- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Việc xác định “Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động” là một trong những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định theo quy định tại Điều 206 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Mức độ tỷ lệ tổn thương cơ thể, tổn hại sức khỏe trong kết luận giám định pháp y về thương tích là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong giải quyết các vụ án hình sự, được sử dụng là yếu tố cấu thành các tội phạm về xâm hại sức khỏe và định khung nhiều loại tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, việc đánh giá và sử dụng kết luận giám định về thương tích như thế nào trong giải quyết các vụ án hình sự thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định tại Điều 108 Bộ luật tố tụng hình sự. Do vậy, trên thực tiễn phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong việc đánh giá, sử dụng kết luận giám định, tác giả bài viết xin đưa ra một số trường hợp và quan điểm như sau:
(Ảnh sưu tầm, nguồn: Internet)
Thứ nhất, về việc sử dụng kết luận giám định xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể trên hồ sơ:
Theo Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 của Bộ Y tế quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định tâm thần (sau đây gọi tắt là Thông tư 22), tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 22 có quy định về nguyên tắc giám định “Giám định để xác định tỷ lệ % TTCT được thực hiện trên hồ sơ trong trường hợp người cần giám định đã bị chết hoặc bị mất tích hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”. Đến nay, chưa có quy định hướng dẫn về “các trường hợp khác theo quy định của pháp luật” là trường hợp nào. Trường hợp đối tượng giám định cương quyết từ chối đi giám định, cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện dẫn giải theo quy định tại khoản 2 Điều 127 Bộ luật tố tụng hình sự và bàn giao đối tượng giám định cho cơ quan giám định. Tuy nhiên, đối tượng giám định không hợp tác, chống đối không cho giám định viên kiểm tra, giám định dấu vết trên thân thể. Trong trường hợp này, mặc dù không giám định được trên đối tượng giám định nhưng cơ quan giám định vẫn kết luận giám định được trên hồ sơ thì cơ quan tiến hành tố tụng có được sử dụng kết luận giám định này trong khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hay không?
Quan điểm của tác giả, trong trường hợp nêu trên cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện hết trách nhiệm, mặc dù đối tượng giám định không hợp tác trong quá trình giám định nhưng cơ quan giám định vẫn có thể kết luận giám định trên hồ sơ và đảm bảo nguyên tắc “Khi giám định trên hồ sơ, tỷ lệ % TTCT được xác định ở mức thấp nhất của khung tỷ lệ tương ứng với các tỷ lệ % TTCT” theo quy định tại Điều 2 Thông tư 22, thì cơ quan tiến hành tố tụng được sử dụng kết luận giám định này trong khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, để đảm bảo căn cứ vững chắc trong giải quyết vụ án hình sự và giải quyết vướng mắc liên quan đến giám định trên hồ sơ, đề nghị liên ngành các cơ quan tư pháp Trung ương nên phối hợp với Bộ Y tế để thống nhất hướng dẫn về các trường hợp, trình tự, thủ tục liên quan đến giám định trên hồ sơ, tác giả đề xuất đưa trường hợp nêu trên vào danh mục được thực hiện giám định trên hồ sơ theo quy định pháp luật, nhằm đảm bảo công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Thứ hai, việc sử dụng kết luận giám định tỷ lệ % tổn thương cơ thể được làm tròn:
Tại khoản 4 Điều 3 Thông tư 22 quy định: “Khi tính tỷ lệ % TTCT chỉ lấy đến hai chữ số hàng thập phân, ở kết quả cuối cùng thì làm tròn để có tổng tỷ lệ % TTCT là số nguyên (nếu số hàng thập phân bằng hoặc lớn hơn 0,5 thì làm tròn số thành 01 đơn vị)”.
Trên thực tiễn phát sinh tình huống cơ quan tiến hành tố tụng vướng mắc khi lựa chọn sử dụng tỷ lệ % TTCT chính xác hay đã được làm tròn, trong khi kết luận tỷ lệ % TTCT là yếu tố xác định có tội phạm hay không có tội phạm.
Ví dụ như: A và B có mâu thuẫn, dẫn đến việc cãi chửi, dùng tay chân đánh nhau, trong đó A dùng tay chân đánh B gây ra 02 vết thương cho B, cơ quan giám định kết luận 01 vết thương có tỷ lệ % TTCT là 10%, 01 vết thương có tỷ lệ % TTCT là 01%. Tính tổng tỷ lệ % TTCT theo phương pháp quy định tại Điều 4 Thông tư 22 thì tổng tỷ lệ % TTCT của B tại thời điểm giám định là 10,9%, được làm tròn là 11%. B có yêu cầu khởi tố hình sự đối với A.
Trong trường hợp nêu trên, nếu sử dụng tỷ lệ % TTCT được làm tròn (11%) thì hành vi của A cấu thành tội Cố ý gây thương tích quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự, nếu sử dụng tỷ lệ % TTCT (10,9%) trước khi làm tròn thì A không phạm tội.
Quan điểm của tác giả, trong trường hợp nêu trên cơ quan tiến hành tố tụng nên sử dụng tỷ lệ 10,9% TTCT, bởi đây là kết quả chính xác theo phương pháp cộng lùi trong Thông tư 22 và là “kết quả cuối cùng” trước khi làm tròn và để đảm bảo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội trong quá trình giải quyết.
Trên đây là một số vướng mắc về việc sử dụng kết luận giám định tỷ lệ % tổn thương cơ thể trong giải quyết vụ án hình sự. Qua bài viết, tác giả mong muốn nhận được ý kiến tham gia của đồng nghiệp, sự quan tâm, chỉ đạo của liên ngành cấp trên để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Bùi Thị Nhuần VKSND huyện Kim Thành |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.