Vướng mắc trong việc xử lý người chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích theo Khoản 7 Điều 134 BLHS năm 2015
Thứ sáu - 01/07/2016 04:58
Qua nghiên cứu điều 134 BLHS quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thấy, tại khoản 7 điều 134 BLHS quy định: “7. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”. Việc xử lý hành vi chuẩn bị phạm tội như nêu trên sẽ khó vận dụng hoặc không thể vận dụng được trong thực tiễn, tôi xin nêu ra một số ý kiến để các đồng nghiệp tham khảo như sau:
Thứ nhất: theo quy định tại Điều 14 thì Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm trừ trường hợp quy định tại Điều 109 (Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân), điểm a khoản 2 Điều 113 (Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân), hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 (Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai) của Bộ luật hình sự. Tại khoản 2 điều 14 quy định người chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì phải chịu trách nhiệm hình sự…
Nhưng tại khoản 1 điều 134 BLHS quy định: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm o khoản 1 điều 134 mới phải chịu trách nhiệm hình sự...Các khoản 2, 3, 4 và 5 cũng tương tự như vậy, đều có hậu quả của hành vi gây thương và kèm theo các tình tiết khác.v.v. Do đó, nếu một người cố ý gây thương tích cho người khác có tỷ lệ thương tích dưới 11% nhưng không thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm o khoản 1 điều 134 thì không phải chịu trách nhiệm hình sự;
Theo khoản 7 điều 134 BLHS thì một người nào đó chỉ cần có một trong các hành vi quy định tại khoản 1 điều 14 (nêu trên) như: mua hung khí để trong nhà mình với động cơ đánh người khác mà không cần phải bước sang giai đoạn thực hiện tội phạm và cũng không cần gây ra cho người khác bất kỳ thương tích gì thì cũng đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự …
Ngư vậy, việc quy định tại khoản 7 điều 134 BLHS là mâu thuẫn với khoản 1 điều luật 134 BLHS, vì việc chuẩn bị công cụ…nhưng chưa có căn cứ để xác định người chuẩn bị đó có gây ra thương tích hay không hoặc sẽ gây ra thương tích gì cho người định phạm? Mặt khác, đây là tội phạm có cấu thành vật chất, bắt buộc có hậu quả xảy ra, do vậy không thể xử lý hành vi chuẩn bị phạm tội khi bị hại chưa có hậu quả tỷ lệ % thương tích…
- Thứ hai: trong thực tiễn có rất nhiều người có công cụ, phương tiện để trong người, trong nhà, nơi làm việc…cũng có không ít người chuẩn bị phạm tội này nhưng khi họ đem công cụ phương tiện đó đi thực hiện tội phạm (bước sang giai đoạn thực hiện tội phạm), không còn ở giai đoạn chuẩn bị nữa nhưng không gây ra hậu quả thương tích gì thì lại không phải chịu trách nhiệm hình sự; cũng không ít người không có động cơ, mục đích phạm tội nhưng nhiều tình huống có thể dẫn đến việc họ bị xử lý theo khoản 7 điều 134 BLHS… việc này dễ dẫn đến sự lợi dụng của người có thẩm quyền thực thi pháp luật hoặc xử lý tràn lan…
Do vậy, thiết nghĩ không nên quy định chuẩn bị phạm tội như Điều 14 và các Điều luật có liên quan của BLHS năm 2015 mà giữ nguyên quy định về “Chuẩn bị phạm tội” theo Điều 17 BLHS năm 2009 là phù hợp và có thể áp dụng được trong thực tiễn.
Trên đây là một số ý kiến trao đổi để các đồng nghiệp tham khảo./.