Bắt buộc chữa bệnh là biện pháp tư pháp được quy định trong Bộ luật hình sự, theo đó căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần Viện kiểm sát hoặc Tòa án, có thể ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.
Điều 49 Bộ luật hình sự 2015 quy định về Bắt buộc chữa bệnh:
“1. Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật này, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.
2. Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
3. Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.
Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù”.
Thủ tục áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh được quy định tại chương XXX, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS):
Điều 447. Điều kiện và thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh
Điều 449. Áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra
Điều 450. Quyết định của Viện kiểm sát trong giai đoạn truy tố
Điều 451. Quyết định của Tòa án trong giai đoạn xét xử
Điều 452. Áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người đang chấp hành án phạt tù
Các quy định của pháp luật TTHS nêu trên đã quy định rõ đối tượng bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong mỗi giai đoạn tố tụng là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án phạt tù. Theo đó trong giai đoạn điều tra, truy tố thì Viện kiểm sát áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh; Trong giai đoạn xét xử và đối với người đang chấp hành án phạt tù thì Tòa án áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Tuy nhiên vấn đề đặt ra là việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (giải quyết nguồn tin về tội phạm) lại chưa được đề cập đến trong BLTTHS. Do đó trong quá trình thực hiện đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.
Điểm d, khoản 3, Điều 147 BLTTHS quy định:
“... 3. Khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành các hoạt động:
a) Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin;
b) Khám nghiệm hiện trường;
c) Khám nghiệm tử thi;
d) Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản.”
Như vậy trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm khi có các dấu hiệu nghi ngờ người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự thì các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định pháp y hoặc giám định pháp y tâm thần để xác định tình trạng người bị tố giác có năng lực trách nhiệm hình sự hay không?. Trường hợp kết luận giám định xác định người bị tố giác là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 BLHS “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự” thì việc xem xét xử lý người bị tố giác được thực hiện như thế nào?.
Trường hợp thứ nhất: Nếu các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quy định tại điều 49 BLHS thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục được thực hiện như thề nào?, vì BLTTHS không quy định nếu áp dụng sẽ trái luật.
Trường hợp thứ hai: Muốn áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh để phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành thì phải ra quyết định khởi tố bị can nhưng vấn đề đặt ra là việc ra quyết định khởi tố bị can có đúng quy định của pháp luật không? Vì trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng căn cứ vào kết luận giám định đã xác định được người bị tố giác là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không phải chịu trách nhiệm hình sự (không đủ yếu tố cấu thành tội phạm) nên việc ra quyết định khởi tố bị can sau đó áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh cũng không khả thi.
Trường hợp không áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với những đối tượng này mà bỏ lửng, đề ngoài xã hội thì chính những đối tượng này có thể sẽ là mối đe dọa lớn tới tính mạng, sức khỏe, gây thiệt hại về tài sản, trật tự, an toàn xã hội…
Từ những phân tích trên, đề nghị liên ngành trung ương cần hướng dẫn thực hiện quy định của Bộ luật tố tụng hình sự theo hướng quy định cụ thể về thủ tục áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm./.
|
Nguyễn Trác Dương, Nguyên Thị Tố Uyên |