Vướng mắc liên quan đến thu giữ, bảo quản vật chứng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự

Thứ năm - 01/06/2023 23:25
Ngay từ khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm cho khi khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, việc tiếp nhận, bảo quản vật chứng luôn được quan tâm, chú trọng và cần được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tiễn còn nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc:
10 Vướng mắc về bảo quản vật chứng trong tố tụng hình sự
10 Vướng mắc về bảo quản vật chứng trong tố tụng hình sự
10 Vướng mắc về bảo quản vật chứng trong tố tụng hình sự


Thứ nhất: Nhiều vụ án, Cơ quan tố tụng tiến hành lập biên bản thu giữ vật chứng mà không có kho, bãi mà phải đi thuê để bảo quản.
Các vụ vật chứng là tàu, thuyền, phương tiện cơ giới lớn…Cơ quan điều tra phải tiến hành thuê kho, bãi, bạt, người trông coi quản lý…để bảo quản vật chứng, trong đó nhiều vật chứng không rõ chủ sở hữu, chủ sở hữu bỏ lại tài sản. Số tiền thuê, trả có thể sẽ rất lớn nếu kéo dài thời gian, thậm chí kéo theo việc chứng cứ không còn được nguyên vẹn. Số tiền thuê kho, bãi do các cơ quan tiến hành tố tụng trực tiếp thuê kho, bãi phải chi trả. Đối với các trường hợp không xác định được chủ sở hữu, sau thi thanh lý tài sản thì số tiền không đủ tiền thuê bến, bãi, người trông coi, quản lý, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.
Thứ hai: Thời gian giải quyết tin báo, điều tra, truy tố, xét xử có nhiều vụ bị kéo dài nên vật chứng bị hư hỏng, xuống cấp, hết thời hạn và giá trị sử dụng
Nhiều vụ án vật chứng là các loại hàng hóa như lương thực, thực phẩm, thuốc với số lượng lớn, nhiều chủng loại. Việc phân loại, giám định mất nhiều thời gian, năng lực của một số tổ chức giám định còn hạn chế ko thể giám định số lượng lớn theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Một số cơ quan tiến hành tố tụng có quan điểm khác nhau liên quan đến vấn đề giám định, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết, thời gian bảo quản vật chứng, gây tốn kém, thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Thứ ba: Theo quy định thì vật chứng thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản thì Cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi quyền hạn của mình quyết định bán theo quy định của pháp luật.
Khó khăn ở đây là bán thì bán theo hình thức nào, bán thông thường hay bán đấu giá; căn cứ tính giá trị để bán, chào bán; hàng hóa thế nào là hàng hóa mau hỏng để làm căn cứ cho cơ quan có thẩm quyền đem bán hàng hóa? Trong khi chờ hướng dẫn của ngành, của cấp trên hoặc các thủ tục liên quan thì vẫn phải phát sinh nhiều chi phí liên quan đến bảo quản, quản lý vật chứng.
Thứ tư: Việc tiếp nhận, bảo quản vật chứng là phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử được quy định tại các Điều 88,90,107 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Việc này cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thu giữ, bảo quản, có thể bảo quản sai cách cũng dẫn đến hư hỏng, vì những người trực tiếp thu giữ, bảo quản không có chuyên môn; việc tiếp cận, thao tác lưu trữ, thu thập cũng có những sơ xuất nhất định, dẫn đến khi cần sử dụng vật chứng được thu giữ thì không thể sử dụng được.
Thứ năm: Quy định liên quan đến niêm phong, mở niêm phong vật chứng còn nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện

Khoản 2 Điều 6 và khoản 2 Điều 7 Nghị định số 127/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ có quy định chi tiết việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng có quy định, quy định thành phần mở niêm phong gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; người liên quan, đại diện cơ quan, tổ chức có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vật chứng…Dẫn đến khó khăn trong hầu hết các vụ việc liên quan quan đến bảo quản vật chứng, niêm phong và mở niêm phong vật chứng.

Thứ sáu: Vướng mắc trong trường hợp vật chứng khi bị thu giữ thì có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng ngay tại thời điểm thu giữ, bảo quản vật chứng.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 106 BLTTHS năm 2015 có quy định “Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự”.
Trong thực tế phát sinh tại thời điểm thu giữ, bảo quản vật chứng thì có tranh chấp ngay tại thời điểm này. Như vậy, thành phần tham gia thu giữ, niêm phong có cần có những người có chấp về quyền sở hữu vật chứng trên tại thời điểm tài sản được thu giữ hay không? cách thức thực hiện thế nào, hiện nay chưa được hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn cho việc thu giữ, bảo quản vật chứng.
Xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc, bất cập nêu trên, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần sớm có hướng dẫn, sửa đổi các quy định còn chưa phù hợp để đảm bảo cho việc thu giữ, bảo quản vật chứng trong các vụ án hình sự thời gian tới được kịp thời, đúng quy định của pháp luật, tránh thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.
                                                                           Nguyễn Xuân Thạo

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây