Vướng mắc trong việc xử lý hành vi nhiều lần trộm cắp tài sả

Thứ tư - 21/09/2022 02:57

Vướng mắc trong việc xử lý hành vi nhiều lần trộm cắp tài sả

Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có nhiều quy định kế thừa quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 về việc lấy trị giá tài sản bị chiếm đoạt làm căn cứ để xử lý trách nhiệm hình sự, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn của Cơ quan có thẩm quyền về vấn đề xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong trường hợp thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu liên tục kế tiếp nhau về mặt thời gian.

Trên thực tế cũng như tinh thần công văn số 64/TANDTC - PC ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính thì trong trường hợp này vẫn vận dụng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25-12-2001của Liên ngành tư pháp TW hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV của Bộ luật Hình sự năm 1999 để vận dụng thực hiện.

Tuy nhiên với các quy định của pháp luật hiện hành, chưa có quy định nào hướng dẫn thi hành đối với việc định lượng tài sản trộm cắp để định khung hình phạt trong trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi trộm cắp liên tục kế tiếp về mặt thời gian trong đó có lần đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự, có lần không đủ yếu tố định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự (giá trị tài sản chiếm đoạt dưới hai triệu) dẫn tới khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.  

 

(Ảnh minh họa: Internet)

Ví dụ cụ thể:  Khoảng 15 giờ ngày 14/5/2022, tại nhà của ông Phạm Văn H, sinh năm 1948, trú tại thôn T, xã H, huyện S, tỉnh D, Nguyễn Hữu H (bản thân H chưa có tiền án, tiền sự) đã lợi dụng sơ hở lén lút chiếm đoạt số tiền 2.500.000 đồng trong ví màu đen để ở dưới đệm trong phòng của ông H.  

Ngày 19/5/2022, Cơ quan CSĐT Công an huyện S khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Hữu H về hành vi trộm cắp 2.500.000 đồng nêu trên.  

Quá trình điều tra mở rộng vụ án, xác định vào khoảng ngày 08/3/2022, tại nhà của anh Nguyễn Văn Q, sinh năm , trú tại thị trấn S, huyện S, tỉnh D, Nguyễn Hữu H đã lợi dụng sơ hở lén lút chiếm đoạt 01 chiếc điện thoại Iphone 6S của anh Q. Trị giá chiếc điện thoại 875.000 đồng. Cơ quan Công an ra QĐ xử phạt vi phạm hành chính, tuy nhiên sau khi VKS truy tố, Toà án trả hồ sơ điều tra bổ sung yêu cầu khởi tố đối với hành vi này.

Trong trường hợp này, nảy sinh 02 quan điểm:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Cần cộng tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt để truy cứu TNHS người phạm tội trong trường hợp này, tức là phải tính tổng giá trị tài sản mà H chiếm đoạt của cả 02 lần thực hiện hành vi tức là 2.500.000 đồng + 875.000 đồng = 3.375.000 đồng, trong trường hợp này cần xác định tổng số giá trị tài sản mà H đã chiếm đoạt là 3.375.000 đồng để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với H.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Chỉ lấy giá trị tài sản trị giá 2.500.000 đồng để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với H và ra quyết định xử phạt hành chính đối với hành vi trộm cắp điện thoại trị giá 875.000 đồng do cho rằng mặc dù hành vi của H không thuộc trường hợp liên tục kế tiếp nhau về mặt thời gian theo hướng dẫn của thông tư 02 bởi lẽ xảy ra ở hai ngày khác nhau không thuộc trường hợp như ví dụ hướng dẫn của Thông tư 02 (Các lần thực hiện hành vi liên tục kế tiếp xảy ra trong một đêm), do đó hành vi thực hiện trước đó không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, cần xử lý hành chính và truy cứu TNHS đối với hành vi phạm tội thực hiện vào ngày 08/3/2022.

Theo quan điểm của chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ hai chỉ lấy giá trị tài sản trị giá 2.500.000 đồng để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với H và ra quyết định xử phạt hành chính đối với hành vi trộm cắp điện thoại trị giá 875.000 đồng trong trường hợp này để xác định giá trị tài sản chiếm đoạt bởi lẽ:

Xét thấy, tại thời điểm thực hiện hành vi trộm cắp chiếc điện thoại của anh Q (ngày 08/3/2022) trị giá 875.000 đồng, H không có yếu tố định tội khác quy định tại khoản 1 Điêu 173 của BLHS (bản thân H chưa có tiền án, tiền sự gì).

Tại thời điểm khởi tố vụ án, khởi tố bị can vụ án hình sự trộm cắp tài sản xảy ra ngày 14/5/2022, chưa đủ căn cứ xác định có vụ án trộm cắp tài sản xảy ra ngày 08/3/2022 và chưa đủ căn cứ xác định hành vi của Nguyễn Hữu H trộm cắp chiếc điện thoại của anh Nguyễn Văn Q ngày 08/3/2022.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 156 BLTTHS về Thay đổi hoặc bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự quy định: "1. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát ra Quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự khi có căn cứ xác định còn tội phạm khác chưa bị khởi tố " .

