Ly hôn và công nhận thuận tình ly hôn là việc Tòa án ra quyết định nhằm gỡ bỏ những ràng buộc pháp lý giữa các bên trong quan hệ hôn nhân gia đình. Tại Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền duy nhất giải quyết việc ly hôn là Tòa án nhân dân. Việc giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Vụ việc ly hôn có đương sự là người Việt Nam ở nước ngoài là một trường hợp đặc thù về ly hôn có yếu tố nước ngoài. Qua thực tiễn công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc này vẫn còn những tồn tại khó khăn vướng mắc khi áp dụng pháp luật điển hình như sau:
Thứ nhất, để giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài trong trường hợp đương sự ở nước ngoài thì hoạt động ủy thác tư pháp ra nước ngoài là vấn đề có tính chất quyết định trong việc đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, hiện nay việc ủy thác tư pháp còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là trong hoạt động ủy thác tư pháp một số công việc như ghi lời khai, tống đạt các văn bản của Tòa án, việc thu thập chứng cứ, xác minh địa chỉ, trưng cầu giám định...
Thứ hai, về việc xác định thẩm quyền của Tòa án, Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Bên cạnh đó, điểm b khoản 1 Điều 470 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam, trong đó có vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài hoặc người không có quốc tịch nếu cả hai vợ chồng cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện chưa có một văn bản nào quy định cụ thể thời gian để xác định “lâu dài” là bao lâu.
Thứ ba, khó khăn trong việc áp dụng pháp luật. Trường hợp không có điều ước quốc tế, áp dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam trên thực tế gặp phải rất nhiều khó khăn.
Thực tế, hiện nay Tòa án lại đang giải quyết các vụ án ly hôn giữa người Việt Nam đang cư trú tại Việt Nam với người Việt Nam đang ở nước ngoài đều theo thủ tục tại Phần 8 như Các phương thức tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự ở nước ngoài (Điều 474); Thông báo về việc thụ lý, ngày mở phiên họp, phiên tòa (Điều 476); Xử lý kết quả tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự ở nước ngoài và kết quả yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thu thập chứng cứ (Điều 477); Công nhận giấy tờ, tài liệu do cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài gửi cho Tòa án Việt Nam (Điều 478); Thời hạn kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án xét xử vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài (Điều 479). Việc giải quyết các vụ này theo thủ tục tại Phần 8 đã đảm bảo được quyền lợi cho các đương sự Việt Nam ở nước ngoài....
Ảnh minh họa
- Khi giải quyết các vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài thực tế hoạt động ủy thác tư pháp ra nước ngoài là vấn đề có tính chất quyết định trong việc đưa vụ án ra xét xử, hoạt động này mất nhiều thời gian giải quyết vụ việc có nhưng vụ việc hết thời hạn chuẩn bị xét xử vẫn chưa có kết quả, hay thông tin ủy thác tư pháp, để giải quyết vấn đề này theo các tác giả thì:
Trong trường hợp Tòa án này ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do cần đợi kết quả ủy thác tư pháp đối với đương sự ở nước ngoài (theo quy định của pháp luật) thì Tòa án không phải ủy thác tư pháp để tống đạt quyết định tạm đình chỉ cho đương sự ở nước ngoài đó nữa; trường hợp này sau khi nhận được kết quả ủy thác tư pháp hay hết thời hạn ủy thác tư pháp thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định chung.
Cần bổ sung quy định đối với trường hợp đương sự ở nước ngoài không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú mà không thông báo địa chỉ mới cho người khởi kiện, cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú ở nước ngoài, làm cho người khởi kiện không biết được, nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện. Cơ quan Tòa án gặp trường hợp này nhưng vẫn phải thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung, điều này dẫn đến nhiều khó khăn vì việc ủy thác tư pháp không có kết quả. Trong trường hợp này, cần phải quy định rõ thủ tục thông báo, niêm yết, xác minh tại địa phương và các cơ quan có thẩm quyền để bảo đảm quyền lợi cho người bị khởi kiện ở nước ngoài, quyền được ly hôn của người khởi kiện.
Để giải quyết khó khăn, vướng mắc này Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP ngày 16/5/2024 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn giải quyết vụ án ly hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài nhưng không rõ địa chỉ
Việc giải quyết các vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài theo nội dung của Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP ngày 16/5/2024 của Tòa án nhân dân tối cao là phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, công văn này chỉ mang tính chất là văn bản nội bộ của ngành Tòa án, không phải văn bản quy phạm pháp luật...
Vì vậy, để thủ tục giải quyết các vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam đang ở Việt Nam với công dân Việt Nam đang ở nước ngoài hoặc ngược lại được thống nhất theo BLTTDS đề nghị Liên ngành có văn bản hướng dẫn thủ tục giải quyết đối với các vụ án này trong khi chờ đợi sửa đổi BLTTDS theo hướng bổ sung thêm vào quy định vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là: Trường hợp một trong các bên là công dân Việt Nam nhưng đang sinh sống, cư trú ở nước ngoài.
|
Phạm Thị Thùy - Phan Thị Thu Huyền - Bùi Thị Hậu
Phòng 9, VKSND tỉnh Hải Dương |