- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Theo quy định tại điều 172 và điều 173 BLTTHS thì thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam để điều tra, như sau:
Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.
Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Để đảm bảo đúng nguyên tắc thì thời hạn tạm giam bị can để điều tra, truy tố không được vượt quá thời hạn điều tra, thời hạn truy tố vụ án. Như vậy thì trong bất kể trường hợp nào thời hạn tạm giam của bị can để điều tra, truy tố dài nhất cũng không được vượt quá thời hạn điều tra, truy tố vụ án, ví dụ: Vụ án ít nghiêm trọng thời hạn điều tra là 02 tháng kể từ ngày 01/6 đến hết ngày 30/7, thì thời hạn tạm giam cuối cùng phải đến ngày 30/7.
Với quy định này thì việc ghi thời hạn tạm giam đối với trường hợp bị can bị tạm giữ sau chuyển tạm giam là phù hợp. Nhưng trường hợp ghi thời hạn tạm giam đối với Lệnh bắt bị can để tạm giam còn gặp vướng mắc và chưa thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát.
Vì có nhiều vụ án sau khi khởi tố vụ án để điều tra làm rõ người phạm tội thì Cơ quan điều tra mới ra Quyết định khởi tố bị can và ra Lệnh bắt bị can để tạm giam, cho nên việc ghi thời hạn tạm giam trong Lệnh bắt bị can để tạm giam là bao nhiêu ngày để không bị quá thời hạn điều tra còn có nhiều nhận thức khác nhau? Vì thực tế sau khi ra Lệnh bắt bị can để tạm giam, thì không phải lúc nào VKS cũng phê chuẩn ngay hoặc không phải lúc nào cũng bắt ngay được bị can mà chủ yếu là bắt bị can sau đó vài ngày. Nên trong Lệnh bắt bị can để tạm giam không thể ghi bắt từ ngày nào được và cũng không thể ghi cụ thể là tạm giam bao nhiêu ngày (tính từ ngày bắt đến ngày hết thời hạn điều tra). Trong khi đó mẫu Lệnh bắt bị can tạm giam của Cơ quan điều tra, theo Thông tư 61 của Bộ công an, thì phải ghi thời hạn tạm giam là bao nhiêu tháng, kể từ ngày bắt, nếu ghi như vậy thì thời hạn tạm giam trong trường hợp này sẽ bị quá thời hạn điều tra, ví dụ như vụ án thuộc loại tội nghiêm trọng, thời hạn điều tra là 03 tháng, được khởi tố vào ngày 01/01/2019 nhưng đến ngày 01/02/2019 mới khởi tố bị can và Cơ quan điều tra ra Lệnh bắt bị can để tạm giam, thời hạn là 02 tháng kể từ ngày bắt bị can tạm giam (như vậy là đảm bảo thời hạn tạm giam không quá thời hạn điều tra vụ án), nhưng đến ngày 10/02/2019 mới bắt được bị can, nếu căn cứ vào ngày tạm giam ghi trong lệnh bắt bị can để tạm giam, thì thời hạn tạm giam sẽ bị quá thời hạn điều tra là 10 ngày.
Theo quan điểm của chúng tôi, đối với Lệnh bắt bị can để tạm giam vẫn ghi thời hạn tạm giam theo đúng quy định tại điều 173 BLTTTHS, là phù hợp, vì trong thời hạn điều tra khi kết thúc điều tra Cơ quan điều tra phải ra bản kết luận đề nghị truy tố hoặc bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ. Nên vẫn đảm bảo đúng quy định, còn nếu thời hạn tạm giam của bị can vẫn còn, thì Viện kiểm sát có trách nhiệm áp dụng hay không áp dụng trong thời hạn truy tố.
Do vậy đề nghị hai Ngành cần có sự hướng dẫn, thống nhất trong việc ghi thời hạn tạm giam đối với Lệnh bắt bị can để tạm giam.
Vũ Hoàng Ninh VKSND huyện Tứ Kỳ |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.