Tại Điều 180 BLTTHS quy định về việc thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can như sau: "2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải bổ sung quyết định khởi tố bị can nếu có căn cứ xác định bị can còn thực hiện hành vi khác mà BLHS quy định là tội phạm".

Theo hướng dẫn tại các khoản 3, 6 Điều 9 TTLT 04/2018/TTL - VKSNDTC-BCA-BQP về quy định phối hợp giữa CQĐT và VKS trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS.

Theo đó, tại khoản 3 Điều 9 quy định việc bổ sung quyết định khởi tố bị can, nếu quyết định khởi tố vụ án hình sự chưa khởi tố về tội đó thì trước khi ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can phải ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Tại khoản 6 Điều 9 quy định việc ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, bổ sung quyết định khởi tố bị can trong trường hợp bị can có nhiều hành vi phạm tội nhưng cùng tội danh và trường hợp bị can phạm nhiều tội, được thực hiện như sau:

a) Nếu một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội nhưng cùng một tội danh và bị phát hiện cùng một thời điểm, thì chỉ ra một quyết định khởi tố vụ án hình sự, một quyết định khởi tố bị can đối với tất cả các lần phạm tội đó. Nếu trong quá trình điều tra, truy tố phát hiện bị can còn thực hiện hành vi phạm tội có cùng tội danh mà chưa bị khởi tố thì ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi phạm tội đó;

Như vậy, tại thời điểm phát hiện, khởi tố hành vi phạm tội ngày 14/5/2022 thì hành vi lấy chiếc điện thoại ngày 08/3/2022 chưa bị phát hiện, làm rõ.

Theo tinh thần hướng dẫn của TTLT 02/2001 ngày 25/12/2001 của Liên ngành Trung ương hướng dẫn việc áp dụng một số quy định tại Chương XIV "các tội xâm phạm sở hữu" của BLHS năm 1999 tại mục II. 5 xác định trong trường hợp người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu nhưng mỗi lần giá trị tài sản bị xâm phạm dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử phạt hành chính; đã bị kết án nhưng chưa được xoá án tích...), đồng thời trong các hành vi xâm phạm đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nếu tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm, nếu các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.  

Thông tư có ví dụ cụ thể về trường hợp một người liên tục thực hiện nhiều hành vi chiếm đoạt tài sản trong cùng một ngày. Tại Công văn số 64 ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính xác định "Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu, nhưng mỗi lần trị giá tài sản bị xâm phạm dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời trong các hành vi xâm phạm đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nếu tổng trị giá tài sản của các lần bị xâm phạm bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng trị giá tài sản của các lần bị xâm phạm, nếu các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian ".

Tại giải đáp nghiệp vụ tại Hội nghị tập huấn công tác THQCT và KSXX các vụ án hình sự của Vụ THQCT và KSXX án hình sự của Viện KSND tối cao ngày 14/7/2022 trả lời trường hợp bị cáo (chưa có tiền án, tiền sự) có hành vi trộm cắp tài sản nhiều lần vào những thời gian khác nhau (trị giá tài sản đều dưới 2.000.000 đồng) và lần trộm cắp sau có trị giá tài sản chiếm đoạt trên 2.000.000 đồng thì không cộng giá trị tài sản của các lần trộm cắp có giá trị tài sản bị chiếm đoạt dưới 2 triệu để xác định là hậu quả thiệt hại của tội phạm. Tuy nhiên, vẫn phải nhận định đó là thiệt hại để xem xét trách nhiệm bồi thường dân sự đối với người có hành vi phạm tội (giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự). Như vậy, việc xác định tại thời điểm thực hiện hành vi ngày 14/5/2022 với ngày 08/3/2022 (cách nhau 2 tháng, 7 ngày không xác định có tính liên tục). Do vậy, trường hợp này nếu có phát hiện cùng thời điểm cũng không xác định có tính liên tục để cộng vào tính khởi tố trong cùng một quyết định).

Do hành vi lấy chiếc điện thoại bị phát hiện sau khi ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can mà trong trường hợp hành vi lấy chiếc điện thoại đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì phải ra Quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự và bổ sung quyết định khởi tố bị can. Tuy nhiên, bản thân Nguyễn Hữu H chưa có tiền án, tiền sự (các yếu tố định tội được quy định tại khoản 1 Điều 173 của BLHS) nên không có căn cứ ra Quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự và Quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can theo quy định tại các Điều 156, Điều 180 BLTTHS và hướng dẫn tại Điều 6 TTLT 04/2018. Nên đối với hành vi trộm cắp chiếc điện thoại của H vào ngày 08/3/2022 ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Đây là những khó khăn vướng mắc hiện nay khi vận dụng pháp luật trong vấn đề xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt để làm căn cứ định khung hình phạt, thiết nghĩ liên ngành tư pháp Trung ương cần ban hành văn bản sửa đổi, hướng dẫn thực hiện để thống nhất vận dụng trên thực tế.

                                                            Nguyễn Thị La
VKSND huyện Nam Sách

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây