G đang sinh sống và cư trú. Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật cư trú năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2013: “2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống”. Do đó, Tòa án nhân dân thành phố C có thẩm quyền giải quyết vụ án.

Ý kiến thứ hai: Việc Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Hải Dương thụ lý, giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền vì Trại giam H, thành phố C không phải là nơi bị đơn (anh G) sinh sống, đồng thời cũng không phải là nơi anh G cư trú.

Cá nhân tôi đồng ý với quan điểm thứ hai, bởi vì bị đơn (anh G) có Hộ khẩu thường trú tại Thị trấn N, huyện N, tỉnh Hải Dương. Chị Nguyễn Thị A làm đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Hải Dương nơi bị đơn đăng ký hộ khẩu thường trú và cư trú trước khi đi chấp hành án phạt tù tại Trại giam H, thành phố C. Trại giam chỉ là nơi anh G chấp hành án, không được hiểu là nơi mà bị đơn đang sinh sống, làm việc, cũng không phải là nơi bị đơn cư trú. Vì vậy, việc Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Hải Dương căn cứ điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự để thụ lý, giải quyết vụ án theo thẩm quyền là đúng.

 Trên đây là ý kiến về vấn đề thực tiễn liên quan đến xác định thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ khi giải quyết tranh chấp vụ án hôn nhân và gia đình trong trường hợp bị đơn đang chấp hành án phạt tù. Rất mong các đồng nghiệp cùng trao đổi ý kiến.

                                                                                         Nguyễn Thị Hiên
VKSND huyện Nam Sách

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây