Vướng mắc trong việc áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “ đối với 02 người trở lên”, trong tội: Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, theo điểm b khoản 2 điều 255 BLHS.

Thứ tư - 25/10/2023 21:32
Mặc dù Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 đến nay. Tuy nhiên qua thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự liên quan đến tội phạm về ma túy, nhất là tội: Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy với tình tiết định khung là “ đối với 02 người trở lên”, quy định tại điểm b khoản 2 điều 255 BLHS, hiện nay còn có nhiều quan điểm nhận thức, đánh giá khác nhau.
          Ví dụ: A,B là bạn bè chơi với nhau. Ngày 01/5/2023 A và B cùng thống nhất với nhau chung tiền mỗi người bỏ ra 300.000 đồng để đi mua ma túy về và rủ C cùng sử dụng. Sau đó A và B cùng đi mua ma túy loại Ketamine và mua thêm ống hút, chai nước ngọt để làm dụng cụ sử dụng. Sau đó A, B đi về nhà C và rủ C cùng sử dụng ma túy. A, B, C cùng rủ nhau ra nghĩa trang gần đó và sử dụng, khi A, B, C đang sử dụng thì bị phát hiện bắt quả tang, thu giữ cùng vật chứng. Kết quả xét nghiệm A, B, C đều dương tính với chất ma túy Ketamine.
          Trong tình huống này hiện nay có 02 quan điểm về tình tiết định khung tăng nặng, cụ thể:
          Quan điểm thứ nhất: Hành vi của A, B phạm tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, theo quy định tại khoản 1 điều 255BLHS. Vì:
          A và B đều là người bỏ tiền ra mua ma túy để cùng nhau sử dụng, sau đó A và B cùng đi rủ C sử dụng cùng, như vậy cả A và B đều là người cung cấp ma túy cho C, nên chỉ có C là người thụ hưởng. Ma túy đều là của A và B, việc A và B sử dụng ma túy của chính mình, không có việc A cung cấp ma túy cho B hoặc ngược lại. Nên không có việc A hoặc B tổ chức chéo cho nhau. Cho nên A và B chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội: Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, theo khoản 1 điều 255 BLHS.
          Về nhận thức hành vi tổ chức chéo cho nhau, theo quan điểm của tác giả thì phải trong trường hợp mỗi người đều có 1 trong các hành vi mà tại Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999, tiểu mục 6.1, mục 6, phần II. Ví dụ như: Trong cùng 1 vụ án, A là người cung cấp ma túy, B là người cung cấp địa điểm, C là người cung cấp dụng cụ, phương tiện sử dụng ma túy, thì cả A, B, C đều phạm tội: Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, với tình tiết định khung là “ đối với 02 người trở lên”.
          Quan điểm trên cũng phù hợp với nội dung hướng dẫn của Vụ 14 Viện KSND tối cao nội dung: Tình tiết “đối với 02 người trở lên” áp dụng trong trường hợp trong 01 lần thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội tổ chức cho 02 người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy; 02 người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là các đối tượng không có hành vi đồng phạm với người phạm tội (người chủ mưu, cầm đầu và đồng phạm khác) và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. 
Phù hợp với  Hướng dẫn của vụ 4 Viện KSNDTC về việc áp dụng tình tiết phạm tội đối với 02 người trở lên quy định tại điểm b khoản 2 Điều 255 BLHS, hướng dẫn: Theo đó, để xác định phạm tội “đối với 02 người trở lên” thì phải xác định người phạm tội đã tổ chức cho 02 người khác (không bao gồm bản thân người phạm tội) sử dụng trái phép chất ma túy. Trường hợp có nhiều người bị truy tố về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm thì phải căn cứ xác định số người sử dụng ma túy ít nhất từ 02 người trở lên (không bao gồm bản thân người phạm tội) và 02 người trở lên sử dụng ma túy này có thể là không phạm tội hoặc đồng phạm về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thì bị áp dụng tình tiết “đối với 02 người trở lên”. Như vậy, theo nội dung hướng dẫn này, thì 02 người trở lên là người khác ( không bao gồm bản thân người phạm tội) và cũng có thể là người đồng phạm về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Người đồng phạm ở đây được hiểu là người có hành vi tổ chức chéo cho nhau ( 01 người cung cấp ma túy, 01 người cung cấp địa điểm hoặc cung cấp dụng cụ, phương tiện...) hoặc người giúp sức cho 1 trong những người có hành vi tổ chức.  
Quan điểm thứ 2: A và B phạm tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy với tình tiết định khung phạm tội “đối với 02 người trở lên” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 255 Bộ luật hình sự. Lý do:
          Điều 255 BLHS chỉ quy định “ người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì....”. Điều 255 không quy định là tổ chức trái phép chất ma túy cho người khác. Nên dù A và B có chung tiền nhau mua ma túy về cùng nhau sử dụng, thì cũng phải chịu  trách nhiệm hình sự về tội: Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, không cần phân biệt số ma túy đó đều là của A và B bỏ tiền ra mua.
Với tình huống như ví dụ nêu trên, tác giả thấy rằng việc xử lý A và B theo khoản 1 điều 255 ( quan điểm 1), là phù hợp, đảm bảo tính nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo theo quy định của Bộ luật hình sự. Tuy nhiên trong thực tế có những quan điểm khác nên việc xử lý  khác nhau như đã nêu trên. Do hiện nay chỉ có hướng dẫn đơn ngành,  chưa có văn bản  liên ngành thống nhất hướng dẫn đối với trường hợp nêu trên nên việc áp dụng chưa thống nhất.
 Vì vậy đề nghị  liên ngành trung ương có thẩm quyền cần hướng dẫn cụ thể trường hợp trên để việc áp dụng pháp luật được thống nhất đảm bảo sự công bằng trong áp dụng pháp luật./.
                                                                                                                               Vũ Hoàng Ninh

                                                                                                                            VKSND huyện Tứ Kỳ
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây