- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Thủ tục rút gọn là một dạng thủ tục đặc biệt của tố tụng hình sự được quy định tại Chương XXXI, Phần thứ bảy của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 trong đó có sự giảm bớt một số khâu, một số thủ tục trong việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự nhằm rút ngắn thủ tục tố tụng, làm cho việc xử lý vụ án được nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị địa phương. Tuy nhiên trong quá trình áp dụng trình tự, thủ tục này vẫn còn những khó khăn bất cập trong thực tế.
Điều 456 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định:
“1. Thủ tục rút gọn được áp dụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm khi có đủ các điều kiện:
a) Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú;
b) Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng;
c) Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng;
d) Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng”
Như vậy, về điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn trong vụ án hình sự phải đáp ứng được bốn điều kiện như quy định trên. Nếu thiếu một trong bốn điều kiện nêu trên thì không thể áp dụng thủ rút gọn mà phải giải quyết theo thủ tụng chung, dẫn đến một số vụ án sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng, tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; hoặc là tội phạm thuộc trường hợp nghiêm trọng nhưng thuộc trường hợp phạm tội đơn giản; Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng nhưng không thuộc trường hợp phạm tội quả tang, tự thú… nên không thể áp dụng thủ rút gọn để giải quyết.
Thực tế người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang không ít nhưng lại không đảm bảo các điều kiện quy định tại điểm b, c, d của Điều 456 Bộ luật hình sự. Đối với trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội tự thú thì thường rất ít. Trường hợp khác, sau khi thực hiện hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội đến cơ quan điều tra đầu thú, thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của bản thân, quá trình xác minh thấy hành vi phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng, tội phạm thực hiện là tội ít nghiêm trọng, người phạm tội có nơi cư trú rõ ràng nhưng "Đầu thú" lại không phải là căn cứ để áp dụng thủ tục rút gọn. Ngoài ra còn có rất nhiều tội phạm thuộc trường hợp nghiêm trọng xẩy ra có đủ điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn nhưng cũng không đảm bảo vì không thỏa mãn quy định tại điểm c : “Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng;”. Ví dụ như: Tội tàng trữ trái phép chất ma túy thuộc loại tội phạm nghiêm trọng và thường bị bắt quả tang, sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng, người phạm tội thường có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng nhưng không thể áp dụng được. Hay như đối với tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 173 của Bộ luật hình sự là“Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng;” nhưng các đối tượng phạm tội thường thực hiện hành vi lén lút, lợi dụng đêm tối và sự sơ hở của người có tài sản để đột nhập vào trộm cắp tài sản. Sau khi phạm tội, các đối tượng đã nhanh chóng tẩu thoát nên phải thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ mới bắt được nên rất ít các trường hợp bắt quả tang để có thể áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định của luật.
Có thể thấy những điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn nêu trên là tương đối khắt khe và cứng nhắc nên để có thể mở rộng phạm vi áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và phục nhiệm vụ chính trị địa phương, giảm tải các thủ tục của cơ quan tiến hành tố tụng, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử đối với những vụ án chứng cứ rõ ràng, sự việc phạm tội đơn giản, nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội theo tác giả nên hiểu: “Chứng cứ rõ ràng có nghĩa là điều kiện mang tính định tính; sự việc phạm tội đơn giản, có nghĩa là những sự việc mà vấn đề cần chứng minh trong vụ án không phức tạp và dễ xác định, người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng được hiểu một cách chung nhất là nhân thân người phạm tội, bao gồm đặc điểm giới tính, độ tuổi, tôn giáo, dân tộc, trình độ học vấn, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình, điều kiện sinh sống, nơi cư trú”.
Do vậy tác giả đưa ra ý kiến theo hướng bổ sung thêm tình tiết: “Đầu thú” vào điểm a và loại tội phạm: “Nghiêm trọng” vào điểm c khoản Điều 456 Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo đó Điều 456 Bộ luật tố tụng hình sự quy định như sau:
“1. Thủ tục rút gọn được áp dụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm khi có đủ các điều kiện:
a) Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang, tự thú hoặc người đó đầu thú;
b) Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng;
c) Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng;
d) Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng”
Nguyễn Anh Đức VKSND Tp Chí Linh |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.