Trường hợp nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm.

Thứ năm - 06/04/2023 03:36

Điều 299 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) quy định: “1. Trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi bị đơn có đồng ý hay không và tùy từng trường hợp mà giải quyết như sau:

a) Bị đơn không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn;

b) Bị đơn đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án…”

Ảnh phiên Tòa phúc thẩm

Tuy nhiên, khi áp dụng Điều 299 BLTTDS vào xét xử thì điều luật này lộ diện một số bất cập như sau:

 Điều 299 BLTTDS không đề cập đến việc ai là người kháng cáo, tức ai là người khởi động cho quá trình xét xử phúc thẩm: nguyên đơn, bị đơn, người có quyền và nghĩa vụ liên quan? Trong khi vị trí, vai trò, quyền và nghĩa vụ của mỗi người khi tham gia tố tụng được  BLTTDS quy định khác nhau.

Trường hợp người kháng cáo là nguyên đơn hoặc bị đơn, trước hoặc tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện, bị đơn đồng ý rút kháng cáo thì căn cứ Điều 299 BLTTDS Hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ vụ án, hủy bản án sơ thẩm là đúng.

Trường hợp sau khi xét xử sơ thẩm, nguyên đơn và bị đơn không kháng cáo nhưng người có quyền và nghĩa vụ liên quan có kháng cáo bản án sơ thẩm. Tại phiên Tòa phúc thẩm, nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện, bị đơn đồng ý thì xử lý như thế nào?

 Ví dụ: Tòa án thụ lý, giải quyết vụ án “Yêu cầu chia tài sản thừa kế” giữa nguyên đơn là bà A với bị đơn là ông B, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông C. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về chia tài sản thừa kế là quyền sử dụng đất, ông B do không có chỗ ở nên được chia thừa kế bằng hiện vật. Vì vậy ông B phải thanh toán bằng tiền giá trị diện tích đất mà ông C được hưởng cho ông C. Sau khi Tòa sơ thẩm xét xử, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông C kháng cáo, đề nghị Tòa án chia tài sản thừa kế bằng hiện vật cho ông C là quyền sử dụng đất.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn là ông A xin rút yêu cầu khởi kiện, bị đơn là ông B đồng ý với yêu cầu xin rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Riêng người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông C không đồng ý cho nguyên đơn rút đơn khởi kiện vẫn yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử phúc thẩm chia cho ông được hưởng thừa kế  bằng hiện vật là quyền sử dụng đất.

Có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này, cụ thể: 

Quan điểm thứ nhất: căn cứ vào Điều 299 thì trường hợp này thỏa mãn các điều kiện mà điểm b khoản 1 Điều 299 BLTTDS yêu cầu là “trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm mà nguyên đơn rút đơn khởi kiện” và “bị đơn đồng ý”  nên Hội đồng xét xử phải chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn và ra quyết định đình chỉ vụ án và hủy bản án sơ thẩm. Theo quan điểm này, người có quyền và nghĩa vụ liên quan chỉ là  “người ăn theo” vụ án, khi nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì “khởi nguồn” của vụ án đã chấm dứt, nên đương nhiên họ cũng không còn quyền và nghĩa vụ liên quan nào nữa, do đó Tòa ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là chính xác. Sau khi Tòa ra quyết định đình chỉ vụ án và hủy bản án sơ thẩm, nếu có yêu cầu, họ có quyền khởi kiện bằng một vụ án khác. 

Quan điểm thứ hai : không chấp nhận việc rút yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và mà vẫn tiếp tục giải quyết vụ án. Căn cứ quy định tại khoản 2  Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:

Trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc đã được triệu

tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, không đề nghị xét xử vắng mặt và trong vụ án đó có bị đơn yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì giải quyết như sau:

- Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút toàn bộ yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án;

- Bị đơn không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu phản tố thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; bị đơn trở thành nguyên đơn, nguyên đơn trở thành bị đơn;

- Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người nào bị khởi kiện theo yêu cầu độc lập trở thành bị đơn.

Tuy người có quyền và nghĩa vụ liên quan không phải là người khởi kiện vụ án ở giai đoạn sơ thẩm nhưng họ là người kháng cáo - tức là người khởi động giai đoạn xét xử phúc thẩm và họ đã nộp tạm ứng án phí kháng cáo. Do đó, khi người có quyền và nghĩa vụ liên quan không đồng ý rút đơn kháng cáo thì dù cho nguyên đơn rút đơn khởi kiện và bị đơn đồng ý thì Tòa án cũng không có quyền đình chỉ vụ án mà phải tiếp tục giải quyết vụ án. Nếu đình chỉ vụ án là không bảo đảm quyền kháng cáo của người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Quan điểm của tác giả đồng ý với quan điểm thưa nhất vì người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án không có yêu cầu độc lập, họ không có yêu cầu gì mà chỉ phụ thuộc vào nguyên đơn hoặc bị đơn. Do đó, khi nguyên đơn rút đơn khởi kiện, bị đơn đồng ý thì việc tranh chấp đã chấm dứt, nên sự liên quan này đã không còn. Người có quyền và nghĩa vụ liên quan chưa thực hiện một nghĩa vụ nào đối với Nhà nước về việc yêu cầu của mình (nộp tạm ứng án phí), chỉ mới thực hiện nghĩa vụ của người kháng cáo (nộp tạm ứng án phí kháng cáo) mà thôi. Nguồn gốc kháng cáo là xuất phát từ việc không đồng ý với bản án, quyết định sơ thẩm.

Tóm lại, quá trình xét xử vụ án dân sự phúc thẩm trong thực tiễn, cần thống nhất khi nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện, bị đơn đồng ý, thì vụ án bị triệt tiêu, nên yêu cầu kháng cáo của người có quyền và nghĩa vụ liên quan không còn cơ sở để tồn tại. Vì vậy, trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm mà nguyên đơn rút đơn khởi kiện và bị đơn đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn, thì Hội đống xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nếu có yêu cầu thì có quyền khởi kiện bằng một vụ án dân sự khác.

                                                                                                                 

Bùi Thị Hậu

Phòng 9 -VKSND tỉnh Hải Dương

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây