Trao đổi: Vướng mắc trong việc xác định tội phạm “Mua bán trái phép hóa đơn”

Thứ tư - 21/02/2024 04:40
Kinh tế thị trường mở cửa, việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh và kiểm soát việc kinh doanh của các doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Nhiều doanh nghiệp thành lập nhưng không hoạt động sản xuất kinh doanh, mà chỉ để mua, bán hoá đơn nhằm thu lợi bất chính, tiếp tay cho hành vi trốn thuế và chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước. Chính vì vậy, hiện nay, hành vi mua bán trái phép hóa đơn cũng như trốn thuế đang diễn ra ngày càng nhiều, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước, các tổ chức và các doanh nghiệp.
Ảnh minh họa
Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018, đã quy định cụ thể về tội phạm “Mua bán trái phép hoá đơn”, tuy nhiên dưới tác động của nền kinh tế thị trường, người thực hiện hành vi phạm tội ngày càng tinh vi dẫn đến nhiều hành vi phạm tội chưa được dự liệu và quy định tại Bộ luật hình sự và các văn bản hướng dẫn, gây khó khăn trong quá trình xác định tội danh, như vụ án dưới đây.
Nội dung vụ án: Hoàng Thị N là giám đốc công ty T.N. Do có nhu cầu mua hóa đơn GTGT để hợp thức hóa hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ đầu vào của công ty mình, N đặt vấn đề mua hóa đơn không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo của Nguyễn Văn H qua 03 công ty do H làm giám đốc, với giá thỏa thuận là 2% của tổng giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn GTGT chưa tính thuế VAT. Trong khoảng thời gian từ 31/3/2023 đến 28/8/2023, N đã mua tổng cộng 30 hóa đơn GTGT đã ghi nội dung nhưng không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo N đã sử dụng 19 hóa đơn để kê khai thuế, còn 11 hóa đơn chưa sử dụng để kê khai do chưa đến kỳ kê khai thuế.
* Kết luận giám định của Cục thuế tỉnh HD, kết luận: … N kê khai 19 hoá đơn để khấu trừ thuế Giá trị gia tăng, hạch toán chi phí tính thuế Thu nhập doanh nghiệp là hành vi trốn thuế … làm tăng số tiền được khấu trừ GTGT là 466.583.500 đồng dẫn đến làm tăng số thuế GTGT phải nộp là 466.583.500 đồng.
Trong quá trình giải quyết vụ án, có hai quan điểm khác nhau trong việc xác định tội danh “Mua bán trái phép hoá đơn”, như sau:
Quan điểm thứ nhất: H.T.N vừa phạm tội Trốn thuế đối với 19 hóa đơn đã kê khai và phạm tội “Mua bán trái phép hóa đơn” đối với 11 hóa đơn chưa kê khai, bởi:
Đối với hành vi mua 19 hóa đơn và đã sử dụng để kê khai thuế cho công ty T.N của Hoàng Thị N làm tăng số tiền thuế GTGT được khấu trừ là 466.583.500 đồng, đã cấu thành tội Trốn thuế quy định tại Điều 200 BLHS. Đối với hành vi mua 11 hóa đơn còn lại của Hoàng Thị N, do các hóa đơn trên chưa được sử dụng để kê khai thuế GTGT, thuế TNDN nên chưa cấu thành tội Trốn thuế quy định tại Điều 200 BLHS. Tuy nhiên, hành vi mua 11 hóa đơn của H.T.N nhưng chưa sử dụng để kê khai thuế đã cấu thành tội Mua bán trái phép hóa đơn quy định tại Điều 203 BLHS.
Quan điểm thứ hai: H.T.N phạm tội “Trốn thuế” đối với 19 hóa đơn đã kê khai và phạm tội “Mua bán trái phép hóa đơn” đối với tổng 30 hóa đơn đã mua, bởi:
N là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, biết hành vi mua bán trái phép hoá đơn là vi phạm pháp luật. Bản thân N đã thực hiện xong hành vi mua bán trái phép 30 hoá đơn GTGT không kèm hàng hoá của H (H đã giao 30 hoá đơn cho N; N đã thanh toán tiền cho H), chính vì vậy hành vi mua bán trái phép 30 hoá đơn GTGT đã hoàn thành khi N và H đã thực hiện xong giao dịch.
Quan điểm thứ 3: N phạm tội “Mua bán trái phép hóa đơn” đối với tổng 30 hóa đơn đã mua. ( không phạm tội trốn thuế) vì:
N đã thực hiện xong hành vi mua bán trái phép 30 hoá đơn GTGT không kèm hàng hoá của H ( hóa đơn khống) nên cấu thành tội mua bán trái phép hóa đơn theo đúng quy định tại Điều 203 BLHS. Hành vi dùng hóa đơn kê khai  chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng không phải là trốn thuế vì thuế giá trị gia tăng là do người mua phải nộp, N không có trách nhiệm nộp mà là thu hộ nên N không trốn thuế, chỉ xem xét N có hành vi lừa đảo để chiếm đoạt số tiền này ( nếu có).
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất về việc xử lý H.T.N về tội “Trốn thuế” đối với 19 hóa đơn đã kê khai thuế và tội “Mua bán trái phép hóa đơn” đối với 11 hóa đơn chưa kê khai, đảm bảo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo theo quy định của Bộ luật hình sự, đồng thời đảm bảo xử lý triệt để hành vi phạm tội của N.
Thông qua công tác thực tiễn, tác giả nghiên cứu và đưa ra một số khó khăn, vướng mắc trong việc xác định tội danh “Mua bán trái phép hoá đơn”. Rất mong được trao đổi và nhận được phản hồi từ các đồng nghiệp, cũng như sớm được cấp có thẩm quyền hướng dẫn, giải đáp./.
                                                            Bùi Hoàng Hải
VKSND huyện Cẩm Giàng
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây