Việc áp dụng khoản 2 điều 305 BLDS đúng hay sai?
Thứ ba - 20/10/2015 20:48
Thông qua công tác thanh tra nghiệp vụ, thấy việc vận dụng pháp luật của các Cơ quan tiến hành tố tụng trong thực tiễn giải quyết án hình sự còn nhiều quy định chưa thống nhất, tôi xin nêu một vấn đề để các bạn đọc cùng nghiên cứu, trao đổi, đó là;
Hiện nay hầu hết các vụ án hình sự (xảy ra ở địa phương) nếu Tòa án (Hội đồng xét xử) áp dụng hình phạt bổ sung thì ngoài việc quyết định bị cáo phải chịu nộp khoản tiền phạt nhất định vào Ngân sách Nhà nước, Tòa án còn căn cứ vào khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự (quy định về “Trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự”) buộc người phạm tội phải chịu lãi suất đối với khoản tiền chậm nộp phạt kể từ khi án có hiệu lực pháp luật mà người đó không thi hành khoản tiền phạt với mức lãi suất cơ bản do ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán…
Việc Tòa án (Hội đồng xét xử) áp dụng Khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự, trong trường hợp này và buộc bị cáo chịu lãi suất do chậm nộp (như nêu trên) là đúng hay sai; có 2 loại ý kiến:
- Ý kiến thứ nhất; cho rằng việc Tòa án áp dụng Khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự và quyết định như nêu trên là đúng bởi lẽ: Căn cứ vào Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 của BTP-TANDTC-VKSNDTC Hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản; tại mục 1 phần III Thông tư quy định :
“… cùng với việc quyết định khoản tiền mà bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán cho bên được thi hành án, khoản tiền phải nộp để đưa vào ngân sách Nhà nước (tiền tịch thu, tiền truy thu thuế, tiền truy thu do thu lợi bất chính, tiền phạt), toà án phải quyết định rõ trong bản án là kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án …”, do vậy quyết định như các bản án (đã nêu trên) là đúng (tuy nhiên Tòa án không ghi căn cứ Thông tư số 01/TTLT vào bản án).
- Ý kiến thứ hai (tôi đồng tình với ý kiến này); việc Tòa án áp dụng Khoản 2 Điều 305 BLDS và buộc bị cáo phải chịu lãi xuất ngân hàng đối với khoản tiền phạt bổ sung chậm nộp là sai, bởi các lý do sau:
+ Một là; về nội dung: hình phạt (cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung) cần hiểu là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc của nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội (Điều 26 BLHS), còn trách nhiệm dân sự được hiểu là nghĩa vụ về tài sản do hành vi trái pháp luật của một người gây thiệt hại cho người khác mà Tòa án buộc phải bồi thường, bồi hoàn cho người bị thiệt hại (Điều 280, 281 BLDS)…do vậy hình phạt bổ sung không phải là trách nhiệm dân sự, do vậy hình phạt bổ sung là “phạt tiền” không phải là đối tượng để áp dụng Khoản 2 Điều 305 BLDS.
+ Hai là; về hình thức: Điều 305 BLDS quy định “Trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự”, ngay tên của điều luật cũng đã phản ánh rõ điều luật này chỉ áp dụng đối với các trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự (tiền, vật) chứ không quy định áp dụng đối với trường hợp chậm thi hành hình phạt.
+ Ba là; về bản chất của tiền phạt: Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 của BTP, TANDTC, VKSNDTC là văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật dân sự năm 1995, phần “tiền phạt” quy định tại Thông tư này được hiểu là số “tiền phạt” do vi phạm trong việc thực hiện hợp đồng dân sự đối với bên có vi phạm phải chịu số “tiền phạt”nhất định đối với bên bị vi phạm…chứ không phải là “tiền phạt” do tuyên hình phạt bổ sung trong vụ án hình sự (không thể coi 2 loại tiền này gống nhau được).
Từ những lý do nêu trên, thấy rằng việc áp dụng căn cứ pháp luật (Điều 305 BLDS) để buộc người bị tuyên hình phạt bổ sung (là hình phạt tiền) phải chịu lãi suất do chậm thi hành án (chậm nộp) là không đảm bảo về mặt nội dung, hình thức căn cứ pháp lý và bản chất của hình phạt tiền trong Bộ luật hình sự và tiền phạt trong Hợp đồng dân sự.
Do việc giải quyết phần tiền phạt chậm nộp (như nêu trên) còn một số quan điểm khác nhau, chưa thống nhất, tôi xin nêu để các bạn đọc cùng nghiên cứu và rất mong có ý kiến trao đổi.